Những “ổ voi, ổ gà” là hình ảnh dễ gặp trên QL 21A đoạn qua xã Cao Thắng.
(HBĐT) - Đã một thời QL 21A là tuyến đường huyết mạch của các xã vùng nam Lương Sơn và địa phương lân cận. Tuy nhiên, từ năm 2004 đến nay, tuyến đường đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, giao thông của người dân quanh vùng.
Quốc lộ 21A trên địa phận tỉnh ta được bắt đầu từ xã Thanh Nông, TT Thanh Hà (Lạc Thủy) qua xã Hợp Thanh, Thanh Lương, Cao Thắng dài hơn 12 km. Quãng đường tuy không dài nhưng cũng phải mất hàng giờ đồng hồ bởi con đường đã quá xuống cấp, xuất hiện nhiều “ổ voi, ổ gà”, có những đoạn tài xế “cứng” cũng phải dừng lại quan sát tìm hướng lưu thông.
Là lái xe được hơn 10 năm, anh Nguyễn Văn Hà (huyện Mỹ Đức - TP Hà Nội) cũng ngán ngẩm khi đi qua trục đường này. Chia sẻ nỗi khổ đó, anh cho biết: Đi thăm người thân trong xã Thanh Lương nên bắt buộc phải chạy vào con đường này. Quãng đường gần 3 km mà phải mất gần nửa tiếng đồng hồ. Có những đoạn phải lùi xe, tìm hướng di chuyển, không ít lần phải đi hẳn lên vỉa hè của nhà dân vì xe con không thể di chuyển dưới đường với những hố sâu, gồ ghề.
Đoạn đường xấu nhất phải kể đến quãng đường chạy qua xã Cao Thắng, trên 500 hộ dân của 3 xóm Chợ Bến, Trung Báo và Quyền Chương là bị ảnh hưởng trực tiếp. Nắng thì bụi, mưa thì lầy, hầu hết các hộ gia đình ở ngoài mặt đường không bao giờ mở cửa vì sợ bụi. Nhiều hộ còn gia cố thêm cửa kính để ngăn bụi bay vào nhà. Dẫu vậy, một ngày không lau chùi nhà cửa là thấy ngay một lớp bụi trắng phủ khắp, từ các đồ gia dụng, bàn ghế, tủ tường đến mọi đồ dùng trong gia đình dù có cất kỹ trong tủ vẫn bị bám bụi. Không ít người dân trong xã muốn tránh đi qua con đường đó đã phải đi vào đường làng dù xa nhưng sạch sẽ, bằng phẳng. Đối với học sinh của trường THPT Cù Chính Lan, hầu hết các em đều đi từ thôn Lai Trì đến Trung Báo, chợ Đồi Sim đến trường để tránh đoạn đi qua UBND xã Cao Thắng, nhưng với học sinh tiểu học, THCS thì bắt buộc phải đi qua vì không biết tránh vào đâu.
Trong hơn 10 năm qua, phải sống trong bụi bẩn, lầy lội làm không ít gia đình bức xúc, khổ sở. Gia đình chị Bùi Thị Mai (xã Thanh Lương) là một điển hình: Nhớ lại cách đây hơn 10 năm, khi QL21 A giao thông đi lại dễ dàng, các buổi chiều người dân trong xóm còn tụ họp nói chuyện rôm rả. Nay con đường xuống cấp, về đến nhà là đóng cửa để tránh bụi, không còn cảnh mọi người thong dong chuyện trò, tản bộ. Khổ nhất là những hôm đưa đón con đi học, đường xấu không yên tâm để các con tự đi. Ngày nắng thì đỡ, ngày mưa thì vất vả gấp nhiều lần!
Điều đáng nói, con đường đó vẫn tiếp tục bị tàn phá bởi những chuyến xe trọng tải lớn hàng ngày ùn ùn chạy qua. Ngồi tại trụ sở UBND xã Cao Thắng quan sát, cứ 15 - 20 phút lại có 2 - 3 chiếc xe ô tô vượt tải trọng chở đất, đá chạy qua. Được biết, hầu hết xe tải trọng lớn đều là của các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa vào vùng Lạc Thủy, Kim Bôi mua vật liệu về sản xuất vật liệu xây dựng.
Đồng chí Cao Xuân Ái, Chủ tịch UBND xã Cao Thắng cho biết: QL 21 A hiện đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân. Năm 2011, 2012, xã đã vận động được các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ mua đá xô bồ về rải cải thiện đoạn đường qua xã. Năm 2013, tỉnh có đầu tư sửa chữa vá những đoạn đường hỏng. Tuy nhiên, con đường cũng không “trụ” được lâu bởi sức tàn phá của các “hung thần”. Mong muốn lớn nhất đối với bà con, chính quyền xã là các cấp, ngành quan tâm đầu tư, nâng cấp con đường, giảm bớt khó khăn cho người dân khi lưu thông cũng như sống trên đoạn đường này.
Hồng Nhung
(HBĐT) - Với phương châm “Nhanh nhất, mạnh nhất, hiệu quả nhất”, những năm qua, Đội Cảnh sát 113 (Công an tỉnh) đã trở thành điểm tựa của lòng dân trong đảm bảo sự bình yên của cuộc sống.
(HBĐT) - Họ là những người nông dân sống ở chốn thành thị nên không thể bám mãi lấy cái cày, con trâu bên những thửa bờ xôi, ruộng mật mà phải tích cực cày đường nhựa để sinh nhai. Theo khả năng, họ chọn cho mình một hay vài nghề phù hợp vừa kết hợp SX -KD dịch vụ và họ đã thành công. Năm 2014, TPHB có 3.285 hộ nông dân đăng ký SX -KD giỏi, tăng 875 hộ so với năm 2013, đó thực sự là điều đáng mừng.
(HBĐT) - Từ năm 2006 đến nay, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) đã tiếp nhận gần 20 dự án đầu tư tại xã, trong đó, 16 dự án chính thức đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Thực hiện các dự án này, nhân dân trong xã đã nhường 196 ha đất để các DN xây dựng nhà máy, xí nghiệp. Dân Hòa cũng đã được xếp vào vùng đệm của KCN Mông Hóa. Tuy nhiên, hiện nay, Dân Hòa là xã có người đi làm ăn xa đông nhất trong huyện. Nghịch lý này đang gây nhiều tác động trái chiều, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an sinh xã hội trên địa bàn.
(HBĐT) - Đi trên con đường từ QL6 vào trung tâm xã Nam Phong (Cao Phong) ngập tràn hương hoa trái. Trường học, nhà dân, các công trình hạ tầng ẩn mình trong màu xanh cây lá. Thiên nhiên, khí hậu ưu ái cho đất và người Nam Phong. Người dân đang nắm lấy cơ hội để thoát nghèo và làm giàu.
(HBĐT) - Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, năm 1960, Đảng ta xác định, cùng một lúc, cách mạng Việt Nam phải tiến hành song song hai nhiệm vụ chiến lược: giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và xây dựng CNXH ở miền Bắc. Đối với sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, Đảng ta ý thức rõ: Muốn xây dựng CNXH thì “Điện khí hóa” phải đi trước một bước. Để tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của đất nước, kinh nghiệm KH -KT của Liên Xô thì xây dựng thủy điện là phương án kinh tế có khả thi nhất. Chính vì lẽ đó Đảng, Nhà nước đã quan tâm tiến hành điều tra, khảo sát, lập luận chứng kinh tế kỹ thuật tạo tiền để xây dựng công trình.
(HBĐT) - Thủy điện Hòa Bình vẫn ngày đêm bền bỉ, cần mẫn phát sản lượng điện cao, an toàn và thực hiện các chức năng tổng hợp khác phục vụ sự nghiệp CNH -HĐH đất nước. Công trình này đã đi vào lịch sử của đất nước, là biểu tượng cao đẹp về tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, nơi ghi dấu ấn của công trường Thanh niên Cộng sản sôi nổi, hào hùng, biểu tượng của những nỗ lực vượt khó, không quản ngày đêm của cán bộ, chiến sỹ, chuyên gia và công nhân, lao động vì dòng điện của Tổ quốc.