(HBĐT) - Thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn vào 18h ngày 27/7, trên các tuyến đường ra vào huyện Lương Sơn luôn có hàng trăm cán bộ, chiến sỹ công an, nhân viên y tế túc trực tại các điểm chốt. Dưới ánh nắng chói chang, nhiều cán bộ, chiến sỹ áo ướt đẫm mồ hôi, nhân viên y tế trùm kín bảo hộ bằng ni lông cả ngày lẫn đêm vì sự an toàn cho Nhân dân, tăng cường phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 ở mức cao nhất.
Lực lượng chức năng kiểm tra y tế đối với các chủ phương tiện tại chốt quốc lộ 6, huyện Lương Sơn tiếp giáp TP Hà Nội.
Sáng 28/7, sau 12 tiếng kể từ khi huyện áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường PCD Covid-19, chúng tôi có mặt tại chốt kiểm soát Lâm Sơn trên tuyến quốc lộ 6. Chốt được thiết lập ngay đỉnh dốc Kẽm, nơi tiếp giáp với TP Hoà Bình.
Tại đây, mặc dù mới 8h30 nhưng đã có khá nhiều lái xe tải chở hàng hoá liên tỉnh xuống trình thủ tục và thực hiện kiểm tra y tế. Hầu hết các xe được phép qua lại địa bàn huyện là chở hàng hoá, nằm trong diện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh.
Thời điểm này, có khá nhiều phương tiện ô tô cũng như người dân đi xe máy phải quay đầu do không đảm bảo các thủ tục để vào hoặc đi qua địa bàn huyện. Một số người dân được các lực lượng chức năng tại chốt hướng dẫn quay trở lại đi theo hướng khác để đến các tỉnh, thành phố lân cận.
Tại chốt, một một lái xe người Hải Dương, biển kiểm soát xe ô tô 34C-137.27 trình giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh do Sở GTVT Hải Dương cấp, trên giấy ghị địa chỉ xuất phát là số 1, đường Cái Lân, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long (Quảng Ninh) và địa chỉ kết thúc là khu công nghiệp Lương Sơn, xã Hoà Sơn, huyện Lương Sơn (Hoà Bình). Trong giấy ghi rõ thời gian lưu thông 24/24h, thời hạn đến hết ngày 20/8/2021. Sau khi kiểm tra thủ tục như đo thân nhiệt, trình giấy test đảm bảo âm tính với Covid-19, lái xe người Hải Dương được phép qua trạm để chở các mặt hàng là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tại khu công nghiệp Lương Sơn.
Khác với chốt tại dốc Kẽm, điểm chốt cũng trên quốc lộ 6, thuộc địa bàn huyện tiếp giáp với TP Hà Nội khá căng thẳng. Hàng đoàn xe tải nối đuôi nhau chờ đến lượt kiểm tra giấy tờ cũng như kiểm tra thân nhiệt và giấy tờ y tế liên quan đến Covid-19. Tại đây, các nhân viên y tế trong bộ bảo hộ ni lông trùm kín người thay phiên nhau thực hiện test nhanh cho các tài xế, người dân, lực lượng công nhân có nhu cầu ra vào huyện. Ngoài đường, dưới cái nắng chói chang, các lực lượng công an giao thông, cảnh sát cơ động và thanh tra giao thông tỉnh tập trung điều hướng luồng xe đảm bảo không gây mất an toàn cũng như ách tắc giao thông.
Theo thiếu tá Dương Thế Tùng, Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh, chốt duy trì hoạt động 24/24h. Các lực lượng tham gia được phân công cụ thể, thực hiện nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Các phương tiện giao thông qua chốt vào tỉnh vào tỉnh phải có giấy chứng nhận hoạt động trên luồng xanh do Bộ GTVT cấp. Ngoài ra còn có các phương tiện chuyên chở các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm, xe công vụ. Về con người phải có giấy test nhanh âm tính với Covid-19. Trường hợp không có sẽ được thực hiện test nhanh ngay tại chốt có hiệu lực trong 24h.
Sau khi UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 27/7/2021 về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn huyện theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã thành lập Ban Chỉ huy PCD Covid-19 cấp huyện và cấp xã, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Theo đồng chí Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện, đối với việc triển khai lập các chốt kiểm soát dịch bệnh, Ban Chỉ huy PCD Covid-19 của huyện đã giao Công an huyện, UBND các xã, thị trấn lập các chốt kiểm soát dịch tại tất cả các tuyến giao thông đường bộ trên địa bàn. Trong đó, đối với các chốt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ do Công an huyện chủ trì; các chốt trên tuyến đường xã, đường thôn, xóm do UBND các xã, thị trấn chủ trì. Thống kê đến nay, huyện đã triển khai 13 chốt kiểm soát PCD Covid-19 trên các trục đường chính từ các địa phương khác vào huyện.
Ban Chỉ huy PCD Covid-19 huyện cũng yêu cầu UBND các xã, thị trấn chỉ đạo, triển khai thực hiện rào chắn, đóng cửa các đường mòn, lối mở không cần thiết trên địa bàn.
Được biết, liên tục từ khi thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh về giãn cách xã hội đến nay, Ban Chỉ huy PCD Covid-19 huyện Lương Sơn đã đến kiểm tra từng chốt kiểm soát trên toàn huyện nhằm đảm bảo an toàn ở mức cao nhất trong PCD Covid-19 trên địa bàn.
Hồng Trung
(HBĐT) - Chuyển đổi số (CĐS) giúp giảm thiểu tối đa tổn thất trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, Hòa Bình là tỉnh miền núi, đời sống của người dân còn khó khăn, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp chưa đồng bộ; vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp còn thấp đã ảnh hưởng tới quá trình thực hiện CĐS trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp.
Bài 2 - Thách thức trong hành trình hội nhập
(HBĐT) - TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang trở thành điểm nóng Covid-19 với những diễn biến vô cùng phức tạp. Từ khắp mọi miền Tổ quốc, trăm triệu con tim Việt hướng về phương Nam với tinh thần xung kích, tình nguyện, sẵn sàng chia sẻ khó khăn của đồng bào. 26 chiến sỹ áo blu trắng mang tâm huyết, tình cảm của người dân Hòa Bình đã lên đường chia lửa với đồng bào miền Nam thân yêu.
(HBĐT) - Phát huy tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã quan tâm thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Qua đó, góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng và nâng tầm giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, hành trình thực hiện CĐS trong nông nghiệp còn nhiều điểm nghẽn cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân.
Bài 1 - Những dấu ấn chiến lược
(HBĐT) - Trên hành trình "du sơn, ngoạn thủy” vùng hồ Hòa Bình, du khách sẽ có cơ hội khám phá những phiên chợ bên sông. Chợ thường họp từ trước bình minh và không quá kéo dài nên hãy tranh thủ đi chơi chợ bất cứ khi nào gặp dịp.
(HBĐT) - Dưới điều kiện thời tiết nắng nóng gần 400C, nhiều người lao động vẫn phải vất vả, chật vật để mưu sinh.
(HBĐT) - Gian khổ, hiểm nguy, thiếu ăn, mặc, thuốc men và ở trong những căn lán tạm, nhưng "tiếng hát vẫn át tiếng bom”. Đó là những ký ức một thời tuổi trẻ của những cựu thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Đội TNXP chống Mỹ cứu nước N111, thực hiện nhiệm vụ mở đường trục huyện Đà Bắc (nay là đường tỉnh 433). Ở tuổi thất thập, họ mong được gặp lại nhau, cùng thăm lại nơi ở và nơi làm việc những năm tháng tại ngũ, chứng kiến sự đổi thay trên tuyến đường huyền thoại này.