Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long, Trưởng Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh giao nhiệm vụ cho Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng (GPMB). Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi tăng cường chỉ đạo hoàn thành GPMB 2 dự án trọng điểm là đường liên kết vùng và dự án đô thị sinh thái, cáp treo xã Kim Bôi - Cuối Hạ. Tinh thần quyết liệt đạo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các dự án trọng điểm đã tạo ra sự chuyển động tích cực tại các cấp, ngành và địa phương, đặt biệt trên địa bàn huyện Kim Bôi.
Cán bộ huyện Kim Bôi kiểm kê đất, tài sản tại xóm Cóc Lẫm, xã Cuối Hạ.
Cán bộ phải nắm chắc từng ngôi mộ, mảnh đất
Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội đi qua xã Vĩnh Đồng 3,37km, có 5 xóm bị ảnh hưởng với tổng diện tích đất phải thu hồi 5,4 ha, gồm các loại đất ở, đất nông nghiệp, đất rừng, đất trồng lúa với 214 hộ bị ảnh hưởng; 45 hộ phải di dời đến khu tái định cư mới; 88 mộ của 48 gia đình phải di dời. Xác định việc tuyên truyền, vận động là giải pháp quan trọng để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là đồng thuận với việc di chuyển mồ mả và tái định cư.
Để thực hiện tốt dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội, xã Vĩnh Đồng đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về vận động GPMB hỗ trợ dự án triển khai đảm bảo kế hoạch. Cấp ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác đền bù GPMB, tổ dân vận truyên truyền, vận động; các xóm cũng vậy trong thành phần là Bí thư chi bộ, trưởng xóm, các ngành, đoàn thể. Xã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức họp thường xuyên để phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, đặc biệt là gắn với nhiệm vụ của đồng chí đảng ủy viên phụ trách và sinh hoạt ở các chi bộ nhằm bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ từng giai đoạn GPMB. Thông qua các cuộc họp xóm, kết hợp với các kỳ sinh hoạt chi bộ đã tập trung tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; lắng nghe ý nghiến của người dân để tuyên truyền, giải thích, mâu mắc và vướng chỗ nào xây dựng phương án giải quyết chỗ đó.
Ông Bùi Văn Ứng, người có uy tín xóm Rảnh, xã Vĩnh Đồng cho biết: Hiểu từng hoàn cảnh của người dân là rất quan trọng để đến tuyên truyền, vận động; đất đai trên địa bàn phức tạp, chưa được được cấp giấy chững nhận, thực tế đã phát sinh những tranh chấp, ý kiến trong thực hiện kiểm kê, xây dựng phương án đền bù. Mặt khác, người dân có phong tục tập quán là đào sâu chôn chặt, không muốn di dời mồ mả cũng phải có phương án tuyên truyền phù hợp; đến từng nhà, nắm rõ từng hoàn cảnh để có hình thức tuyên truyền hợp lý. Mưa dầm thấm lâu, một số hộ từ chỗ không muốn gặp nay đã hợp tác để thống nhất phương án, nhận tiền đền bù, di dời mồ mả. Có những hộ gây khó khăn, chưa đồng thuận về giá đền bù; đất dồn điền đồi thửa chưa được cấp giấy chứng nhận nên khó khăn trong xác định vị trí đất; mồ mả cũng phải nắm rõ hoàn cảnh, tâm lý của từng hộ dân xem cái nào mới chôn cất, cái nào chôn cất đã lâu để gặp gỡ truyên truyền, lắng nghe tâm tư của bà con. Đối với hộ phải di chuyển mồ mả, lãnh đạo xã và các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên, người có uy tín về động viên, chia sẻ.
Theo đồng chí Bùi Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Đồng: Để làm tốt công tác GPMB, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, không thể nói 2 lời, người dân mới tin. Phải hiểu tính cách, hoàn cảnh của từng hộ dân để có cách tiếp cận người dân. Đến nay, đa số người dân xã Vĩnh Đồng đã đồng thuận thực hiện công tác GPMB những diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án đường liên kết vùng. Các hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp cũng đã nhận tiền đền bù; các hộ tái định cư đều đồng thuận và nhất trí, hiện nay đang trong thời gian thẩm định phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án. Hiện còn khoảng 500 - 600 m chưa GPMB ở khu cư xóm Sống, vì khu tái định cư chưa xong nên người dân chưa di chuyển. Xã đã bàn giao đất ruộng 1, 2 vụ để nhà thầu thi công. Về đất rừng, người dân đã nhất trí với phương án đề bù, chỉ chờ chuyển đổi đất là nhà thầu có thể thi công; đã di chuyển 3/88 mộ, 3 hộ còn băn khoăn vì số tiền không đủ di chuyển. Đến nay, huyện Kim Bôi đã ban hành 52 quyết định bồi thường giải phóng mặt bằng với giá trị 123,98 tỷ đồng (năm 2024 là 70 tỷ đồng) và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công 10,52/16,3 km, đạt 64,5%. Dự kiến sẽ tiếp tục bàn giao khoảng 1,19 km trước ngày 30/9/2024 và 4,6km trước ngày 30/10/2024; triển khai chuyển mục đích sử dụng đất và các khu tái định cư các xã Đú Sáng, Vĩnh Tiến, Vĩnh Đồng để hoàn thành trong quý IV/2024.
Huy động cán bộ xóm, người có uy tín
Dự án Quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ tại xã Kim Bôi và xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi của Công ty TNHH Mặt trời Hòa Bình có tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6.656 tỷ đồng. Quy mô dân số 10.900 người, tổng diện tích đất đăng ký sử dụng khoảng 189,01 ha (xã Kim Bôi diện tích khoảng 109,52ha, xã Cuối Hạ diện tích khoảng 79,51ha). Chính quyền huyện đang phối hợp triển khai các bước bồi thường GPMB, xây dựng tái định cư, hiện đang triển khai công tác kiểm kê đất đai tại xóm Cóc Lẫm và xóm Má Mư, xã Cuối Hạ.
Tại nhà văn hóa khu 2, xóm Cóc Lẫm rất đông người dân đến làm thủ tục kiểm đất đai, tài sản. Ông Quách Văn Mậu, trưởng khu 2 cho biết: Xóm Cóc Lẫm nằm trọn trong khu vực quy hoạch xây dựng nhà ga hệ thống cáp treo dự án. Xóm có 3 khu dân cư với 17 cụm dân cư, khoảng 449 hộ dân và hầu hết bị ảnh hưởng, phải thu hồi đất với diện tích đất nông nghiệp khoảng 51,25 ha (90% diện tích đất bị thu hồi), khoảng 40 hộ bị ảnh hưởng. Việc triển khai GPMB khó khăn vì ở đây nguồn sống chính của người dân là nông nghiệp, ruộng manh mún, nhiều hộ có hàng chục thửa đất cách xa nhau; đặc biệt là có khoảng 300 ngôi mộ cần phải di dời liên quan đến phong tục, tập quán.
Ông Bùi Văn Nhặt, người có uy tín xóm Cóc Lẫm, thành viên Ban dân vận xã tâm sự: Làm công tác tuyên truyền GPMB phải hiểu hoàn cảnh từng gia đình, nhà nào cấy bao nhiêu "mạ” (diện tích cấy), từng ao cá, ngọn cây, hoàn cảnh để tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân… Ban đầu, người dân rất lo lắng sau này bị thu hồi đất thì cái ăn, cuộc sống thế nào, khu tái định cư có đảm bảo cuộc sống, di chuyển mồ mả ra sao?. Cho đến thời điểm này, người dân tích cực tham gia thực hiện kiểm kê tài sản, đất đai. Người dân mong muốn sau khi thu hồi đất, nhà đầu tư thực hiện đúng quy hoạch quy xây dựng khu nghĩa địa, trường học, khu tái định cư đảm bảo cuộc cho người dân tốt hơn.
Đồng chí Bùi Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kim Bôi cho biết: Việc kiểm xác định nguồn gốc đất tại khu 2, xóm Cóc Lẫm là một bước trong quy trình GPMB. Sau kiểm kê trên sổ sách, trung tâm phối hợp tiếp tục xác định trên thực địa để triển khai các bước tiếp theo. Đến nay đã kiểm đếm được 60,92ha với 368 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó, tại xã Cuối Hạ 15,23ha với 150 hộ; xã Kim Bôi 45,69ha với 218 hộ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách bồi thường khó khăn do xác định đối tượng được hưởng chính sách bồi thường gặp nhiều vướng mắc. Giá đất ở theo giá thực tế tăng so với Bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành từ 1,5 đến 4 lần… Hiện nay, nhà đầu tư đang phối hợp với UBND huyện Kim Bôi thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi đất, triển khai các hạng mục như: xây dựng khu tái định cư, bồi thường GPMB, xây dựng trường mầm non, khu dân cư nông thôn. Theo chủ đầu tư, về cơ bản dự án trên địa bàn huyện đã đủ các thủ tục pháp lý, cần quyết liệt GPMB để có thể khởi công trong năm nay.
Theo Bí thư Huyện ủy Kim Bôi Nguyễn Hoàng Thư, huyện có 2 dự án trọng điểm. Bên cạnh việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương thì sự vào cuộc của cán bộ cơ sở, người có uy tín là rất quan trọng đã góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án.
(Còn nữa)
Lê Chung