Bài 1 - "Sông mẹ” mênh mông là rác 

Sông Đà là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) với tổng chiều dài 910km. Đoạn thượng nguồn ở Trung Quốc có tên gọi Lý Tiên Giang; sông Đà chảy vào Việt Nam dài 543 km. Sông Đà không chỉ được biết đến như một dòng sông năng lượng lớn nhất cả nước với hệ thống thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... mà còn là "sông mẹ” của hàng chục dân tộc anh em sống dọc theo dòng sông. Tuy nhiên, những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), lòng hồ Nhà máy thủy điện Hòa Bình (sau đây gọi là lòng hồ Hòa Bình - PV) đang phải đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức, nhất là vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, rác thải nguy hại...


Lòng hồ Hòa Bình khu vực tiếp giáp giữa huyện Mai Châu, Đà Bắc (Hòa Bình) và Vân Hồ (Sơn La) có những điểm mênh mông là... rác.

Trên dòng Đà Giang, 30 năm qua kể từ khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình khánh thành, một vùng lòng hồ rộng trên 7.900ha được hình thành với tổng dung tích 9,45 tỷ m3 nước. Hồ Hòa Bình trải dài trên địa bàn 36 xã thuộc 8 huyện, thành phố của 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Tính từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình lên đến cảng Tạ Bú (Sơn La), lòng hồ Hòa Bình có tổng chiều dài khoảng 203 km. Dọc hai bên lòng hồ là nơi quần tụ của hàng trăm nghìn người dân thuộc 20 dân tộc anh em sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp (SXNN); điều kiện KT-XH, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí, nhận thức còn có mặt hạn chế... Chính những điều này đã ảnh hưởng, tác động đến sinh thái lòng hồ Hòa Bình, nhất là vấn đề về rác thải nhựa phát sinh trong SXNN và đời sống người dân. 

Rác ngập lòng hồ

Trong nhiều chuyến theo thuyền trên dòng Đà Giang từ cảng Bích Hạ (Hòa Bình) đến cảng Tạ Bú (Sơn La). Bên cạnh vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của vùng nước được ví như "Hạ Long trên núi”, chúng tôi còn được tận mắt thấy và ghi lại hình ảnh về một lòng hồ Hòa Bình khác, một lòng hồ với mênh mông là... rác. 

Rác ở vùng lòng hồ thì có đủ loại. Rác đóng thành bè, thành mảng. Có nơi, có thời điểm rác đóng thành mảng trải dài cả km trên mặt hồ. Ngoài các loại rác là cành cây, gỗ củi mục, cỏ rác trôi từ thượng nguồn, từ các cánh rừng hai bên bờ sau những trận mưa bị nước cuốn về thì có rất nhiều rác thải nhựa, rác thải nguy hại trôi nổi trên mặt hồ. Trong đó phần nhiều là các loại vỏ bao chứa, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng người dân vứt bỏ ra môi trường. Sau những trận mưa, nước cuốn trôi về lòng hồ không được thu gom, xử lý gây nên tình trạng tích tụ dập dềnh trôi nổi theo con nước trong nhiều tháng, nhiều năm. Điều này đã và đang đưa lòng hồ Hòa Bình đứng trước nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa ở mức báo động. 

Trong khi đó, lòng hồ Hòa Bình là hồ chứa có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh nguồn nước cũng như góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững của khu vực và đất nước; trở thành nguồn sống quan trọng cho hàng trăm nghìn người dân ở các khu vực xung quanh.

Không ai dám thu gom

Đó là thực tế đang diễn ra ở các địa phương nằm dọc lòng hồ Hòa Bình ở cả 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Theo những người dân sinh sống bên lòng hồ, do rác thải nhựa trên lòng hồ Hòa Bình chủ yếu là các loại vỏ bao gói, chai lọ đựng thuốc BVTV vứt bỏ sau quá trình sản xuất đều là rác thải nguy hại. Việc thu gom, xử lý chưa được cấp ủy, chính quyền và người dân các địa phương quan tâm đúng mức, thậm chí nhiều nơi vấn đề này hoàn toàn bỏ ngỏ.

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Đối với rác thải nhựa bình thường thu gom về còn có người mua để tái chế, còn các loại rác thải nhựa là vỏ chai lọ, bao gói thuốc BVTV dù thu gom về chất đống "đồng nát” cũng không mua, đốt không được mà chôn lấp cũng chẳng xong. Theo đồng chí Bùi Văn Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng (Đà Bắc) - địa phương tiếp giáp với lòng hồ Hòa Bình chia sẻ: Xã đã thường xuyên, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thu gom rác, nhất là thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV, chất thải nhựa tại khu vực sản xuất, khu vực lòng hồ thuộc địa bàn xã. Tuy nhiên, sau một vài lần người dân thu gom về nhưng không có phương án xử lý, cũng không bán được cho "đồng nát” nên người dân không thu gom nữa.

Đây cũng là vấn đề nhiều địa phương của Hòa Bình và Sơn La chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết. Như ở huyện Phù Yên (Sơn La), đồng chí Nguyễn Thị Huyền Trang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Huyện Phù Yên có 7 xã thuộc vùng lòng hồ Hòa Bình. Đây đều là các địa phương có điều kiện KT-XH khó khăn, đa phần đời sống người dân phụ thuộc vào SXNN. Xa nhất là xã Đá Đỏ cách trung tâm huyện khoảng 80km, xã gần nhất cũng cách trung tâm huyện khoảng 40km. Đường giao thông đến các xã còn rất khó khăn. Trong điều kiện đó, hàng năm huyện đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong SXNN nói riêng đến người dân. Bên cạnh những kết quả tích cực khi nhận thức của một bộ phận người dân có sự thay đổi, thì vẫn còn một bộ phận lớn người dân quen với nếp nghĩ, cách làm cũ, nhất là trong việc sử dụng thuốc BVTV và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Nhiều nơi, nhiều người dân chưa có ý thức thu gom, vứt bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng ra môi trường. Sau mỗi trận mưa không tránh khỏi việc vỏ bao gói thuốc BVTV vứt bừa bãi bị cuốn trôi về khu vực lòng hồ Hòa Bình. Điều này cũng là thực trạng chung ở các địa phương như: Bắc Yên, Vân Hồ (Sơn La), Đà Bắc, Mai Châu, Cao Phong (Hòa Bình). 

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh: Bao gói thuốc BVTV đa phần là hợp chất nhựa. Việc xử lý chất thải nhựa nói chung, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng nói riêng bằng cách đốt thủ công hay chôn lấp là hình thức tiêu hủy không phù hợp với loại chất thải nguy hại này. Với một số loại thuốc BVTV, chúng sẽ bị phân hủy, biến tính, có tính độc hơn nhiều lần khi phân hủy thành các chất trung gian dưới tác động của nhiệt độ cao. Trong thực tế còn một lượng nhất định thuốc BVTV tồn sót lại trong bao bì sau sử dụng, lượng thuốc tồn dư này rất dễ khuếch tán vào môi trường. Việc tiêu hủy không đúng cách là nguy cơ gây ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước. Do vậy, bao bì, chai lọ thuốc BVTV đã qua sử dụng thuộc chất thải nguy hại cần phải được xử lý theo một quy trình nghiêm ngặt, do các cơ sở có chức năng, được cấp phép xử lý.
(Còn nữa)


Mạnh Hùng

Các tin khác


Chỉ đạo các dự án trọng điểm - hiện thực hóa mục tiêu bứt phá: Bài 2: Dự án trọng điểm - cơ hội và thách thức

Tỉnh Hoà Bình có 14 dự án trọng điểm trong và ngoài ngân sách, khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội rất lớn để khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ trong những năm tới. Tuy nhiên, để đưa các dự án sớm vào khai thác đòi hỏi sự quyết tâm và công tác chỉ đạo triển khai rất lớn.

Chỉ đạo các dự án trọng điểm - hiện thực hóa mục tiêu bứt phá: Bài 1: Giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm nhìn từ huyện Kim Bôi

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long, Trưởng Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh giao nhiệm vụ cho Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng (GPMB). Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi tăng cường chỉ đạo hoàn thành GPMB 2 dự án trọng điểm là đường liên kết vùng và dự án đô thị sinh thái, cáp treo xã Kim Bôi - Cuối Hạ. Tinh thần quyết liệt đạo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các dự án trọng điểm đã tạo ra sự chuyển động tích cực tại các cấp, ngành và địa phương, đặt biệt trên địa bàn huyện Kim Bôi.

Động lực cho người khuyết tật, trẻ mồ côi vượt lên nghịch cảnh: Bài 2 - Điểm tựa của người khuyết tật, trẻ mồ côi

Những năm qua, cùng với hoạt động của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi (NTT&TMC) tỉnh đã khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, chung tay bảo trợ, giúp đỡ người khuyết tật (NKT), trẻ mồ côi (TMC) trong các tổ chức, cá nhân. Đó là nguồn động viên thiết thực để những người yếu thế vượt khó, thi đua lao động, sản xuất, học tập và công tác xã hội, tích cực tham gia phong trào thể thao, văn hoá văn nghệ.

Động lực cho người khuyết tật, trẻ mồ côi vượt lên nghịch cảnh

Trải qua khó khăn, trở ngại, bỏ lại đằng sau sự mặc cảm, tự ti, nhiều người khuyết tật (NKT) mạnh mẽ vươn lên, nhiều trẻ mồ côi (TMC) nỗ lực học tập để có một tương lai tốt đẹp. Bên cạnh ý chí của bản thân NTK, TMC, tinh thần trợ giúp và vòng tay yêu thương của cộng đồng chính là động lực cho NKT, TMC phát huy hết khả năng và sống hòa nhập. 

 Bài 1 - Lan tỏa nghị lực sống

Định vị giá trị văn hóa, con người Hòa Bình: Bài 5 - Tháo gỡ rào cản, tạo động lực để văn hoá Hoà Bình “cất cánh”

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời đại công nghệ 4.0, quá trình phát triển, đô thị hóa đã tác động mạnh mẽ đến đời sống của đồng bào các dân tộc cả mặt tích cực, tiêu cực; nhiều giá trị văn hoá truyền thống có nguy cơ bị mai một trở thành thách thức đối với quá trình xây dựng văn hóa, con người Hòa Bình trong giai đoạn mới.

Định vị giá trị văn hóa, con người Hòa Bình: Bài 4 - Tôn vinh giá trị văn hóa Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình"

Chiếm hơn 64% dân số toàn tỉnh, trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất, người Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo ra những giá trị văn hoá độc đáo, thể hiện trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, truyện cổ tích, tục ngữ, lễ hội, tri thức dân gian…, đặc biệt là mo Mường. Di sản văn hoá của người Mường Hòa Bình là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hoá mới. Cùng với đó, nền "Văn hoá Hoà Bình” cũng là một di sản quý giá không chỉ đối với tỉnh mà của đất nước và nhân loại, cần được tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị mang tầm thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục