(HBĐT) - Nhờ nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương (NSĐP) sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh. Mỗi đồng vốn chuyển sang là thêm một sự đồng hành, một cơ hội để có thêm những người lao động vượt lên khó khăn.  




Được vay vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH, gia đình ông Đặng Văn Chín, khu Thống Nhất, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thuỷ) đầu tư vào vườn bưởi, giúp tăng thu nhập.

Giúp người dân nâng cao thu nhập

Gia đình ông Đặng Văn Chín, khu Thống Nhất, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thuỷ) là 1 trong hơn 3,5 nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển kinh tế gia đình, khi được vay vốn của NHCSXH từ nguồn vốn uỷ thác NSĐP chuyển sang. Đầu tư trồng bưởi nhiều năm nhưng chỉ 2 năm trở lại đây, hiệu quả kinh tế vườn bưởi đem lại mới được như kỳ vọng của ông Chín. Đưa chúng tôi đi thăm vườn bưởi đỏ, bưởi Diễn, bưởi da xanh đan xen, ông Chín chia sẻ: Mặc dù xác định vườn bưởi là một trong những nguồn thu nhập chính nhưng thời gian đầu, do đồng vốn hạn hẹp nên chưa đầu tư bài bản được. Hai năm trước, được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm (GQVL), gia đình đã chỉnh trang lại vườn, đầu tư phân bón. Nhờ đó thu nhập tăng gấp đôi so với trước đây. Hiện, bình quân mỗi năm vườn bưởi cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng.  

Nếu vốn chính sách giúp gia đình ông Chín nâng cao giá trị vườn bưởi thì với gia đình chị Bùi Thị Phước, xóm Liên Hồng 1, xã Khoan Dụ (Lạc Thuỷ), đồng vốn đã giúp họ khôi phục lại nghề chăn nuôi lợn. Gia đình chị Phước duy trì nghề chăn nuôi lợn hơn 10 năm. Mấy năm trước, dịch tả lợn châu Phi đã khiến đàn lợn hàng chục con nhiễm bệnh, buộc phải tiêu huỷ, bao nhiêu vốn liếng tích cóp theo đàn lợn đi mất. Tiếc nghề, khi dịch bệnh qua đi, gia đình chị Phước vẫn duy trì nuôi lợn nhưng ở mức độ cầm chừng. "Sau khi bị thiệt hại do dịch bệnh, việc khôi phục lại chăn nuôi khó khăn. Rất may năm ngoái gia đình được vay 50 triệu đồng vốn GQVL từ NHCSXH để tiếp tục chăn nuôi lợn. Hiện gia đình đang nuôi 4 con lợn nái và vài chục con lợn thịt. Với giá lợn tăng trở lại như hiện nay gia đình rất phấn khởi. Cảm ơn nguồn vốn vay của NHCSXH” - chị Phước bộc bạch.

Qua trao đổi với lãnh đạo UBND thị trấn Hàng Trạm (Yên Thuỷ) và xã Khoan Dụ (Lạc Thuỷ), điểm chung của 2 địa phương này đều là những vùng có điều kiện KT-XH cao hơn so với mặt bằng chung. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đã giảm đáng kể nên việc tiếp cận các chương trình tín dụng của NHCSXH gặp khó khăn (do giảm đối tượng khách hàng vay vốn). Tuy nhiên, nhu cầu được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế của người dân còn rất lớn. "Thị trấn Hàng Trạm có hơn 400 hộ vay vốn NHCSXH, dư nợ trên 14 tỷ đồng. Trong đó, cho vay GQVL đã và đang là chương trình đem lại hiệu quả cao. Hiện, nhu cầu vay vốn của người dân còn rất lớn, mong tiếp tục được các cấp chính quyền, NHCSXH quan tâm, đáp ứng vốn vay cho bà con” - đồng chí Phạm Văn Di, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hàng Trạm (Yên Thuỷ) chia sẻ.

Nguồn vốn uỷ thác từ NSĐP không chỉ được NHCSXH cho vay GQVL mà hiện đang chú trọng cho vay xuất khẩu lao động (XKLĐ). Gia đình ông Hoàng Thái Hồ, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thuỷ) là một trong những hộ đầu tiên được vay nguồn vốn này. Theo ông Hồ cho biết, con trai ông đi XKLĐ sang Nhật Bản với chi phí khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên gia đình còn thiếu 60 triệu đồng. Số tiền này đã được NHCSXH cho vay từ nguồn NSĐP chuyển sang. "Với gia đình tôi, trong lúc gấp rút, việc lo đủ tiền cho con đi XKLĐ khó khăn. Do đó, đồng vốn NHCSXH cho vay rất quý. Sau vài tháng sang Nhật Bản, công việc của con tôi đã ổn định và gửi được tiền về cho gia đình” - ông Hồ chia sẻ.

Tăng vốn uỷ thác ngân sách địa phương

Đến nay có thể khẳng định, nguồn vốn uỷ thác từ NSĐP sang NHCSXH đang đem lại hiệu quả thiết thực trong GQVL cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2022, tổng nguồn vốn cho vay GQVL của tỉnh là 150 tỷ đồng, đã hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.992 lao động. Trong 8 tháng năm 2023, số vốn giải ngân cho vay GQVL gần 148 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3.344 lao động. Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn này còn lớn, nhất là ở các huyện, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Lạc Thuỷ đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020. Đồng chí Nguyễn Thu Hường, Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: Những năm qua, huyện quan tâm chuyển vốn từ NSĐP sang NHCSXH. Đặc biệt 2 năm (2021 - 2022), số vốn chuyển sang tăng từ 500 triệu đồng lên 2 tỷ đồng mỗi năm. Riêng năm 2023, con số này là 2,2 tỷ đồng, qua đó đã giúp khoảng 300 lao động trên địa bàn có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nhu cầu được vay vốn của các hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo còn rất lớn. Do đó, việc tiếp tục chuyển thêm vốn từ NSĐP sang NHCSXH sẽ góp phần GQVL cho nhiều lao động.

Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Nguồn vốn uỷ thác từ NSĐP chuyển sang NHCSXH thực hiện cho vay GQVL và XKLĐ đã có nhiều khởi sắc. Sau khi được vay vốn, hầu hết người lao động có kinh tế ổn định, cuộc sống được cải thiện. Đối với chương trình cho vay vốn XKLĐ, đây là hướng đi quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện mục tiêu GQVL, giảm nghèo bền vững, góp phần tăng thu nguồn ngoại tệ về nước. Năm 2022, toàn tỉnh có 139 lao động vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, tổng số tiền giải ngân hơn 9,4 tỷ đồng. 8 tháng năm nay có 58 lao động vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, tổng số tiền giải ngân gần 5 tỷ đồng.

Đồng chí Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh: Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được lãnh đạo tỉnh quan tâm, xác định đây là một trong những kênh quan trọng góp phần GQVL, thoát nghèo bền vững. Ngày 9/12/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 216/2022/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ vay vốn đối với người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2023 - 2026. Thời gian tới, dự kiến nhu cầu tăng trưởng dư nợ chương trình cho vay tín dụng chính sách hàng năm gần 400 tỷ đồng. Việc tiếp tục bổ sung nguồn vốn NSĐP ủy thác qua NHCSXH sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn chính sách của người dân.

Theo đó, ngày 5/9/2023, UBND tỉnh có văn bản giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp Chi nhánh NHCSXH tỉnh và các đơn vị có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch đề xuất bổ sung nguồn vốn. Với những kết quả đã đạt được và định hướng sắp tới của tỉnh về bổ sung nguồn vốn NSĐP sang NHCSXH đã khẳng định, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã thực sự đi vào cuộc sống và lan toả mạnh mẽ. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội. Qua đó tiếp tục củng cố sự vững chắc của trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, vì mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau”.  

Viết Đào



Các tin khác


Chuyển động Mường Bi: Bài 2 - Đổi mới trong chỉ đạo, điều hành

(HBĐT) - Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhận thức, tư duy, cách làm và diện mạo Mường Bi thay đổi đáng ghi nhận. Các lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển KT-XH có những chuyển động tích cực. Có thể thấy được sự chuyển mình rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực KT-XH, từ vùng thuận lợi đến vùng cao, vùng sâu, xa của huyện Tân Lạc.

Chuyển động Mường Bi: Bài 1 - Điểm sáng nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội

(HBĐT) - Đảng bộ huyện Tân Lạc đã và đang đổi mới tư duy, cách làm, triển khai toàn diện công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo. Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, các nhiệm vụ chính trị và có những sản phẩm cụ thể, mở ra cơ hội phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Xây dựng Tân Lạc trở thành huyện phát triển trung bình của tỉnh, đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Về làng Sen, nhớ Bác...

(HBĐT) - "Vô xứ Nghệ, thăm làng Sen quê Bác nhé!” - Theo lời hẹn của cô bạn đồng nghiệp, tôi tìm về xứ Nghệ để thăm làng Sen quê Bác. Nơi đây có lũy tre xanh rì rào, có mái nhà tranh lá mía đơn sơ, hàng râm bụt mơn mởn dẫn lối và hương hoa sen tỏa thơm ngát, hòa quyện trong nắng gió miền Trung. Nơi đây thấm đượm những câu chuyện về Bác nên ai cũng thấy bồi hồi…

Những mô hình nhỏ, ý nghĩa lớn ở xã Định Cư

(HBĐT) - Thời buổi "tấc đất tấc vàng”, nhà nào cũng muốn lấn ra thêm một chút để cái sân rộng hơn, mảnh vườn được thêm luống rau. Và khi cổng, tường bao đã được xây dựng kiên cố thì việc giải tỏa, mở rộng đường làng ngõ xóm sẽ rất khó khăn.

Mường Hịch ngày mới

(HBĐT) - Xã Mai Hịch (Mai Châu) trước kia gọi là Mường Hịch, bốn bề rừng rậm, đường gập ghềnh sỏi đá, cuộc sống khó khăn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, Mường Hịch đã có nhiều khởi sắc. Giờ đây, đường bê tông chạy dọc các xóm, nhà văn hóa khang trang, điện lưới, mạng internet đến từng hộ.

Ký ức không quên của người cựu chiến binh xứ Mường

(HBĐT) - Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 là dịp đặc biệt ý nghĩa đối với ông Đinh Công Trạch - cựu chiến binh sinh ra tại đất Mường. Hơn 10 năm trong quân ngũ, ông Trạch đã trải qua nhiều chiến dịch, tham gia nhiều trận chiến, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục