(HBĐT) - Thăm quê hương Phú Nghĩa (Lạc Thủy) trong những ngày Tháng Tám lịch sử. Mỗi ngõ phố, khu dân cư rực rỡ hơn với sắc màu của cờ và băng rôn, khẩu hiệu.


Khu di tích Nhà máy in tiền đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2007.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, sau khi nhận Lệnh Tổng khởi nghĩa, đêm 22/8/1945, đông đảo quân và dân xã Cố Nghĩa (nay là xã Phú Nghĩa) cùng Nhân dân các dân tộc huyện Lạc Thủy nhất tề đứng lên giành lại chính quyền. Chính quyền cách mạng xã nhanh chóng được thành lập, lãnh đạo Nhân dân chiến đấu, bảo vệ xóm làng và lần lượt thành lập các tổ chức đoàn thể cứu quốc.

Tháng 3/1946, Chính phủ quyết định chuyển nhà máy in tiền của cách mạng về địa bàn xã, tại đồn điền của nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện. Nơi đây trở thành vị trí trọng yếu và tuyệt đối bí mật cần được bảo vệ đặc biệt, vinh dự được Bác Hồ về thăm. Vì vậy, chính quyền và LLVT luôn chỉ đạo chặt chẽ công tác phòng gian, giữ bí mật cho nhà máy in tiền. Lời căn dặn "… cố gắng tăng gia sản xuất, làm ra nhiều ngô, lúa ủng hộ kháng chiến, sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù cướp nước...” của Bác đã tiếp thêm sức mạnh, lòng quyết tâm của quân và dân nơi đây với cách mạng.

Trong những năm kháng chiến, không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia ngăn chặn, tiêu diệt địch trong các cuộc tiến công phá hoại, Nhân dân và lực lượng du kích xã còn làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho nhà máy in tiền đầu tiên của Nhà nước... Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với bộ đội chủ lực tham gia đánh địch cả trong và ngoài địa bàn. Những thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Cố Nghĩa đã được ghi nhận, cuối năm 2010, quân và dân xã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Trong thời bình, khi non sông đã thu về một mối, Đảng bộ, Nhân dân xã Phú Nghĩa ngày nay tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương giàu đẹp. Xã luôn quan tâm, đổi mới phương thức lãnh đạo, đề ra những chủ trương đúng đắn, phù hợp với địa phương, từ đó tạo chuyển biến trong mọi lĩnh vực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân. Phú Nghĩa ngày càng khang trang, đẹp đẽ với những ngôi nhà cao tầng, những vườn chè xanh ngát, vườn cây trĩu quả ngọt. Cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, người dân có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị sản xuất ước đạt 308,2 tỷ đồng, đạt 57,4% kế hoạch, bằng 103,96% so với cùng kỳ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Xã đã triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Xây dựng các vườn mẫu, cải tạo vườn tạp, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ đạo sản xuất theo hướng an toàn và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất. Phát triển, mở rộng mô hình cây ăn quả cho thu nhập cao (cam, bưởi, cam Canh), duy trì, phát triển diện tích chè... Trong chăn nuôi, các mô hình trang trại, gia trại nuôi gà Lạc Thủy phát triển đa dạng, mô hình nuôi bò 3B và chăn nuôi bò sữa trên đà phát triển mạnh mẽ. Hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, AN-QP không ngừng nâng cao về chất lượng. Công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo được quan tâm thực hiện tốt.

Đồng chí Dương Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng, tiếp tục xây dựng, phát triển quê hương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và Nhân dân Phú Nghĩa không ngừng nỗ lực vươn lên. Kết cấu hạ tầng được hoàn thiện; hết năm 2021, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt trên 52 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 2%. Xã giữ vững và nâng cao 19 tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, tiếp tục triển khai các hạng mục theo 4 tiêu chí đối với xã NTM kiểu mẫu. Ngoài thôn 2A đã được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu, xã thực hiện nâng cấp các tiêu chí tại thôn An Ninh và mở rộng khu dân cư NTM kiểu mẫu tại thôn Đồng Thung. Hoàn thiện hồ sơ xã NTM kiểu mẫu gửi UBND huyện thẩm định.


Thu Hằng


Các tin khác


Những kỷ niệm với nghề báo

(HBĐT) - Không gì nhanh bằng thời gian, mới đó cũng đã gần 6 năm tôi gắn bó với nghề báo và làm việc tại một cơ quan báo Đảng tỉnh. Khoảng thời gian tuy chưa dài nhưng cũng cho tôi nhiều trải nghiệm trong nghề với những kỷ niệm khó quên, là động lực để tôi cố gắng hoàn thiện hơn mỗi ngày, từ trau dồi thêm kiến thức đến bản lĩnh người làm báo cần rèn giũa. Để mỗi khi nhớ lại những ngày đầu làm báo, tôi lại thấy thêm yêu nghề hơn, bởi nhiệt huyết tuổi trẻ và lòng yêu nghề giúp tôi ngày một trưởng thành.

Mô hình hoạt động nào phù hợp đối với chi bộ đông đảng viên?: Bài 3 - Chi bộ "lớn” phải là chi bộ mạnh

(HBĐT) -  Chi bộ đông đảng viên (ĐV) có nhiều thuận lợi trong việc triển khai công việc, phát động các phong trào thi đua để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng tại đơn vị, khu dân cư. Tuy nhiên, với những khó khăn phát sinh và mô hình hoạt động tự phát mỗi nơi một kiểu như hiện nay đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt. Ngoài ra, vấn đề nâng cao chất lượng cấp ủy nói chung, đặc biệt là cấp ủy những chi bộ đông ĐV nói riêng cũng như vấn đề chế độ, chính sách cho đội ngũ cấp ủy, tổ trưởng tổ Đảng (TTTĐ) rất cần được quan tâm thỏa đáng. Tất cả để hướng đến mục tiêu chi bộ lớn phải là chi bộ mạnh, là những cánh chim đầu đàn trong công tác xây dựng Đảng.

Mô hình hoạt động nào phù hợp đối với chi bộ đông đảng viên?: Bài 2 - Nhiều khó khăn phát sinh đối với chi bộ đông đảng viên

(HBĐT) - Hoà Bình là tỉnh miền núi, dân cư sống thưa thớt, sau sáp nhập xóm, tổ dân phố, nhiều xóm, khu dân cư mới có diện tích rộng, đảng viên (ĐV) đông lại sống rải rác gây không ít khó khăn trong công tác quản lý ĐV. Ngoài ra, vì ĐV quá đông, cơ sở vật chất các nhà văn hóa khu dân cư chật hẹp ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sinh hoạt chi bộ. Vấn đề xếp loại chất lượng sinh hoạt và đánh giá, xếp loại chi bộ hàng năm ở những chi bộ đông ĐV cũng bộc lộ nhiều bất cập.

Mô hình hoạt động nào phù hợp đối với chi bộ đông đảng viên?: Bài 1 - Chi bộ đông đảng viên - mỗi chi bộ một mô hình vận hành

(HBĐT) - Thực hiện việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố và sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh, số chi bộ đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng bộ bộ phận giảm khá nhiều. Tuy nhiên, số lượng đảng viên (ĐV) tại các chi bộ mới sáp nhập, kiện toàn lại tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3, hình thành các chi bộ có số ĐV rất đông. Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tính đến ngày 15/7/2022, toàn tỉnh có 3.181 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng bộ bộ phận. Trong đó, 138 chi bộ có từ 50 - 100 ĐV (136 chi bộ khu dân cư, 2 chi bộ ở đơn vị sự nghiệp). Đặc biệt, có 3 chi bộ khu dân cư có trên 100 ĐV. Công tác vận hành, tổ chức sinh hoạt chi bộ, triển khai công việc ở các chi bộ có số ĐV đông đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. 

Bài 5 - Gìn giữ, phát huy những "báu vật" của cha ông

(HBĐT) - Trong kho tàng di sản văn hoá (DSVH) dân tộc Mường, nếu mo Mường được xem là một sáng tạo vĩ đại thì chiêng Mường chính là báu vật của người Mường. Chiêng Mường cùng với sáo ôi, đàn nhị, trống da trâu... đã tạo nên âm nhạc Mường với những nét độc đáo, uyển chuyển và duyên dáng. Ngày nay, nghệ thuật chiêng Mường và âm nhạc dân tộc Mường được bảo tồn, phát huy tạo nên những giá trị tinh thần nhân văn cao đẹp trong cộng đồng người Mường, đồng thời làm phong phú, đa dạng thêm cho nền âm nhạc dân gian Việt Nam. Thành tựu đó có được trước hết là nhờ những nghệ nhân xứ Mường đã dành cả cuộc đời gìn giữ, phát huy những "báu vật” của ông cha để lại.

Bài 4 - Nâng niu lời ru đất Mường

(HBĐT) - Dân ca là một loại hình văn nghệ quen thuộc và gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất hàng ngày của Nhân dân các dân tộc. Lời ca ngọt ngào, sâu lắng, gần gũi đã nuôi dưỡng tâm hồn của biết bao thế hệ. Bằng tâm huyết và niềm đam mê, các nghệ nhân hát dân ca của tỉnh đang ra sức bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của những làn điệu dân ca, lan tỏa mạnh mẽ trong cuộc sống đương đại, để nét văn hóa truyền thống của dân tộc sống mãi với thời gian.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục