Hàng rào lưới B40 được Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Định Cư (Lạc Sơn) vận động doanh nghiệp, người dân lắp đặt tại khu vực suối sâu để đảm bảo an toàn, được nhân dân nhiệt tình ủng hộ.
Cán bộ luân chuyển - làm gì để dân tin?
Đầu tháng 9, chúng tôi có dịp đi thực tế ở xã Định Cư. Đây là 1 trong 6 xã của huyện Lạc Sơn mà cả 2 vị trí chủ chốt (Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã) đều là CB luân chuyển. Sau 2 năm có cán bộ chủ chốt luân chuyển từ nơi khác đến, Định Cư đã vươn từ vị trí thứ 22/24 xã, thị trấn năm 2020 lên xếp thứ 8 năm 2022 trong xếp hạng thi đua 33 mặt công tác của huyện. Đặc biệt, công tác CCHC năm 2020 xếp thứ 13/24 thì đến năm 2022 vươn lên dẫn đầu toàn huyện. Từ một địa phương chưa triển khai được việc dồn điền, đổi thửa thì nay Định Cư là điển hình về công tác này, được các xã bạn đến học tập khi đã triển khai dồn điền được ở 3 xóm: Bai Vớn, Bai Chơn, Bai Khưa từ 1.195 thửa giảm còn 225 thửa.
Đưa chúng tôi đi thực tế các xóm, Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Tẩn và Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Giang không nói nhiều về những thành tích của Định Cư đã làm được trong hơn 2 năm qua. Đồng chí Bùi Văn Tẩn cho biết: Tháng 6/2020, chúng tôi được luân chuyển về Định Cư. Tháng 10/2020, Đảng ủy, UBND xã tổ chức cuộc tiếp xúc đối thoại đầu tiên với Nhân dân, chúng tôi đã hơi "sốc” khi có rất ít bà con đến tham dự. Tìm hiểu thì mới biết là nhiều đề xuất, kiến nghị của bà con trước đó đã không được giải quyết thỏa đáng. Trước tình hình đó, chúng tôi hiểu rằng ưu tiên số một là phải sát sao với từng xóm, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con và từng bước giải quyết, tháo gỡ.
Theo đó, hàng loạt phần việc nhỏ nhưng thiết thực với đời sống người dân đã được 2 người đứng đầu địa phương tập trung giải quyết như: xây dựng hàng rào kênh mương khu vực thủy điện xóm Bán (nơi trước đó có 4 trẻ em đuối nước thương tâm vì không có rào chắn – PV); cắt hạ 4 cây gạo to liên quan đến vấn đề tâm linh của một gia đình nhưng đe dọa an toàn trường học bên cạnh; giải tỏa hành lang đường giao thông nông thôn các gia đình lấn chiếm; giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp đất đai trên địa bàn xã… Được dân tin, có sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên nên việc triển khai các nhiệm vụ công tác khác vì thế đã thuận lợi, trôi chảy.
Là một trong những địa phương đi đầu trong việc luân chuyển CB, hiện nay, Lạc Sơn có 20/24 xã, thị trấn có CB chủ chốt không phải là người địa phương; 6 xã có cả 2 vị trí chủ chốt (Bí thư và Chủ tịch) không phải là người địa phương. Ngoài ra, 30% CB lãnh đạo quản lý cấp huyện (từ phó phòng, ban, đơn vị sự nghiệp trở lên) của huyện đã được luân chuyển ngang (giữa các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp) hoặc dọc (luân chuyển, điều động về xã, thị trấn). Không vướng mắc những mối quan hệ họ hàng chằng chéo; không bị chi phối bởi vấn đề lợi ích của cá nhân, người thân quen, đội ngũ CB luân chuyển được đánh giá là đã xông xáo, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, tháo gỡ những vấn đề "nóng” tại cơ sở, từ đó tạo được niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân.
Tiếp tục luân chuyển, điều động để khắc phục tồn đọng, hạn chế trong công tác cán bộ
Quyết liệt thực hiện điều động, chuyển đổi vị trí công tác, ngày 19/5/2021, Tỉnh ủy Hòa Bình đã có Thông báo số 29-TB/TU về "kết luận của BTV Tỉnh ủy về kết quả rà soát thời gian giữ chức vụ lãnh đạo quản lý đối với các chức danh từ phó trưởng phòng đến phó ngành ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện”; Kế hoạch số 163-KH/TU, ngày 31/3/2023 về việc "luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với CB diện BTV Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025” và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác về công tác luân chuyển, điều động CB. Trong đó thẳng thắn chỉ rõ việc rà soát, theo dõi thời gian bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ lãnh đạo quản lý chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, BTV Tỉnh ủy yêu cầu thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với các đồng chí lãnh đạo từ phó phòng trở lên nếu thời gian giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ (8 năm) trong cùng một địa phương, cơ quan, đơn vị hoặc khi thấy cần thiết. Một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức CB, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác từ đủ 2 năm đến 5 năm. Đồng thời khuyến khích việc điều động CB lãnh đạo quản lý giữa các cơ quan Đảng, đoàn thể với cơ quan chính quyền và ngược lại. Quan điểm là bố trí sắp xếp, sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ CB; tăng cường CB cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp; góp phần khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín. Phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực; kịp thời thay thế những trường hợp năng lực, trình độ, phẩm chất, uy tín không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đối tượng luân chuyển là CB trẻ, có triển vọng; các đồng chí trưởng phòng và tương đương ở các cơ quan cấp tỉnh, tuổi dưới 40 có quy hoạch các chức danh diện BTV Tỉnh ủy quản lý…
Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 5/2023 đã điều động, bổ nhiệm 73 lượt CB diện BTV Tỉnh ủy quản lý. Đặc biệt, ngày 24/4/2023, BTV Tỉnh ủy triển khai quyết định điều động, luân chuyển, bổ nhiệm 21 CB lãnh đạo quản lý các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Đây là đợt điều động, luân chuyển, bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo quản lý sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị lớn nhất từ trước tới nay.
Không chỉ ở cấp tỉnh, công tác luân chuyển, điều động cũng diễn ra mạnh ở các địa phương, tiêu biểu như huyện Lạc Sơn, TP Hòa Bình… Nếu như Lạc Sơn đã làm tốt việc luân chuyển ngang (CB chủ chốt từ xã này sang xã kia) thì TP Hòa Bình lại thực hiện hiệu quả việc điều động, luân chuyển CB từ thành phố về xã, phường. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, thành phố đã luân chuyển, điều động 16 đồng chí từ các phòng, ban chuyên môn, hội đoàn thể về giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các xã, phường. Qua đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành của cơ sở.
Trao đổi về hiệu quả công tác luân chuyển CB những năm gần đây, đồng chí Bùi Thị Thu Hằng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Việc luân chuyển CB đã từng bước khắc phục được tình trạng cục bộ, khép kín, hụt hẫng, bị động và trì trệ trong công tác CB. Hạn chế tình trạng sử dụng, bố trí CB đảm nhận chức vụ quá lâu ở một vị trí công tác. CB luân chuyển luôn giữ vững lập trường, tư tưởng, yên tâm công tác. Cấp ủy, chính quyền địa phương nơi CB được luân chuyển đến luôn đoàn kết, đồng thuận, nhất trí cao để nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy. CB được luân chuyển phát huy tốt năng lực, sở trường, kiến thức, kinh nghiệm; kết quả được Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 bầu tham gia cấp ủy khóa mới của địa phương với phiếu tín nhiệm cao. Việc luân chuyển và bố trí CB không phải người địa phương đã tạo điều kiện cho CB rèn luyện, chủ động trong chỉ đạo, điều hành và khắc phục được những tác động không mong muốn của mối quan hệ họ hàng, dòng tộc.
(Còn nữa)
Dương Liễu