(HBĐT) - "10 năm trước, tôi nhận nhiệm vụ lên xã Pà Cò để làm việc, thời điểm đó, chỉ cần nghe tên hai địa danh Hang Kia, Pà Cò là nhiều người lại lắc đầu với nỗi khiếp sợ, bởi trong tiềm thức nhiều người, đây được coi là "lãnh địa” của thuốc phiện và của những hủ tục lạc hậu, tuy là người địa phương được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ về "cắm bản” cùng Nhân dân từng bước thực hiện Đề án số 03, nhưng giờ nhớ lại trong tôi đó thật sự là những ngày tháng không thể quên". Đó là những tâm sự của anh Hàng A Phứ, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò trong suốt 10 năm thực hiện nhiệm vụ trên quê hương của mình.

Bài 1 - Một thập kỷ phục hồi "miền đất dữ” Hang Kia - Pà Cò 

>> Bài 2 - Qua gian khó càng sáng tỏ lòng dân, ý Đảng 



Cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Mai Châu tham gia hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo xã Hang kia.

Hang Kia, Pà Cò là 2 xã đồng bào Mông thuộc huyện Mai Châu, cách trung tâm huyện 50 km, cách TP Hòa Bình khoảng 100 km, giáp với xã Lóng Luông và Vân Hồ, huyện Mộc Châu (Sơn La). Thời tiết ở đây rất khắc nghiệt, mùa mưa thường xuyên xảy ra lũ ống gây sạt lở, mùa khô gây hạn hán kéo dài, mùa đông rét đậm, sương mù dày đặc ảnh hưởng không ít đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân; đường giao thông đến trung tâm 2 xã là con đường độc đạo, hạn chế giao lưu với các xã lân cận. 10 năm về trước đây là 2 địa danh nổi tiếng trong cuộc chiến khốc liệt giữa lực lượng Công an với các đối tượng buôn bán ma túy tại xã, 3 chiến sỹ công an đã hy sinh trong cuộc chiến tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững ANTT và cuộc sống bình yên của Nhân dân.

Không chỉ vậy, 2 xã đều có nhiều khó khăn về kinh tế so với mặt bằng chung của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người thấp (3,6 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo còn cao (xã Pà Cò 39%, xã Hang Kia 38%), một số hộ vẫn tái trồng cây thuốc phiện (năm 2009 có 36 hộ trồng với diện tích 1.594,9 m2); sản xuất chủ yếu là thuần nông, đường đến các bản do dân tự mở (còn 18 km chưa được cải tạo, nâng cấp), số người tái mù chữ tăng (chủ yếu là phụ nữ); hệ thống truyền thanh - truyền hình, viễn thông tỷ lệ phủ sóng rất ít; nước sinh hoạt là một thứ "xa xỉ” với người dân nơi đây do chưa có hệ thống nước sạch; hoạt động chăm sóc sức khỏe chưa được quan tâm và còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tình hình tranh chấp đất đai giữa 2 xóm Pà Háng Lớn của xã Pà Cò với xã Lóng Luông (Mộc Châu) nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện tượng vi phạm pháp luật về ma túy có chiều hướng gia tăng, trong đó có nhiều đối tượng bị truy nã đặc biệt; một số hoạt động mê tín dị đoan mang màu sắc tà đạo vẫn diễn ra. Đáng chú ý, các đối tượng tội phạm đã lợi dụng con, cháu của một số cán bộ, đảng viên, lôi kéo họ tham gia phạm tội.

Đề án số 03 của Tỉnh ủy - quyết tâm đổi mới từ gian khó

Trước những diễn biến đó, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt và sự quan tâm của T.Ư trong Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 13/4/1994 của Ban Bí thư về công tác ở vùng dân tộc Mông, Thường trực Tỉnh ủy đã nhiều lần họp để đánh giá thực trạng, tìm cách tháo gỡ, quyết tâm hướng về Hang Kia, Pà Cò, đưa "chảo lửa ma túy” trở lại cuộc sống bình yên, phát triển. Ngày 14/1/2010, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 03-ĐA/TU về củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu. Mục tiêu chính của đề án tập trung vào 6 vấn đề chủ yếu, gồm: Củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển KT-XH; tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; bài trừ hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; giữ vững, củng cố QP-AN.

Có thể nói, Đề án số 03 đã tạo bước chuyển mình ngoạn mục trong quá trình thay đổi tổng thể sự phát triển của 2 xã, mà "chìa khóa” để giải quyết khó khăn đó chính là sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành trong việc phải nâng cao chất lượng lãnh đạo của 2 Đảng bộ xã, hoạt động theo đúng nguyên tắc và quy chế làm việc, tăng cường công tác cán bộ đủ năng lực để làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Tỉnh đã tăng cường thêm mỗi xã 1 Phó Chủ tịch UBND xã là cán bộ Công an huyện và Ban CHQS huyện, 2 đồng chí đều là người dân tộc Mông, có quê hương tại đây, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, được Nhân dân tín nhiệm.

Đồng chí Hàng A Phứ, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò chia sẻ: Những ngày đầu mới đảm nhận công việc, mặc dù là người địa phương nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tôi cũng gặp không ít khó khăn, từ một trung úy quân đội về phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội của xã, tôi phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là trong các tình huống hòa giải, xử lý tranh chấp đất đai, nạn tảo hôn, tệ nạn trồng cây thuốc phiện và tàng trữ ma túy… Pà Cò và Lóng Luông là 2 xã giáp nhau nhưng là địa giới hành chính của 2 tỉnh, từ năm 2000 đã xảy ra việc tranh chấp đất đai, mặc dù đã được lãnh đạo 2 tỉnh quan tâm giải quyết nhưng vẫn còn tình trạng thanh niên và bà con gây gổ, mâu thuẫn, trước tình hình đó, tôi đã kiên trì cùng đoàn thể xã vận động, giải thích cho bà con hiểu, không gây mất an ninh trật tự.

Với góc độ là lãnh đạo phụ trách văn hóa tại xã Hang Kia, anh Vàng A Nhà đã đề xuất với lãnh đạo Công an huyện, lãnh đạo xã thành lập dòng họ tự quản về ANTT, anh đã tự soạn quy ước bằng tiếng Mông, mở các hội nghị và mời những người già có uy tín trong dòng họ để thảo luận quy ước, đưa vào thực hiện với mục đích bài trừ tệ nạn ma túy, tảo hôn, mê tín dị đoan. Đối với những trường hợp manh động, cầm đầu và tham gia buôn bán, sử dụng ma túy đều bị dòng họ lên án, tố cáo và bị bắt giữ, còn đối với những đối tượng bị lôi kéo, anh kiên trì cùng trưởng các dòng họ vận động, tuyên truyền trở về cuộc sống lương thiện.

(Còn nữa)

Thanh Huyền

(Kho bạc Nhà nước tỉnh)


Các tin khác


Thực hiện quy chế dân chủ ở cở sở - Động lực phát triển bền vững

(HBĐT) - Từ việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nội dung quy chế dân chủ (QCDC) theo phương châm dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận cao trong tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bài 1: Phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi 

Linh thiêng tháng 7

(HBĐT) - Vẫn còn nguyên nỗi xúc động không nói thành lời khi lần đầu tiên đến cầu Hiền Lương, sông Bến Hải (Quảng Trị) sau những ngày đất nước thống nhất. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dấu vết của những năm tháng khốc liệt với nhiều hy sinh mất mát vẫn còn đó. 

“Gương Côn Đảo đời đời soi hậu thế”

(HBĐT) - Đó là câu kết trong bài minh bất hủ của Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu được trân trọng đúc chữ nổi trên thân quả chuông "Đại hồng chung” đặt tại Đền thờ Côn Đảo (thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đền thờ là nơi dành để tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc tại hệ thống nhà tù Côn Đảo.

Chuyển đổi số - động lực mới cho tương lai nông nghiệp

(HBĐT) - Chuyển đổi số (CĐS) giúp giảm thiểu tối đa tổn thất trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, Hòa Bình là tỉnh miền núi, đời sống của người dân còn khó khăn, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp chưa đồng bộ; vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp còn thấp đã ảnh hưởng tới quá trình thực hiện CĐS trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp.

Bài 2 - Thách thức trong hành trình hội nhập 

Mang tình cảm, tấm lòng của người dân Hòa Bình đến với vùng tâm dịch

(HBĐT) - TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang trở thành điểm nóng Covid-19 với những diễn biến vô cùng phức tạp. Từ khắp mọi miền Tổ quốc, trăm triệu con tim Việt hướng về phương Nam với tinh thần xung kích, tình nguyện, sẵn sàng chia sẻ khó khăn của đồng bào. 26 chiến sỹ áo blu trắng mang tâm huyết, tình cảm của người dân Hòa Bình đã lên đường chia lửa với đồng bào miền Nam thân yêu.

Chuyển đổi số - động lực mới cho tương lai nông nghiệp

(HBĐT) - Phát huy tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã quan tâm thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Qua đó, góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng và nâng tầm giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, hành trình thực hiện CĐS trong nông nghiệp còn nhiều điểm nghẽn cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân. 
 
Bài 1 - Những dấu ấn chiến lược

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục