Ông Hà Văn Phú, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) chăm chú đọc từng câu, từng lời trong bài minh đúc trên thân chuông, xung quanh được chạm khắc hoa văn hình sóng nước và lá đề, trang trí hình tứ linh long - ly - quy -phượng rất nổi bật. Đây là lần thứ 4 ông Phú cùng gia đình đặt chân đến Côn Đảo. Cũng như 3 lần trước, điểm đến đầu tiên là đền thờ Côn Đảo và ông lại dừng chân rất lâu ở nhà treo chuông để đọc lại bài minh ý nghĩa này:
"… Tưởng người xưa, càng nặng ân tình
Nhìn đất cũ, chưa khô huyết lệ
Trên quê hương thắng lợi phồn vinh
Giữa thế giới hòa bình hữu nghị
Tiếng chuông đồng mãi mãi vọng tiền nhân
Gương Côn Đảo đời đời soi hậu thế”.
Những dòng cảm nhận đi sâu vào lòng người đọc và tạo ra những rung động chân thành. Sở dĩ toàn bộ bài minh được đúc trên thân Đại hồng chung – linh hồn của đền thờ Côn Đảo là vì nội dung trọn vẹn và sâu sắc đã nói hộ lòng người, thể hiện niềm trân quý, tri ân, thành tâm tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân, anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã hy sinh tại mảnh đất thiêng liêng này.
Với chất giọng truyền cảm, nữ thuyết minh viên tên Bằng say sưa giới thiệu về vùng đất quê hương nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Bằng cho biết, Côn Đảo là vùng đất thiêng ghi dấu sự đấu tranh kiên cường, bất khuất của các anh hùng, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Nhân dân ta. Điểm nhấn của nơi đây là khu di tích lịch sử Côn Đảo -một trong những di tích lớn nhất, lâu đời nhất và đặc biệt quan trọng của quốc gia. Trong suốt 113 năm thống trị (1862 - 1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm, đày đọa hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng của ta, biến nơi đây thành "địa ngục trần gian” khét tiếng. Nhưng cũng chính tại nơi đây, các chiến sĩ cách mạng đã thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết của người Cộng sản, cùng tạo nên một biểu tượng vô song của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam…
Hiện nay, Côn Đảo là huyện có chính quyền 1 cấp, trong đó, thị trấn Côn Đảo nằm trên một thung lũng hình bán nguyệt, tập trung toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của cả quần đảo. Đây là quần đảo tiền tiêu nằm ở Đông Nam nước ta, gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ. Sử sách xưa nay gọi hòn đảo lớn nhất của quần đảo này là Côn Đảo (hay còn tên gọi khác là Côn Lôn), cả quần đảo với tổng diện tích khoảng 76 km2 cũng gọi chung bằng địa danh ấy.
Đến với thị trấn Côn Đảo, du khách đặc biệt ấn tượng khi đến thăm khu di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo. Theo Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, gồm 20 di tích với tổng diện tích bảo vệ trên 110 ha. Trước đó, khu di tích đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận năm 1979 gồm 19 di tích trọng điểm với tổng diện tích 47,74 ha. Đến thăm khu di tích đặc biệt này, không thể không đến nghĩa trang Hàng Dương - trải rộng 20 ha với trên 1.900 phần mộ, là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày kéo dài 113 năm đã lần lượt hy sinh dưới ách tàn bạo của thực dân, đế quốc. Nằm trong quần thể khu di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho các thế hệ người Việt. Nói như Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu: "Gương Côn Đảo đời đời soi hậu thế”. Nơi đây, hàng vạn chiến sĩ cách mạng yên nghỉ trong lòng đất mẹ anh hùng, hàng chục vạn người con yêu nước đã kiên trung chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ là những tấm gương sáng ngời, vĩ đại, cùng tạo nên những giá trị vô song cho Côn Đảo ngày nay - vùng đất thiêng liêng, đầy tự hào khiến hàng triệu người con của đất nước Việt Nam luôn hướng về với niềm tri ân và ngưỡng vọng đặc biệt.
Thu Trang