(HBĐT) - Giữa cuộc sống ồn ào nơi thị thành, một lần được cảm nhận làn sương trắng mờ ảo dưới chân, trải dài vút tầm mắt cùng tiếng lá xào xạc bên tai tạo cảm giác như đang được sống trên mây. Một sự trải nghiệm nhiều người nhất định muốn có để biết được cảm giác chinh phục, được một lần thỏa chí ở chốn bồng lai…


Du khách trải nghiệm ở điểm săn mây xã Hang Kia (Mai Châu).

Một ngày đầu tháng 3, chúng tôi có dịp đến với khu vực săn mây tại xóm Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu). Leo bộ lên với khu cổng trời, điểm săn mây độc đáo nằm ở độ cao 1.100 m so với mặt biển. Mảnh đất này thực sự được thiên nhiên ban tặng những nét đẹp đậm chất của vùng cao. Biển mây mềm mại như dải lụa trắng lưng chừng những ngọn núi cao, hùng vĩ. Để vào khu vực săn mây, du khách chỉ phải trả 20 nghìn đồng, cái giá khá rẻ để có một trải nghiệm đáng nhớ. 

Tại đây, chúng tôi gặp anh Khà A Sơn, người dân bản Hang Kia đã từng bước cùng gia đình tạo nên địa điểm du lịch khá lý tưởng - điểm săn mây. Quanh khu vực săn mây, gia đình anh Khà A Sơn trồng rất nhiều loài hoa như tam giác mạch, ngũ sắc…, nổi bật là hoa cải mùa này nở kín sườn đồi, ngồi trên chòi săn mây hay trên cầu gỗ có cảm giác đang lạc vào chốn bồng lai. Tại đây, mọi người còn có thể check-in vườn hoa đầy thơ mộng, hoặc ngồi trên xích đu vừa ngắm cảnh, vừa chụp những khung hình chênh vênh giữa mây trời.

Thường biển mây đẹp vào khoảng 5 -10 giờ. Nếu đón bình minh ở đây sẽ thấy khung cảnh ánh mặt trời rọi xuống biển mây tạo màu hồng cam mềm mại rất đẹp. Sau khi mặt trời lên cao, thảm mây chuyển về sắc trắng xốp như kẹo bông, vờn quanh những đỉnh núi nhấp nhô trùng điệp. 

Cũng theo anh Khà A Sơn, mùa mây ở đây thường từ tháng 10 đến tháng 4 dương lịch, mây dày đặc nhất là từ tháng 11 đến tháng 2. Muốn có chuyến săn mây trọn vẹn nhất mọi người nên xem dự báo thời tiết huyện Mai Châu. "Nếu không gặp mây, tại vị trí này cũng có thể ngắm được đỉnh Pù Luông (Thanh Hóa) và đỉnh Pha Luông (Sơn La)” - anh Khà A Sơn cho hay.

Được biết, trong 3 năm qua, gia đình anh Khà A Sơn đã đầu tư tiền của, công sức vào điểm săn mây này. Hiện, mỗi ngày bình quân đón cả trăm khách, đa phần là người dưới xuôi tìm đến đây. Gia đình anh thường xuyên có 4 lao động phục vụ khách du lịch, trải nghiệm. 

Sau những mệt mỏi, căng thẳng chạy đua với cuộc sống hối hả nơi khói bụi thành phố, đến với Hang Kia - một nơi du khách có thể hít thở bầu không khí trong lành, nhâm nhi tách trà nóng, đón bình minh lên ở một nơi xa, thưởng thức những món ăn dân dã. Không chỉ có vậy, ở Hang Kia, ngoài săn mây, du khách còn có thể trải nghiệm leo núi, hái chè Shan tuyết, rau rừng, hay quây quần bên hiên nhà thêu váy áo; học vẽ sáp ong, nhuộm chàm, dệt thổ cẩm…

Trao đổi với lãnh đạo huyện Mai Châu được biết, trong những năm gần đây, tỉnh tập trung phát triển để thu hút đầu tư vào du lịch Hang Kia - Pà Cò với mong muốn đưa nơi đây thành một trong các điểm đến hấp dẫn du khách; quyết tâm tạo cú huých thu hút doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương. Đồng thời, bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp về giao thông, nguồn điện, nước sạch, viễn thông, biển chỉ dẫn du lịch… nâng cao sức hấp dẫn, tiện ích cho khách du lịch khi đến với địa phương, mục tiêu nhằm phát triển du lịch địa phương bền vững.


Hồng Trung

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục