(HBĐT) - Chiêng là "vật báu - hồn thiêng" của cộng đồng người Mường Hòa Bình, tự hào là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Và giờ đây, với cách đưa văn hóa chiêng vào cuộc sống thông qua chất "xúc tác" là âm nhạc, người dân càng thêm quý chiêng, thêm yêu thích, nâng niu những làn điệu chiêng Mường.
Bài 3 -  Sức sống văn hóa chiêng Mường




Không chỉ sở hữu số lượng "khủng" chiêng cổ, nghệ nhân Bùi Tiến Xô, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) còn truyền tình yêu âm nhạc chiêng cho các thế hệ vùng Mường Động, Mường Vang qua truyền dạy chiêng Mường.

Thắp lửa cho "phong trào lớn"

Trong khoảng 1 thập kỷ vừa qua, phong trào sắm lại chiêng không những được thổi bùng mà cộng đồng còn hưởng ứng mạnh mẽ việc bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc chiêng Mường. Các chương trình mở lớp truyền dạy chiêng Mường được người dân nồng nhiệt đón nhận, truyền cảm hứng cho "phong trào lớn".

Có một người từng được mời đến hầu khắp các huyện, thành phố trong tỉnh để truyền dạy chiêng Mường là thầy giáo Bùi Ngọc Tú, giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc. Thầy Tú bảo, trực tiếp truyền dạy cho bà con mới thấy cộng đồng dân ta rất đề cao chiêng, hào hứng với các làn điệu chiêng Mường. Thay vì truyền dạy theo cách "truyền tay" hoặc theo "số chiêng" như ông bà ta ngày trước, thầy Tú thử nghiệm và thành công với phương pháp dạy theo "tên chiêng". Theo đó, mỗi người đảm nhiệm một tiếng chiêng, giúp hiệu quả đạt được cao hơn, truyền dạy cho số lượng người đông hơn, người học dễ thuộc, dễ nhớ. Quy mô mỗi lớp học chiêng thường từ 15 - 20 người, nhưng có những lớp được mở với số lượng học viên lên tới hàng trăm. Từ chỗ phải đôn đốc, việc học âm nhạc chiêng trở thành tự giác, người được truyền dạy thật sự cảm hứng, say sưa.

Đặc biệt, những năm 2016 - 2019, xuất phát từ nhu cầu về tinh thần cũng như sự yêu thích đối với bản sắc văn hóa chiêng Mường, nhiều phường, xã trên địa bàn TP Hòa Bình như: Phương Lâm, Dân Chủ, Sủ Ngòi, Tân Thịnh, Thái Bình... đã mở các lớp, mời thầy và một số nghệ nhân chiêng Mường về truyền dạy. Từ đây, mỗi xã, phường đều xây dựng được đội hạt nhân, đội nòng cốt chiêng Mường. Chương trình truyền dạy chiêng Mường còn được nhiều địa phương triển khai mạnh mẽ như các huyện: Cao Phong, Lạc Thủy, Yên Thủy, Kim Bôi, Tân Lạc, Đà Bắc, Lạc Sơn... Các nghệ nhân tích cực truyền dạy cho thế hệ tiếp nối là: Nguyễn Thị Hình - xã Lâm Sơn (Lương Sơn), Bùi Thanh Bình - phường Thái Bình (TP Hòa Bình), Đinh Thị Kiều Dung - thị trấn Bo, Bùi Tiến Xô - xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi)...

Gần đây nhất, vào tháng 7/2020, huyện Lương Sơn đã tổ chức 2 lớp truyền dạy, quy mô lên tới 300 học viên. Có những học viên không có tên trong danh sách nhưng vẫn đăng ký nguyện vọng được tham gia lớp học. Thậm chí, có không ít các mẹ, các chị người Kinh, người Thái tham gia văn hóa, văn nghệ cũng bị "mê hoặc" bởi chiêng Mường. Năm 2014, huyện Lạc Sơn đã tổ chức Hội thi trình tấu chiêng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc và hát dân ca Mường tạo được dư âm. Hiện nay, sau thành công của hoạt động mở lớp tại địa phương, huyện Lương Sơn cũng đang ấp ủ dàn dựng một chương trình văn hóa, văn nghệ tạo "đất diễn" tôn vinh, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa chiêng Mường.

Việc truyền dạy chiêng Mường còn tạo ra sản phẩm văn hóa đặc trưng cho du lịch cộng đồng ở các địa phương, nhất là du lịch vùng hồ sông Đà. Trong 2 năm (2018-2019), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã phối hợp mở được 14 lớp truyền dạy chiêng Mường cho các xóm, bản homestay mà nòng cốt là đội văn nghệ. Thông qua việc phát huy bản sắc chiêng Mường, ở các bản làng du lịch vùng hồ như: Ké - xã Hiền Lương, Đá Bia - xã Tiền Phong (Đà Bắc), Ngòi - xã Suối Hoa (Tân Lạc) đã nhận được sự yêu mến, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong nước, quốc tế.

Tự hào "khoe" bản sắc chiêng Mường

Ở cộng đồng nhiều khu dân cư thuộc 4 Mường (Bi, Vang, Thàng, Động), được tham gia trình tấu chiêng ở các lễ hội lớn không phải là chuyện dễ. Nghệ nhân, những người biết đánh chiêng phải qua bình bầu, bình xét và phải là hộ gia đình văn hóa mới được đi. Cơ hội được tham gia trình tấu, biểu diễn nhạc chiêng trong tâm niệm của người Mường là vinh dự lớn, đại diện cho cả dòng họ để góp tiếng nói, khoe tiếng chiêng đến cộng đồng.

Những năm gần đây, với sự quan tâm, thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều hoạt động lễ hội đã được diễn ra với quy mô từ cơ sở đến cấp tỉnh. Trong đó, diễn xướng chiêng Mường là một trong những nội dung không thể thiếu vắng, tạo điểm nhấn, đậm sắc màu lễ hội. Các ngày hội văn hóa, hội diễn, hội thi, lễ hội đầu năm diễn ra đều có chiêng. Chiêng "thăng hoa" lan tỏa khắp đường làng, đồng ruộng, núi rừng, trong làng, xóm, đình, chùa, quảng trường, sân vận động... Chiêng được trình diễn, trình tấu ở nhiều sự kiện chính trị, KT-XH trọng đại của tỉnh, của địa phương. Tiêu biểu tại Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 1.600 nghệ nhân chiêng đến từ các Mường trong tỉnh đã tham gia màn trình tấu chiêng Mường lớn nhất Việt Nam lần thứ 2. Tại sự kiện này, cùng với văn hóa Mo Mường, nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình được đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Độc đáo hơn, nhiều người dân và du khách được chứng kiến, cảm nhận, hòa mình vào sự kiện diễu hành cồng chiêng đường phố vô cùng ấn tượng. Nhất là với các bậc cao niên, màn diễu hành này dường như làm sống lại không gian văn hóa chiêng của ngày xưa.

Đi kèm với hoạt động lễ hội, sự kiện, chiêng Mường còn có những đóng góp quan trọng giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, mảnh đất và nền văn hóa Hòa Bình. Sự phát triển du lịch cũng là cơ hội để chiêng, nghệ thuật chiêng Mường được khoe giá trị bản sắc, góp phần phát triển KT-XH.

Theo đồng chí Bùi Tú Cao, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, nếu chỉ dừng lại ở "phong trào lớn" thì tình yêu đối với âm nhạc chiêng một lúc nào đó có thể sẽ nhạt phai. Qua kiểm kê của ngành Văn hóa, có 35 - 40 bài chiêng cổ, nhưng đến nay, các bài chiêng thất thoát khá nhiều. Những người biết nhiều được khoảng trên 10 bài, những người biết ít được 2 - 3 bài. Nói vậy để thấy, về lâu dài cần có sự đầu tư về "chất", mà "chất" của âm nhạc chiêng gắn với người nắm giữ, đó là các nghệ nhân. Tạo "chất" chính là cách tốt nhất để duy trì, thúc đẩy phong trào và khiến âm nhạc chiêng Mường trở thành "trầm tích".

Tỉnh đã và đang tạo môi trường để chiêng, âm nhạc chiêng được phát huy, kế thừa, phát triển với việc quan tâm, chú trọng khôi phục, bảo tồn các lễ hội truyền thống, các màn trình diễn, truyền dạy âm nhạc chiêng và thực hiện một số đề tài khoa học về bảo tồn văn hóa chiêng Mường. Từ đây, giá trị tinh thần, giá trị văn hóa, nghệ thuật và không gian gian văn hóa chiêng Mường tiếp tục khẳng định sức sống bền vững trong đời sống người dân, góp phần quan trọng cùng với các giá trị khác (Mo Mường, chữ Mường) làm nên nền Văn hóa Hòa Bình đậm đà bản sắc.

 Nhóm PV phòng VH-XH


Các tin khác


Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục