Trẻ em cần được lớn lên trong vòng tay của cha mẹ, nơi mà tình yêu thương và sự chăm sóc là hành trang không thể thiếu trên con đường trưởng thành. Tuy nhiên, có những đứa trẻ lớn lên thiếu vắng tình cha, tình mẹ. Chương trình "Mẹ đỡ đầu" ra đời đã mang lại vòng tay yêu thương, giúp những em nhỏ mồ côi cảm nhận được sự quan tâm, che chở từ cộng đồng. Đây là một chương trình nhân văn sâu sắc, gieo mầm hy vọng cho tương lai của các em.
Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Lập (Lạc Sơn) thường xuyên thăm, tặng quà, động viên các em nhỏ mồ côi.
Lòng nhân ái từ tư tưởng của Bác Hồ
Trong chuyên đề sinh hoạt chi hội "Thực hiện hiệu quả chương trình Mẹ đỡ đầu” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường Thống Nhất (TP Hòa Bình), câu chuyện "Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở trại Kim Đồng” (Theo sách Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (tập I), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2015) được đồng chí Phạm Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN TP Hòa Bình kể lại trong dịp dự buổi sinh hoạt xúc động bởi những chi tiết từ câu chuyện: "Bác kể về thời niên thiếu của Bác, Bác đã từng thèm một cái đồ chơi, ước ao một bộ quần mới để mặc Tết. Bác cũng mồ côi từ năm lên chín, lên mười. Bác đã phải bế em trèo trẹo bên hông đi xin sữa cho em sau ngày mẹ qua đời.” Trong câu chuyện, Bác dặn các cô chú tại trại Kim Đồng: "Đối với các cháu mồ côi, điều lớn nhất là phải bù đắp tình thương. Các cháu đã không còn bố, mẹ thì các cô, các chú ở đây là bố, là mẹ của các cháu. Các cô chú nuôi dạy các cháu phải đem cả tấm lòng làm mẹ, làm cha mà cư xử, mà chăm sóc, mà dạy bảo”.
Bác Hồ không chỉ quan tâm đến việc đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc, mà còn đặc biệt chú trọng đến xây dựng một xã hội công bằng, nơi mà mọi người, đặc biệt là trẻ em đều được bảo vệ và chăm sóc. Câu chuyện "Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở trại Kim Đồng” là một trong rất nhiều câu chuyện ý nghĩa về tình yêu thương, sự quan tâm sâu sắc đối với thiếu nhi, đặc biệt là những em nhỏ thiệt thòi, khó khăn. Từ những câu chuyện, bài viết, bức thư, tư tưởng và hành động của Bác đã trở thành những bài học quý giá, kim chỉ nam cho nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo…
Tiếp nối tư tưởng của Bác
Học tập và làm theo tư tưởng nhân văn của Bác, nhiều chính sách, chương trình đã được triển khai nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo. Trong đó, chương trình "Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động từ cuối năm 2021 đã trở thành một điểm sáng nhân đạo. Chương trình nhằm giúp đỡ trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những trẻ em mất đi cha mẹ vì đại dịch Covid-19 hay thiên tai.
Không chỉ trong thời kỳ đại dịch, mới đây, cơn bão số 3 (Yagi) đã để lại những mất mát to lớn, khiến nhiều trẻ nhỏ mồ côi cha, mẹ. Trong hoàn cảnh đó, chương trình "Mẹ đỡ đầu” đã trở thành điểm tựa để các em có được niềm an ủi và tiếp tục phát triển toàn diện. Bằng tình yêu thương và trách nhiệm, các "Mẹ đỡ đầu" không chỉ mang đến sự chăm sóc vật chất, mà còn đóng vai trò như người mẹ thực sự, dìu dắt các em trên con đường phía trước.
Với phương châm "Không để trẻ mồ côi nào bị bỏ lại phía sau", chương trình đã kết nối hàng nghìn tấm lòng nhân ái, lan tỏa tình yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Hành trình yêu thương của các mẹ đỡ đầu - nhân lên hạt giống từ lòng nhân ái
Chúng tôi có dịp cùng các "Mẹ đỡ đầu" của Hội LHPN phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình đến thăm em Lừ Thị Hồng Lợi. Em Lợi mồ côi cả bố lẫn mẹ khi còn rất nhỏ. Được Hội LHPN phường quan tâm, chăm sóc từ khi chương trình "Mẹ đỡ đầu” ra đời, Lợi đã nhận được tình yêu thương và sự chăm sóc từ các mẹ. Ánh mắt trong trẻo và nụ cười tươi của em đã nói lên tất cả. Những tình cảm và sự quan tâm của các mẹ không chỉ giúp em vượt qua nỗi đau mà còn tạo cho em niềm vui và niềm tin vào cuộc sống.
Tương tự, em Nguyễn Trần Anh Quân ở xóm Tân Lập, xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình cũng là trường hợp đặc biệt. Mất bố khi mới 3 tuổi, gia đình Quân rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Hội LHPN xã đã đứng ra nhận đỡ đầu đối với Quân. Mỗi khi các mẹ đến thăm, em đều háo hức với những món quà nhỏ, từ đôi dép, quyển vở đến tấm áo. Những điều này đã mang đến cho em sự ấm áp và niềm an ủi trong cuộc sống.
Gần đây nhất, sau bão Yagi, 3 em nhỏ tại xã Quang Tiến, TP Hòa Bình đã chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Trong lúc tưởng chừng mất hết, sự xuất hiện kịp thời của các mẹ đỡ đầu từ Hội LHPN đã mang lại hy vọng mới. Những "Mẹ đỡ đầu" không chỉ đến thăm hỏi, động viên mà còn kết nối với các doanh nghiệp nhận đỡ đầu cho cả 3 em nhỏ, giúp các em có thêm điểm tựa vững chắc tương lai.
Trong hành trình triển khai chương trình đã xuất hiện nhiều tấm gương "Mẹ đỡ đầu" tiêu biểu, thể hiện sự quan tâm, yêu thương chân thành đối với các trẻ mồ côi. Một trong số đó là bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh ở tiểu khu 6, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn), bà đã nhận đỡ đầu 5 trẻ mồ côi. Từ những câu chuyện, việc làm yêu thương, tận tâm, trách nhiệm của bà đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng trong việc đồng hành cùng các trẻ mồ côi. Bà Hạnh chia sẻ: "Làm mẹ đỡ đầu không chỉ đơn giản là mang tiền đến cho các con hằng tháng, mà thực sự phải trở thành người bạn đồng hành, người chia sẻ cùng các con. Điều hạnh phúc nhất đối với tôi không phải là bữa cơm các con có thêm cá thêm thịt, mà là nhìn thấy các con trưởng thành từng ngày, từ những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm trở nên tự tin hơn, thành tích học tập tốt hơn".
Đồng chí Phạm Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN TP Hòa Bình chia sẻ: "Các "Mẹ đỡ đầu" đã trở thành những người mẹ thực sự, mang trong mình trách nhiệm với các trẻ mồ côi. Mỗi khi thăm các con, thấy sự thiếu thốn của các con, các mẹ càng quyết tâm dành nhiều thời gian và tình yêu thương hơn. Chính từ những hành động nhỏ như trò chuyện, tặng quà, các mẹ đã mang lại niềm vui và hy vọng, giúp các con vững bước trên con đường phía trước".
Đồng chí Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh: Hội LHPN tỉnh đã nỗ lực triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu" rộng khắp, hỗ trợ các trẻ mồ côi cả về vật chất và tinh thần. Tính đến nay, toàn tỉnh có 378 trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu. Đây là con số thể hiện sự lan tỏa của chương trình và tinh thần nhân ái của các "Mẹ đỡ đầu" cùng toàn xã hội.
Chương trình "Mẹ đỡ đầu" không chỉ là một hành trình yêu thương mà còn là hạt giống của lòng nhân ái, mang lại niềm hy vọng và tương lai tươi sáng hơn cho các em nhỏ mồ côi. Tình yêu thương từ các mẹ đỡ đầu và cộng đồng không ngừng lan tỏa, gieo mầm cho những ước mơ mới nảy nở trong tâm hồn trẻ thơ.
(Còn nữa)
Hồng Duyên
Xác định các dự án trọng điểm có ý nghĩa rất quan trọng tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội , Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban; phân công trách nhiệm cụ thể cho thành viên, cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức họp theo chuyên đề từng dự án, nhóm dự án; rà soát giải quyết những vấn đề về giải phóng mặt bằng, tái định cư (GPMB, TĐC), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, các thủ tục liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Tỉnh Hoà Bình có 14 dự án trọng điểm trong và ngoài ngân sách, khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội rất lớn để khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ trong những năm tới. Tuy nhiên, để đưa các dự án sớm vào khai thác đòi hỏi sự quyết tâm và công tác chỉ đạo triển khai rất lớn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long, Trưởng Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh giao nhiệm vụ cho Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng (GPMB). Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi tăng cường chỉ đạo hoàn thành GPMB 2 dự án trọng điểm là đường liên kết vùng và dự án đô thị sinh thái, cáp treo xã Kim Bôi - Cuối Hạ. Tinh thần quyết liệt đạo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các dự án trọng điểm đã tạo ra sự chuyển động tích cực tại các cấp, ngành và địa phương, đặt biệt trên địa bàn huyện Kim Bôi.
Những năm qua, cùng với hoạt động của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi (NTT&TMC) tỉnh đã khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, chung tay bảo trợ, giúp đỡ người khuyết tật (NKT), trẻ mồ côi (TMC) trong các tổ chức, cá nhân. Đó là nguồn động viên thiết thực để những người yếu thế vượt khó, thi đua lao động, sản xuất, học tập và công tác xã hội, tích cực tham gia phong trào thể thao, văn hoá văn nghệ.
Trải qua khó khăn, trở ngại, bỏ lại đằng sau sự mặc cảm, tự ti, nhiều người khuyết tật (NKT) mạnh mẽ vươn lên, nhiều trẻ mồ côi (TMC) nỗ lực học tập để có một tương lai tốt đẹp. Bên cạnh ý chí của bản thân NTK, TMC, tinh thần trợ giúp và vòng tay yêu thương của cộng đồng chính là động lực cho NKT, TMC phát huy hết khả năng và sống hòa nhập.
Bài 1 - Lan tỏa nghị lực sống
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời đại công nghệ 4.0, quá trình phát triển, đô thị hóa đã tác động mạnh mẽ đến đời sống của đồng bào các dân tộc cả mặt tích cực, tiêu cực; nhiều giá trị văn hoá truyền thống có nguy cơ bị mai một trở thành thách thức đối với quá trình xây dựng văn hóa, con người Hòa Bình trong giai đoạn mới.