(HBĐT) - Tháng 4/2021, cụ bà Bùi Thị Chạ (SN 1920) ở xóm Má 2, xã Bắc Phong (Cao Phong) bước sang tuổi 101. Khi được nghe cán bộ xã, xóm đến tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND, cụ phấn khởi bảo năm nay vẫn sẽ tự tay bỏ lá phiếu bầu cho những người có tài, có đức, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của cử tri tại cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước và cơ quan dân cử địa phương.


Thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng,người dân xã Nam Phong (Cao Phong) nắm chắc Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, sẵn sàng cho ngày bầu cử.


Trò chuyện với chúng tôi, cụ bà Bùi Thị Chạ xúc động: Lá phiếu cử tri tham gia bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của tôi lần này cũng giống như lá phiếu bầu cử ĐBQH trong cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Năm ấy, tôi 26 tuổi. Dù ở địa phương miền núi, giao thông đi lại còn khó khăn nhưng công tác tuyên truyền, vận động cử tri tham gia cuộc tổng tuyển cử đến được từng người dân. 

Theo đó, vào ngày 6/1/1946, trong không khí phấn khởi, với tinh thần đoàn kết toàn dân tộc dâng cao sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, toàn thể Nhân dân   Việt Nam nô nức đi bỏ phiếu, lựa chọn người đại diện xứng đáng vào Quốc hội. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra thành công đã trở thành dấu mốc không thể nào quên trong ký ức những cử tri ngày đó. Trong ký ức của cụ bà Bùi Thị Chạ, không khí chuẩn bị, tổ chức bầu cử rất sôi nổi. Để chuẩn bị Tổng tuyển cử, các Ban bầu cử được thành lập tới tận làng, xã. Tại các điểm bầu cử đều treo cờ Tổ quốc, bên dưới là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh dựng một bảng đen viết bằng phấn trắng họ tên đầy đủ của các ứng cử viên. Tuy chưa tiến hành hiệp thương và tổ chức tiếp xúc cử tri được như bây giờ, nhưng danh sách các ứng cử viên cũng được đưa ra thảo luận, trao đổi và phổ biến rộng rãi tới cử tri. Qua đó, chúng tôi có thể biết người ta đã hoạt động cách mạng như thế nào, sẽ làm gì khi trúng cử để lựa chọn người xứng đáng. Khi bỏ phiếu, những người biết đọc, biết viết tự làm thủ tục bầu cử theo danh sách đã ghi ở bảng đen. Những người không biết chữ cố gắng tự học thuộc lòng mặt chữ để được tự tay viết lên lá phiếu đầu tiên trong đời. 

Cũng như các địa phương trong cả nước, cuộc bầu cử đầu tiên sau ngày độc lập ở Hòa Bình đã được tổ chức nghiêm túc và thành công tốt đẹp. Trong cuộc bầu cử này, ông Quách Công Chẩm, một cán bộ, nhân sỹ được Mặt trận Việt Minh tỉnh đề cử đã trúng cử với số phiếu cao, vinh dự trở thành một trong những ĐBQH đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tiếp sau thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, tháng 4/1946, thi hành quyết định của Quốc hội và Chính phủ, các địa phương trong tỉnh cùng cả nước tiến hành bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Trên cơ sở đó, chính thức cử ra Ủy ban Hành chính các cấp. 

Sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Khi miền Nam được giải phóng, non sông thu về một mối, ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung lần thứ 2 được diễn ra trên phạm vi cả nước. Cuộc bầu cử đã được tổ chức thành công với tỷ lệ cử tri đi bầu cử rất cao. Hơn 23 triệu cử tri (chiếm 98,8%) đi bỏ phiếu (miền Bắc 99,36%, miền Nam 98,59%). Quốc hội khóa VI (1976 - 1981) được bầu ngày 25/4/1976 là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, tổng số có 492 đại biểu. Nhớ lại kỳ bầu cử đầy cảm xúc đó, ông Nguyễn Văn Cửu, nguyên Phó Bí thư TT Tỉnh ủy chia sẻ: Thời điểm đó, tôi đang làm Bí thư Đảng ủy Nhà máy cơ khí 3/2. Đây cũng là thời kỳ tỉnh Hòa Bình đã thực hiện việc sáp nhập với tỉnh Hà Tây (cũ) thành tỉnh Hà Sơn Bình. Thời điểm đó, được cầm lá phiếu trên tay ai cũng có một cảm giác sung sướng tột độ. Hơn 300 cán bộ, công nhân viên Nhà máy cơ khí 3/2 cũng vậy. Bởi sau bao nhiêu mất mát, hy sinh, bao nhiêu mong chờ, cuối cùng đất nước cũng có ngày non sông thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà. Do vậy, cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 có dấu ấn đặc biệt. Ngày 25/4/1976, tôi cùng nhiều cử tri là đồng nghiệp trong nhà máy hân hoan đến nơi bầu cử cùng người dân ở thị xã Hòa Bình để bỏ phiếu bầu các vị đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Ngày đó, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về bầu cử còn đơn sơ, nhưng đâu đâu cũng bắt gặp không khí tưng bừng, nét mặt vui tươi của cử tri được đi bầu cử trong không khí đất nước hòa bình, thống nhất... 

Trải qua nhiều cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp, theo ông Nguyễn Văn Cửu, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 lần này có ý nghĩa đặc biệt, bởi đất nước ta vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nhiệm kỳ Quốc hội 2016 - 2021 nhiều đổi mới, thành công toàn diện trên tất cả các mặt, đưa ra nhiều quyết sách quan trọng làm nền tảng, tiền đề để phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập. Cử tri chúng tôi tin tưởng thành công của cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp lần này sẽ tiếp nối những thành công đã đạt được để đưa đất nước có nhiều đổi mới, phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn nữa.

 
Mạnh Hùng


Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục