Gia đình anh Đỗ Văn Chiến (Phú Châu - Phú Minh) làm kinh tế giỏi, mỗi năm thu nhập 250 triệu đồng từ trồng sắn và dong riềng.
(HBĐT) - Thời những năm 90 của thế kỷ trước, Phú Minh như đảo nổi, các xóm tách biệt nhau mỗi khi nước xả lũ sông Đà tràn về. Ngày đó, đứng ở trên triền đê, nhìn những bông lúa cố vươn lên khỏi mặt nước đỏ lừ, còn bà con đang hối hả dầm mình trong nước để mong giành lại những hạt thóc đẫm nước, ai cũng chạnh lòng.
Phú Châu bạt ngàn sắn, dong riềng
Điều bắt gặp ở Phú Châu mùa này là màu xanh bạt ngàn của dong riềng, sắn trên những cánh đồng, nương bãi một thời canh tác lúa. Anh Hoàng Công Thực, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Có cảm giác, chẳng rẻo đất nào ở Phú Châu bị bỏ không. Đến miếng đất nhỏ ở khe suối cũng được trồng cỏ để nuôi trâu, bò... Câu chuyện của Phú Châu hôm nay được bắt đầu từ những ngày đầu lên khai hoang, lập nghiệp cuối những năm 70 của thế kỷ trước. 40 hộ lên, qua các bước thăng trầm đã có 30 hộ chuyển đi, chuyển đến và nay 33 hộ đã an cư thực sự. Anh Đỗ Văn Chiến, 38 tuổi trải nghiệm: Chúng tôi đã từng trồng lúa, sắn, khoai và có dạo còn trồng mía để lấy mật nhưng mức thu nhập không khá là bao. Điều đáng mừng là khi đang “bí” về chuyển đổi cây trồng mới thì cũng là lúc UBND xã lên tỉnh đem giống sắn mới KM94 về thâm canh. Cùng lúc đó, nhiều hộ đi tìm kiếm hướng làm ăn mới ở Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội), Hưng Yên, Bắc Ninh phát hiện được nhu cầu sử dụng tinh bột sắn, tinh bột dong riềng qua sơ chế rất lớn của khách hàng. Đầu những năm 2000, một vài hộ hăm hở chuyển diện tích lúa sang trồng dong riềng, lên đồi trồng giống mới, rồi khuân máy về sơ chế cũng khiến một vài người hoài nghi. Nhưng kết quả cuối cùng đã làm nhiều người hồ hởi. Nếu giống sắn cũ, 1ha đạt năng suất từ 14-15 tấn và sơ chế 1 tấn sắn được 4,5 tạ tinh bột thì nay giống mới, đạt năng suất đến 20 tấn/ha và sơ chế 1 tấn được 6,5 tạ tinh bột. Với dong riềng, 10 tấn củ thu được gần 2 tấn tinh bột (giá 12 triệu đồng/tấn). Thấy hiệu quả, từ năm 2004, Phú Châu đã rộ lên phong trào trồng sắn, dong riềng và sơ chế tinh bột. Hiện nay, 25 hộ đã có cụm máy sơ chế; diện tích sắn, dong riềng của xóm lên đến 100 ha. Vào vụ thu hoạch, Phú Châu tấp nập xe vào, ra chở sắn, dong riềng và người lao động tự do (khoảng 200 người từ nơi khác). Anh Chiến cho biết: Từ 5-6 năm nay, mặt hàng tinh bột qua sơ chế chưa bao giờ ế ẩm. Lúc nào được giá thì bán, không lo bị hỏng, mất giá. Hai năm gần đây, từ số tinh bột chế biến, mỗi năm, gia đình anh Chiến đã thu được 500 triệu đồng, trừ 50% số tiền đầu tư, chi phí, gia đình anh thu được 250 triệu đồng. Nhiều hộ khác ở Phú Châu cũng đạt gần với mốc thu nhập của anh Chiến như gia đình các ông: Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Văn Lân, Đỗ Văn Thọ, Nguyễn Văn Mùi... Hiện nay, 29 hộ đã có nhà xây kiên cố, xóm đã có nhà văn hóa. Xóm vùng sâu Phú Châu đã có nhiều đổi mới.
Bu Chằm, xóm Quốc.... và Phú Minh hôm nay
Thời điểm này, gia đình bác Nguyễn Thế Gửi đang hoàn thiện ngôi nhà khá to, đẹp của mình ngay trung tâm xóm Bu Chằm của đồng bào Mường. Bác không giấu niềm vui: Từ chuyển đổi, nắm bắt các cơ hội để phát triển nên gia đình cũng đang từng bước ăn nên, làm ra. Vừa qua, sau khi thanh lý 17 ha rừng với DN, gia đình đã đầu tư trồng mới 17 ha rừng. Ngoài ra, gia đình cũng học tập kinh nghiệm làm ăn của nhiều nơi để trồng sắn và sơ chế kết hợp chăn nuôi bò, gà. Năm 2010, gia đình bác đã bán ra thị trường gần 20 xe sắn (giá bán mỗi xe được 14 triệu đồng). Một năm, trừ chi phí, gia đình đã thu được trên 150 triệu đồng.
Ngôi nhà khang trang của anh Đỗ Văn Chiến, xóm Phú Châu được làm từ nguồn thu chế biến sắn, dong riềng.
Phong trào sơ chế, đưa sắn lên đồi, đưa dong riềng xuống ruộng đã lan rộng tới nhiều xóm tạo nên phong trào thi đua LĐ-SX, hướng tới làm giàu chính đáng. Hiện nay, Phú Minh có gần 300 ha sắn. Vào vụ thu hoạch sắn, dong riềng, trên 60 cụm máy sơ chế ở Phú Minh hoạt động hết công suất, sôi động từ Phú Châu, Bu Chằm đến xóm Quốc... Cả Phú Minh bận rộn hơn trong phát triển. Anh Hoàng Công Thực cho biết thêm: Cùng với hiệu quả kinh tế từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điều ghi nhận hơn chính là ý thức vươn tới cái mới và ý chí vượt khó của bà con. 100% xóm đều tạo được hướng đi trong phát triển. Xóm Mom, Quốc nỗ lực tiếp cận với các giống lúa mới, đầu tư thâm canh nên năng suất lúa đạt trên 65 tạ/ha (diện tích lúa của toàn xã 220 ha). Nhiều hộ có thu hàng chục triệu đồng từ trồng rừng (xã hiện có 600 ha rừng). Hiện nay, thu nhập bình quân của xã đã đạt gần 10 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 34% xuống còn 11,7% (năm 2010)...
Phú Minh đang hội tụ khá đầy đủ những thành quả về KT-XH mà các cấp ủy, chính quyền và toàn dân nơi đây đã phấn đấu đạt được. Trường mầm non, trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Xã có khu vui chơi dành cho trẻ em. Các tuyến đường xã, liên thôn cơ bản đã rải vật liệu cứng, có đường nhựa, đường bê tông. Là xã anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống Pháp, Phú Minh có thể tự hào và là động lực phấn đấu trở thành một điểm sáng về phát triển KT-XH nơi vùng hạ lưu sông Đà.
Văn Tưởng
(HBĐT) - Ông 72 tuổi, “Cái tuổi nó đuổi xuân đi”. Ôm trong mình nỗi đau màu da cam suốt 35 năm qua, người lính pháo binh ấy chưa bao giờ thấy mình là người bất hạnh, càng không cho rằng mình là nạn nhân khốn khổ của chiến tranh. Từ trước đến nay, ông chấp nhận mọi cái giá trong cuộc đời bởi ông luôn sống lạc quan và trái tim lúc nào cũng nghêu ngao những vẫn thơ biết hát…
(HBĐT) - Người ta gọi ông là “ông vua “giảo cổ lam, báo chí ca ngợi ông làm rạng danh xứ Mường, tò mò, tôi đã ngược dốc Tày Măng tìm đến xã Tu Lý – Đà Bắc để được gặp ông. Khác với mỹ từ "ông vua”, Bùi Đắc Quang, Giám đốc công ty TNHH Hoàng Tùng - người làm nên thương hiệu giảo cổ lam Ba Tri nổi tiếng thực tế là một CCB đã cống hiến hết những năm tháng tuổi trẻ cho chiến trường và với ông, tìm được giảo cổ lam đơn giản đó là cơ duyên trời ban và ông làm tất cả cũng chỉ muốn tri ân cuộc đời.
Bài 2: Giữ gìn di sản văn hóa cho dân tộc
(HBĐT) - Không gian văn hóa cồng chiêng Mường đã khẳng định được giá trị qua chiều dài lịch sử phát triển nhưng lại đang có nguy cơ bị mai một không chỉ ở số lượng mà cả về số bài chiêng và các nghệ nhân biết đánh chiêng giai điệu. Những giá trị văn hóa cồng chiêng quý giá đó cần được bảo tồn và phát huy bản sắc trong công cuộc đổi mới và phát triển.
Bài 1: Kiệt tác văn hóa trước cơ hội lớn
(HBĐT) - Đối với người Mường, cồng chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Không gian văn hóa cồng chiêng Mường với phương thức trình diễn độc đáo đã tồn tại và phát triển cùng lịch sử phát triển của người Mường. Kiệt tác này đang được lập hồ sơ đề cử trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
(HBĐT) - Thành phố Hoà Bình đang đổi thay từng ngày. Những quả đồi, những bờ ruộng đang dần bị thu hẹp bởi quá trình đô thị hoá. Nhưng có hai người quyết tâm trồng, bảo vệ cánh rừng lim có hàng trăm năm nay giữa lòng thành phố. Họ mong ước cánh rừng này là lá phổi xanh cho thành phố trong tương lai.
(HBĐT) - Trước kia, lên Đà Bắc vào tháng 5, khi những nương ngô xanh biếc phất cờ cũng là lúc người dân ở huyện vùng cao này bước vào mùa đói. Còn bây giờ, nhìn những nương ngô xanh bạt ngàn khiến cho đồi núi trập trùng cũng trở nên trù phú, hứa hẹn một cuộc sống ấm no. Đà Bắc đã hết rồi mùa đói.