Bài 1- Nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém

(HBĐT) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Cán bộ (CB) là cái gốc của mọi công việc… Công việc thành công hay thất bại đều do CB tốt hay kém”. Trong văn kiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) XIII của Đảng, nhiệm vụ trọng tâm được chỉ ra đầu tiên đó là "tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng… xây dựng đội ngũ đảng viên và CB các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Điều này đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác cán bộ (CTCB). Thực hiện NQĐH XIII của Đảng, NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, hàng loạt giải pháp quyết liệt, mang tính đột phá, chiến lược đã được tỉnh ta triển khai để khắc phục những yếu kém trong CTCB. Từng bước xây dựng đội ngũ CB đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh, toàn diện.




Lãnh đạo UBND huyện Kim Bôi tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đăng ký đất đai tại bộ phận 
Tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện để ngăn ngừa tiêu cực, sai phạm.

Giáp ranh với Hà Nội, giao thông đi lại thuận tiện, tiềm năng thiên nhiên - văn hóa phong phú… Hòa Bình có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, nhiều năm nay, Hòa Bình vẫn loay hoay là một tỉnh nghèo. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh còn chiếm 22,3%. Người dân trong độ tuổi lao động phải ly hương đi làm ăn xa. Nhiều năm, tỉnh đứng trong nhóm cuối trên Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Và một trong những nguyên nhân chính được thẳng thắn chỉ ra đó chính là yếu tố con người - đội ngũ cán bộ, công chức (CB,CC) của tỉnh.
Tỉnh "trải thảm", cán bộ "rải đinh"?
Đánh giá tại Báo cáo số 559-BC/BCSĐC, ngày 18/8/2023 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo chuyên đề "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ. Nâng cao trách nhiệm CB,CC nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh" cho thấy, năm 2021, Hòa Bình đứng thứ 62/63, năm 2022 đứng thứ 53/63 tỉnh, thành phố trong Bảng xếp hạng PCI. Theo phân tích kết quả chỉ số PCI của tỉnh năm 2022, có đến 5 chỉ số thành phần liên quan đến CB,CC được đánh giá không tích cực, bao gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức. 
Đặc biệt, có một số chỉ tiêu nhỏ liên quan trực tiếp đến CB,CC được đánh giá ở mức rất thấp như: hướng dẫn thủ tục rõ ràng, đầy đủ (xếp thứ 63/63), CB bộ phận "một cửa” nhiệt tình, thân thiện (xếp thứ 62/63), doanh nghiệp nhận thấy CB thanh, kiểm tra lợi dụng thực thi công vụ nhũng nhiễu doanh nghiệp (xếp thứ 61/63)… Cùng với đó là vấn đề năng lực CB của các cơ quan, đơn vị trong việc quản trị website rất đáng lo ngại khi tất cả các chỉ tiêu nhỏ như: thông tin trên website của tỉnh về ưu đãi/khuyến khích/hỗ trợ đầu tư; về TTHC; về các văn bản điều hành chỉ đạo của tỉnh; chất lượng website của tỉnh... đều xếp thứ 63/63. Điều này đã kéo điểm chỉ số thành phần "tính minh bạch” xuống thấp nhất từ năm 2015 đến nay, ảnh hưởng không nhỏ đến điểm số và xếp hạng PCI của tỉnh năm 2022.
Các chỉ tiêu nhỏ khác liên quan đến đội ngũ CB,CC như: am hiểu về chuyên môn, giải quyết công việc hiệu quả… cũng được các DN đánh giá thấp. Trong khi tỉnh đã và đang nỗ lực tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư và tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước, quốc tế… trải thảm đỏ thu hút đầu tư nhưng kết quả đánh giá của các DN đã cho thấy rõ nét về thực tế "trên trải thảm, dưới rải đinh”! 
Thực tế cũng cần ghi nhận sự nỗ lực của đội ngũ CB,CC trong thực thi nhiệm vụ những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều hạn chế chưa được khắc phục triệt để. Ngoài chỉ số PCI là một minh chứng thì cũng cần thẳng thắn nhìn nhận trên địa bàn tỉnh vẫn có tình trạng một số CB,CC,VC đi muộn về sớm; đùn đẩy trách nhiệm giải quyết công việc sai quy định; thái độ làm việc, hướng dẫn thiếu nhiệt tình; thiếu thân thiện khi làm việc… khiến cho người dân, các tổ chức phải đi lại nhiều lần; tốn kém chi phí, thời gian, công sức, tình trạng này kéo dài nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. 
Tình trạng cán bộ "nhúng chàm”
Liên quan đến CTCB, có một thực tế khá "nóng” thời gian qua mà dư luận rất quan tâm đó là vấn đề CB,CC,VC vi phạm quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ năm 2020 - 2022, toàn tỉnh có 209 CB,CC,VC bị xử lý kỷ luật; trong đó có 23 người bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong 9 tháng năm nay, cơ quan cảnh sát điều tra đã và đang tiến hành điều tra, khởi tố một số vụ án liên quan đến CB các cơ quan, đơn vị như: Phòng TN&MT huyện Mai Châu, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trực thuộc Sở GTVT, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện: Kim Bôi, Lạc Thủy, Hạt kiểm lâm huyện Lạc Sơn, CB,CC cấp xã của huyện Lương Sơn và gần đây nhất là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh… Trong các vụ việc này sẽ có nhiều CB,CC,VC bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chủ yếu vi phạm quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phần lớn xảy ra trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2016 - 2021.
Chưa có thời điểm nào mà CB tỉnh ta vi phạm quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bị kỷ luật, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự nhiều đến như vậy. Đáng buồn là tội danh các CB,CC bị kỷ luật, khởi tố trải rộng trên nhiều nội dung như: lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; vi phạm quy định về quản lý đất đai; nhận hối lộ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản; vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng… CB "nhúng chàm” là CC,VC cho đến lãnh đạo xã, lãnh đạo các trung tâm và đau đớn hơn là có cả nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh và Uỷ viên BTV Tỉnh ủy.
Đáng lưu ý, theo số liệu Báo cáo số 588-BC/TU, ngày 28/8/2023 của Tỉnh ủy về "Sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII" cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã xem xét, xử lý trách nhiệm 16 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó đã có 6 người bị xử lý hình sự. Việc CB, nhất là CB lãnh đạo, quản lý vi phạm kỷ luật, bị khởi tố… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, chính quyền. 
Nhiều việc cần làm trong công tác cán bộ
Nhìn thẳng vào những hạn chế của CTCB, ngày 2/7/2021, Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 209-KL/TU về sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về "tập trung xây dựng đội ngũ CB các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Tỉnh ủy đã chỉ ra nhiều hạn chế trong việc xây dựng đội ngũ CB các cấp, nhất là cấp chiến lược của tỉnh. Cụ thể như chất lượng đội ngũ CB một số nơi chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, còn tình trạng mất cân đối về chuyên ngành đào tạo trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý từ cấp tỉnh đến huyện. Một số CB lãnh đạo, quản lý hạn chế về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; còn có CB lãnh đạo, quản lý chưa thực hiện tốt quy định nêu gương, chất lượng, hiệu quả trong công việc chưa tương xứng với trình độ đào tạo, chưa thực sự đề cao tính chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chưa có nhiều CB có tư duy, tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm hoạch định chiến lược phát triển KT-XH, nhất là khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. 
Bên cạnh đó, việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy về CTCB ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn chậm và thiếu tính chủ động; bố trí CB lãnh đạo, quản lý một số trường hợp còn bất hợp lý về cơ cấu, chuyên ngành, trình độ đào tạo… Tỷ lệ nữ, trẻ, cơ cấu ba độ tuổi trong quy hoạch ở một số đơn vị còn hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng CB trong quy hoạch có lúc chưa chủ động, kịp thời, có nơi thiếu hụt CB, một số nơi chưa quan tâm tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng CB trẻ, nữ, dân tộc. Công tác luân chuyển, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ CB có địa phương còn thiếu đồng bộ, chưa xây dựng được luân chuyển CB từng giai đoạn và hàng năm. Việc quản lý CB và kiểm tra, giám sát CTCB của một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động, kịp thời.  
Từ những hạn chế được chỉ ra, trong 2 năm qua, tỉnh đã quyết liệt, mạnh dạn có nhiều bước đi mang tính đột phá, đổi mới trong CTCB nhằm khắc phục những hạn chế, từng bước hiện thực hóa mục tiêu "xây dựng đội ngũ CB có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ”.

(Còn nữa)

Dương Liễu



Các tin khác


Phục sinh làng Mường trên đất nước triệu voi

(HBĐT) - Tháng 6/2022, chúng tôi từ TP Hòa Bình vào huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa dự giỗ lần thứ 186 cụ Quách Văn Hiệp và ra mắt tập sách "Miền thương nhớ” của cụ Quách Thuận Lương. Các cụ gốc người Mường Khụ, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn). Cụ Quách Văn Hiệp là người có công lãnh đạo dân Mường từ Ngọc Lâu vào khai phá, lập làng vùng Lân Ru (nửa sau thế kỷ XIX), sau là châu Như Xuân và nay là 2 huyện Như Thanh, Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong chuyến đi này, kỹ sư thủy lợi Quách Tự Hải, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình tiết lộ: "Ở tỉnh Hủa Phăn (Lào) có một làng người Mường sinh sống” làm chúng tôi rất ngạc nhiên và ấp ủ ý tưởng sang Lào tìm hiểu thực hư.

Thú câu cá trên lòng hồ - gạt bỏ những lo toan cuộc sống

(HBĐT) - Lòng hồ sông Đà phong cảnh hữu tình, không chỉ có tiềm năng cho nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch mà còn là điểm hẹn của những người yêu thích thiên nhiên với những chuyến dã ngoại, thỏa mãn thú vui câu cá.

Gỡ “nút thắt” phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước: Bài 3 - Đồng bộ giải pháp, linh hoạt cách làm

(HBĐT) - Với những "điểm nghẽn” đã được nhận diện, thời gian qua, Ban chỉ đạo xây dựng Đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN) tỉnh Hòa Bình đã kiên trì, sát sao, triển khai đồng bộ các giải pháp, linh hoạt trong cách làm, nỗ lực tạo nên những bước chuyển đáng ghi nhận.

Gỡ “nút thắt” phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước: Bài 2 - Nhận diện “điểm nghẽn”

(HBĐT) - Hiện nay, toàn tỉnh có gần 5.000 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và hợp tác xã hoạt động với tổng số trên 81.000 lao động. Tuy nhiên mới có trên 60 doanh nghiệp có tổ chức đảng với gần 1.200 đảng viên. Điều này cho thấy có "điểm nghẽn”, khiến kết quả thực hiện công tác phát triển Đảng ở khu vực kinh tế tư nhân chưa tương xứng.

Gỡ “nút thắt” phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước: Bài 1 - Đảng viên tiên phong, doanh nghiệp phát triển

(HBĐT) - Phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN) là nhiệm vụ rất quan trọng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Ðảng, phát huy hơn nữa vai trò, sự đóng góp xã hội của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai công tác này cho thấy còn những "điểm nghẽn”, cần đồng bộ giải pháp, cách làm để "khơi thông”. Xây dựng tổ chức đảng vững mạnh trong DNNKVNN là tiền đề, cơ sở để tạo động lực thi đua lao động sản xuất. Thực tế cho thấy, tại nhiều doanh nghiệp, lực lượng đảng viên đã phát huy hiệu quả vai trò tiền phong, gương mẫu, nỗ lực sáng tạo, đi đầu trong mọi hoạt động.

Chuyển động thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: Bài 3 - Đề cao trách nhiệm người đứng đầu giải quyết các điểm nghẽn cản trở sự phát triển

(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh đạt mức trung bình của cả nước: Thu ngân sách 10.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững... BTV Tỉnh ủy đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đổi mới chỉ đạo điều hành, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, mở cánh cửa cho Hòa Bình phát triển nhanh và bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục