Chương trình "Mẹ đỡ đầu” đã để lại những dấu ấn ấm áp và sâu sắc trong tâm trí của cán bộ Hội Phụ nữ - những người mẹ đỡ đầu và đặc biệt là các em nhỏ được đỡ đầu. Một sự kiện đầy ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Tết Nguyên đán 2024, đó là Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình gặp mặt, tặng quà cho 95 trẻ mồ côi cả cha và mẹ trên địa bàn tỉnh.
Hội LHPN thành phố Hòa Bình và đại diện doanh nghiệp nhận đỡ đầu tặng quà 3 em nhỏ ở xã Quang Tiến mồ côi cả cha lẫn mẹ sau cơn bão số 3 (bão Yagi).
Lan tỏa, gieo mầm cho những ước mơ
Trước những hoàn cảnh khó khăn của các em, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng nhiều đại biểu đã không khỏi xúc động. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ: "Các cháu đã mất đi những người thân yêu nhất, nhưng hãy vững tin rằng các cháu không hề đơn độc trên hành trình phía trước. Cộng đồng và xã hội sẽ luôn đồng hành, tiếp lửa yêu thương, giúp các cháu vượt qua mọi khó khăn".
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, công tác chăm sóc trẻ mồ côi và người yếu thế là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đồng chí kêu gọi các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, bảo vệ và chăm sóc trẻ mồ côi theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Tại buổi gặp mặt, 95 suất quà, tổng trị giá 266 triệu đồng đã được trao tặng các cháu mồ côi. Hội Khuyến học tỉnh cũng trao tặng 20 triệu đồng hỗ trợ chương trình "Mẹ đỡ đầu" của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh, mang đến niềm vui và động lực lớn cho các em.
Trước đó, để tiếp tục lan tỏa yêu thương và gieo mầm cho những ước mơ của trẻ mồ côi, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức chương trình "Mẹ đỡ đầu - Lan tỏa yêu thương” trong khuôn khổ Hội nghị biểu dương cán bộ Hội cơ sở giỏi. Chương trình nhận được sự ủng hộ của các đơn vị, tổ chức và cá nhân với tổng số tiền hơn 625 triệu đồng. Đặc biệt, 34 cháu đã được nhận đỡ đầu với tổng số tiền hỗ trợ 1,145 tỷ đồng. Đây là minh chứng cho sự lan tỏa mạnh mẽ của chương trình và tinh thần trách nhiệm của cộng đồng.
Trách nhiệm và hướng đi cho tương lai
Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 3.158 trẻ mồ côi, trong đó có hàng trăm trẻ mồ côi cả bố lẫn mẹ. Những năm qua, công tác chăm sóc trẻ mồ côi luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền, tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Hội LHPN tỉnh phát động đã trở thành cầu nối yêu thương, đưa những tấm lòng nhân ái đến với trẻ mồ côi, giúp các em có thêm động lực vượt qua khó khăn.
Mặc dù chương trình đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, nhưng không thể tránh khỏi những thách thức. Theo đồng chí Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, vì là chương trình mới, các hoạt động thực hiện phải liên tục điều chỉnh để phù hợp với từng địa phương. Một trong những khó khăn lớn là thiếu phương pháp triển khai hiệu quả ở một số cơ sở Hội LHPN, nhất là trong việc kết nối với các nhà tài trợ và cá nhân có lòng hảo tâm.
Việc vận động nguồn lực tại vùng sâu, vùng xa cũng gặp không ít trở ngại do điều kiện kinh tế hạn chế. Mặc dù chương trình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhưng ở một số địa phương, các hoạt động chưa thực sự sáng tạo và chưa tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Nhu cầu hỗ trợ vẫn rất lớn khi số lượng trẻ mồ côi cần được giúp đỡ còn nhiều, đòi hỏi nguồn lực vận động lâu dài và bền vững.
Để khắc phục những hạn chế và triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu" một cách bền vững, Hội LHPN các cấp đã tập trung vào những giải pháp cụ thể như: Tăng cường rà soát và kết nối đối tượng. Theo đó, Hội đã rà soát kỹ các trường hợp trẻ mồ côi tại địa phương, đảm bảo đúng đối tượng nhận đỡ đầu để giúp đỡ kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đảm bảo việc hỗ trợ đúng pháp luật và yêu cầu của các nhà tài trợ.
Từ hoạt động thực tiễn, Hội LHPN cũng nhận thấy việc phát triển mạng lưới hỗ trợ và bồi dưỡng năng lực "Mẹ đỡ đầu" là việc làm cần thiết. Mạng lưới hỗ trợ được mở rộng, kết nối thêm các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có lòng hảo tâm, đồng thời bồi dưỡng, tập huấn cho các "Mẹ đỡ đầu" về kỹ năng chăm sóc trẻ, tạo điều kiện tốt nhất cho các em phát triển. Các mẹ được trang bị kiến thức về tâm lý, kỹ năng sống để chăm sóc, hỗ trợ các con về mọi mặt.
Đặc biệt, một trong những yếu tố quan trọng để chương trình duy trì và phát triển là huy động nguồn lực từ cộng đồng. Hội đã tăng cường truyền thông, kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội trong việc hỗ trợ trẻ mồ côi, thông qua các chương trình gây quỹ, sự kiện từ thiện và các hoạt động cộng đồng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính công bằng và minh bạch, Hội tăng cường giám sát việc thực hiện và phân bổ nguồn lực trong chương trình. Điều này giúp đảm bảo rằng mọi trẻ mồ côi đều nhận được sự quan tâm, chăm sóc một cách kịp thời và đầy đủ.
Với sự đồng lòng của toàn xã hội, chương trình "Mẹ đỡ đầu" sẽ tiếp tục lan tỏa yêu thương, mang lại cho trẻ mồ côi một tương lai tươi sáng và trọn vẹn hơn. Những nỗ lực của Hội LHPN và các "Mẹ đỡ đầu" trở thành nguồn động viên mạnh mẽ, giúp các em vượt qua mất mát, khó khăn, mở ra con đường tương lai đầy niềm tin và hy vọng.
Hồng Duyên
Hơn 20 năm làm trưởng xóm, rồi bí thư chi bộ, già làng Triệu Lục Liên được ví như "cây cao, bóng cả” trong cộng đồng người Dao bản Bà Rà, xã Hùng Sơn (Kim Bôi). Ông không chỉ là người "nói dân nghe, làm dân theo”, mà còn là cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân.
Tỉnh Hoà Bình có 7 dự án trọng điểm ngoài ngân sách nhà nước đang triển khai với tổng mức đầu xấp xỉ 5.8000 tỷ đồng. Các dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc về GPMB, thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất lúa... nên triển khai chậm hơn so với kế hoạch. Thời gian qua, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng sát cánh, đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh, cuối tháng 9 vừa qua tỉnh đã tổ chức khởi công dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ km 19+00 - km 53+ 00) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đánh dấu sự kiện quan trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh và khu vực. Theo kế hoạch, chỉ trong vài năm tới, Hòa Bình sẽ có tuyến đường cao tốc đầu tiên, thúc đẩy giao thương thuận lợi, mở ra không gian rộng lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định các dự án trọng điểm có ý nghĩa rất quan trọng tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội , Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban; phân công trách nhiệm cụ thể cho thành viên, cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức họp theo chuyên đề từng dự án, nhóm dự án; rà soát giải quyết những vấn đề về giải phóng mặt bằng, tái định cư (GPMB, TĐC), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, các thủ tục liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Tỉnh Hoà Bình có 14 dự án trọng điểm trong và ngoài ngân sách, khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội rất lớn để khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ trong những năm tới. Tuy nhiên, để đưa các dự án sớm vào khai thác đòi hỏi sự quyết tâm và công tác chỉ đạo triển khai rất lớn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long, Trưởng Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh giao nhiệm vụ cho Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng (GPMB). Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi tăng cường chỉ đạo hoàn thành GPMB 2 dự án trọng điểm là đường liên kết vùng và dự án đô thị sinh thái, cáp treo xã Kim Bôi - Cuối Hạ. Tinh thần quyết liệt đạo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các dự án trọng điểm đã tạo ra sự chuyển động tích cực tại các cấp, ngành và địa phương, đặt biệt trên địa bàn huyện Kim Bôi.