Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh (thứ 2 từ trái sang) khảo sát thực tế tại Trường PT DTBT TH&THCS Đồng Nghê thuộc địa bàn được phân công theo dõi là xã Nánh Nghê (Đà Bắc).
Trăn trở tháo gỡ khó khăn cùng địa phương
Nánh Nghê cách trung tâm huyện Đà Bắc gần 90km, giao thông đi lại rất khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chiếm tới 58,7%, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 27%. Thu nhập bình quân đầu người mới đạt 24 triệu đồng/tháng. Đây là xã xa nhất, khó khăn nhất của huyện Đà Bắc cũng như của toàn tỉnh. Nánh Nghê có diện tích đất canh tác ít, chủ yếu là núi đá; dân cư sống thưa thớt; việc xây dựng nông thôn mới mới đạt 9/19 tiêu chí. Do đó, khi nhận nhiệm vụ phụ trách địa bàn xã Nánh Nghê, đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh hiểu rằng thách thức trước mắt là rất lớn.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Thị Thảo cho biết: Ngay khi được BTV Tỉnh ủy phân công phụ trách xã Nánh Nghê, tôi đã làm việc với lãnh đạo xã; đi thực tế xuống các xóm, gặp gỡ trò chuyện với bà con để tìm hiểu về những cái khó và cả tiềm năng của địa phương mà chưa tận dụng, khai thác được. Nánh Nghê là địa bàn thường xuyên bị thiên tai, người dân thiếu đất sản xuất, khó khăn về nhà ở; cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống còn thiếu thốn. Tôi đã rất sốt ruột, rất trăn trở khi khảo sát tại Trường PT DTBT TH&THCS Đồng Nghê cho thấy trường có 210 học sinh, 150 cháu ở bán trú nhưng lại chỉ có 1 nhà vệ sinh. Có lẽ, phải bắt đầu quan tâm từ những việc nhỏ như thế để từng bước cải thiện cuộc sống người dân Nánh Nghê. Tôi cũng rất quan tâm và dành nhiều thời gian làm rõ một vấn đề đó là Nánh Nghê cũng đã từng được quan tâm, hỗ trợ khá nhiều thì kết quả của những chương trình, nguồn vốn hỗ trợ đó như thế nào? Đã đúng, trúng, hợp lý chưa; vì sao bao năm nay Nánh Nghê vẫn loay hoay với tỷ lệ hộ nghèo cao đến vậy? Phải chăng ngay từ khâu rà soát thực trạng, đề nghị hỗ trợ chưa chính xác nên sự hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả?
Xã Nánh Nghê hiện có 20 CB, công chức, trong đó chỉ 20% có bằng đại học chính quy, số còn lại là học liên thông lên đại học hoặc học đại học hệ vừa học vừa làm. Chất lượng đội ngũ CB đã ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chỉ đạo, điều hành của xã.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Đinh Thị Thảo chia sẻ: Trước tiên, tôi nhận thấy ngay từ trong các văn bản chỉ đạo, nghị quyết của xã nội dung đều khá chung chung; chưa rõ người, rõ việc. Do đó, tôi đề nghị xã khi triển khai công việc cần phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí Đảng ủy viên, Ủy viên Ủy ban phụ trách các phần việc cụ thể; mỗi nội dung công việc đề ra, nhất là lĩnh vực KT - XH đều phải đánh giá được hiện trạng, mục tiêu phải được lượng hóa rõ ràng. Tiếp đến, tôi phối hợp cùng xã rà soát, đề xuất, huy động các nguồn lực, trước tiên là đầu tư hạ tầng dân sinh. Quan điểm là việc đầu tư phải đồng bộ, hiệu quả, tuyệt đối không dàn trải, lãng phí. Đồng thời, tôi phối hợp cùng với xã nghiên cứu, có phương án giúp đỡ các nhóm hộ gia đình, các hộ nghèo và cận nghèo có hướng phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả để thoát nghèo. Ví dụ như do diện tích canh tác ít nên Nánh Nghê khó phát triển trồng trọt. Thế mạnh của địa phương là chăn nuôi, hiện nay, xã có tổng đàn dê trên 600 con, đầu ra ổn định, mang lại thu nhập cho người dân. Xã cũng có thế mạnh phù hợp để phát triển chăn nuôi lợn và trâu bò. Tôi cùng với xã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu năm 2023, hoàn thành mục tiêu giảm 11% tỷ lệ hộ nghèo, đời sống người dân dần được nâng lên.
Để cán bộ thực sự "vì dân”
Với quyết tâm giải quyết vấn đề CB quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, ngày 14/12/2022, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 26-QĐ/TU quy định "CB lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo dõi các xã, phường, thị trấn”, Quyết định số 718-QĐ/TU về "phân công CB lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo dõi các xã, phường, thị trấn”. Quy định số 26-QĐ/TU ra đời đã được CB và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đón nhận rất tích cực. Nhân dân hy vọng bước đi này sẽ đưa CB tỉnh về với dân, tháo gỡ khó khăn ngay cho Nhân dân ngay tại cơ sở. Theo Quyết định số 718-QĐ/TU, BTV Tỉnh ủy phân công 134 đồng chí phụ trách 151 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Việc phân công lãnh đạo sở, ngành phụ trách các xã cũng được căn cứ trên tình hình thực tế của xã để phân công CB sở, ngành phù hợp. Ví dụ như các xã phức tạp về ANTT Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) là do các đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh theo dõi; các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn do lãnh đạo các sở, ngành khối kinh tế theo dõi…
Sau hơn 9 tháng triển khai, lãnh đạo các sở, ngành đã tích cực đi cơ sở, ít nhất là 3 tháng/lần; thường xuyên giữ mối liên hệ với xã; theo dõi, hướng dẫn, nắm bắt tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH của các địa phương; tư vấn, hỗ trợ địa phương tháo gỡ các vấn đề phát sinh…Các đồng chí lãnh đạo sở, ngành đã huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ hộ nghèo, học sinh nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn xã theo dõi nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6, kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 và gần đây nhất là nhân dịp khai giảng năm học mới. Thông qua việc lãnh đạo các sở, ngành theo dõi xã đã giúp BTV Tỉnh ủy thường xuyên, kịp thời nắm bắt tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sâu sát nhiệm vụ phát triển KT – XH, QP - AN. CB được giao phụ trách, theo dõi địa bàn ngoài nắm chắc chuyên môn, kiến thức lĩnh vực chuyên ngành mình cần phải tìm tòi, học hỏi để có thể am hiểu nhiều lĩnh vực KT - XH khác mới có thể hướng dẫn, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền ở địa bàn được phân công phụ trách, theo dõi.
Nhấn mạnh vấn đề phân công CB lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo dõi các xã, phường, thị trấn, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Đây là nội dung quan trọng, mang tính đột phá trong công tác CB, góp phần quan trọng đưa nghị quyết của Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống. Các đồng chí được phân công theo dõi các xã, phường, thị trấn phải thường xuyên bám sát địa bàn được phân công theo dõi. Kịp thời báo cáo, kiến nghị, đề xuất với BTV Tỉnh ủy, với đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy phụ trách đảng bộ các vấn đề về KT - XH, AN - QP. Đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp khắc phục; những mô hình mới, cách làm sáng tạo để nhân rộng, đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Các đồng chí được phân công phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được phân công. Đây là cơ sở để đánh giá hiệu quả, năng lực đội ngũ CB cấp sở, ngành, làm cơ sở để bố trí, sử dụng CB.
(Còn nữa)
Dương Liễu