Những giây phút thanh bình bên cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa lớn. Ảnh: H.D
(HBĐT) - Khi xa sát vách cũng xa /Khi gần muôn dặm đường xa cũng gần. Câu ca dao mẹ ru từ thuở trong nôi đã cho nhạc sĩ Hình Phước Long cảm xúc để viết nên ca khúc để đời “Gần lắm Trường Sa”. Để rồi sau hơn 30 năm ca khúc ra đời, tôi vào Nha Trang những ngày rực rỡ nắng tháng 3 và có duyên may gặp gỡ tác giả, người nhạc sĩ được gọi với cái tên trìu mến “Nhạc sĩ của Trường Sa”.
Nha Trang đẹp. Tôi biết ngòi bút mình không miêu tả hết được. Con người Khánh Hòa hồn hậu hiếu khách. Họa sĩ Trần Hà - Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa hào hứng giới thiệu những văn nghệ sĩ mà tên tuổi được cả nước biết đến đang sống ở Nha Trang. Tôi nhắm nhạc sĩ Hình Phước Long vì tôi yêu “Gần lắm Trường Sa” của anh mà chưa từng dám nghĩ sẽ được gặp anh ngay nơi đất liền gần nhất với Trường Sa này. Cuộc điện thoại đầu tiên khiến tôi hụt hẫng. Anh nói anh đang đi công tác Quảng Ngãi nhưng tôi vẫn hy vọng. Cuộc điện thoại thứ hai anh nói có thể sẽ về sớm khiến tôi mừng rơn. Tôi nhắn tin cho anh và được anh nhận lời. Tôi quyết tâm không vào mạng, không xem bất cứ gì người ta viết trước đó về anh và về “Gần lắm Trường Sa” để có những cảm xúc thật riêng của mình trước người nhạc sĩ tận tụy với nghệ thuật, với Trường Sa. Quả thật con người anh, những chia sẻ của anh làm tôi ấn tượng mạnh.
Vẻ ngoài mộc mạc, dễ gần của anh khiến cả trại sáng tác gồm anh, chị em của 6 tỉnh Tây Bắc ngỡ ngàng. Trước đó, trong số chúng tôi chưa ai từng được gặp anh. Trò chuyện cùng anh, câu chuyện chỉ xoay quanh bài hát “Gần lắm Trường Sa” mà hơn 30 năm rồi, người nhạc sĩ ấy hình như vẫn có nhiều điều chưa thể nói hết. Anh kể anh viết “Gần lắm Trường Sa” năm 1982, khi đó, anh chưa ra Trường Sa. Mãi đến năm 1984 anh mới ra Trường Sa và đó cũng là chuyến ra đảo duy nhất của anh. Đôi mắt người nhạc sĩ chợt mênh mang khi nhắc lại chuyến đi nhiều kỷ niệm. Anh kể: Khi đến Trường Sa, tàu chưa cập bến, chiến sĩ trên đảo đã ùa ra tận mép nước hô to: Có nhạc sĩ của “Gần lắm Trường Sa” không?. Anh đáp: “Có tôi. Tàu cập bến, các chiến sĩ ùa tới, ôm chầm, kéo anh vào lán trại. Khi đó ở Trường Sa điều kiện rất khó khăn. Chiến sĩ ở trong những căn nhà lợp mái tôn nhỏ. Các chiến sĩ nói: “Chúng em mang ghi ta đến, anh hát “Gần lắm Trường Sa” cho chúng em nghe”. Nhạc sĩ hát. Các anh khóc, nhạc sĩ cũng khóc. Vừa hát, vừa khóc.
Khi được hỏi cảm xúc của anh lúc đó như thế nào?. Anh chia sẻ: Tôi viết “Gần lắm Trường Sa” bằng tình cảm hết sức chân thành. Ca khúc này đã đến với chiến sĩ Trường Sa trước tôi. Tôi chỉ đến đó để chứng minh rằng những tưởng tượng liên tưởng của mình về những người lính sống ngoài đảo xa là đúng. Khi thấy tình cảm của họ với đất liền tha thiết quá, tôi cảm thấy rất sung sướng, niềm vui vỡ òa. Tôi không thấy mình được chào đón với tư cách là tác giả của một ca khúc về người lính trên đảo Trường Sa mà chỉ thấy mình như được hòa vào cuộc sống đời thường của họ. Tình cảm với Trường Sa trở nên đặc biệt hơn và trở thành món nợ tình cảm với những người lính đảo. Món nợ tôi trả bằng chính những ca khúc viết về Trường Sa của mình”.
Được biết, nhạc sĩ Hình Phước Long có 18 ca khúc viết riêng cho Trường Sa. Tôi hỏi: “Mọi người gọi anh là nhạc sĩ của biển đảo, anh nghĩ sao?”. Anh cười thật hiền “Tôi có hàng trăm đứa con tinh thần, đứa nào tôi cũng yêu quý cả. “Gần lắm Trường Sa” và những ca khúc viết về biển đảo được công chúng yêu mến hơn cả nên công chúng nhớ đến tôi và gọi như vậy. Dù sao tôi cũng là người con của biển, Trường Sa là một huyện đảo quê hương Khánh Hòa của tôi, nói tôi yêu và ưu ái biển đảo tôi xin nhận”.
Sinh ra và lớn lên ở miền núi Tây Bắc của Tổ quốc, cách rất xa Trường Sa nhưng mỗi khi đâu đó cất lên giai điệu da diết “Không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em” là tôi lại cảm thấy nao nao khó tả. Tôi đã nói thật tâm sự của mình với nhạc sĩ Hình Phước Long để mong được anh nhận lời, rằng tôi không thể đến được Trường Sa, cơ hội đến với Khánh Hòa cũng chẳng dễ dàng gì. Đây là điểm đất liền gần với Trường Sa nhất và lại được gặp anh - nhạc sĩ của “Gần lắm Trường Sa”, cảm xúc mà tôi có nhưng chưa từng nói ra thành lời ấy được dịp bộc bạch. Hải đảo ơi! Biển xanh ơi! Núi rừng xa nhớ và dành cho biển, đảo nhiều yêu thương lắm. Cũng như nhạc sĩ Hình Phước Long nói: “Tôi yêu biển, đảo quê hương. ở những thời điểm nóng bỏng, dù được coi là nhạc sĩ của Trường Sa nhưng tôi không trình làng thêm tác phẩm nào. Vậy nhưng không một ai biết rằng tôi vẫn âm thầm viết, viết để thỏa tình cảm sâu nặng của mình với biển đảo. Bởi tôi biết không chỉ tôi mà 90 triệu đồng bào ta coi biển đảo là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc”.
Tôi viết những dòng này xuất phát từ tình cảm chân thành, niềm xúc động trước những sẻ chia của người nhạc sĩ không phải chỉ xoay quanh bài hát “Gần lắm Trường Sa” mà còn vì những điều lớn lao hơn thế. Tôi kìm lòng với khát khao được một lần đến Trường Sa khi nghe nhạc sĩ Hình Phước Long chia sẻ: “Tôi có nhiều cơ hội để đến Trường Sa nhưng tôi không đi, tôi muốn giữ lại những cảm xúc ban đầu vẹn nguyên, nó đã rất tuyệt vời trong ký ức tôi hơn 30 năm qua. Tôi muốn nó là duy nhất, bất biến trong tôi về Trường Sa tôi yêu, bây giờ vẫn yêu và mãi mãi còn yêu. Đối với tôi dù xa cách ngàn trùng, dù không đến được nhưng Trường Sa không xa, Trường Sa vẫn luôn gần bên tôi”.
Vâng, Trường Sa luôn trong tim mỗi người dân đất Việt cho nên dẫu cho muôn dặm đường xa vẫn gần.
Lê Thanh Hồng
(Trường THCS TT Kỳ Sơn - Kỳ Sơn)
(HBĐT) - Nông dân trồng mía đường (mía nguyên liệu) Đà Bắc như đang ngồi trên đống lửa. Mía đã trổ cờ, đơm lau, rỗng ruột xơ xác mà ngóng hoài chẳng thấy thu mua. Biết bao mồ hôi, công sức có thể tiêu tan. Người dân và chính quyền đang mong mỏi Công ty Mía đường khẩn trương thu mua mía và có cơ chế hỗ trợ giảm bới thiết hại cho người nông dân.
(HBĐT) - Đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, lại là cán bộ hưu trí, những tưởng cuộc sống về già sẽ an nhàn bên con cháu nhưng với 2 đứa con dị tật từ nhỏ, từ khi về hưu 2 ông bà vẫn hằng ngày tất bật công việc đồng áng để lo toan cho gia đình. Dẫu vất vả nhưng cuộc sống sẽ êm đềm trôi đi nếu tai họa không ập đến khi “bà hỏa” đã cướp đi gần hết cơ ngơi của họ sau bao nhiêu năm vun vén.
(HBĐT) - Người dân xóm Hiềng, xã Noong Luông (Mai Châu) coi đường giao thông “xiềng xích vô hình” bởi nó trói buộc cái chân, bó cái khôn của bà con trong hành trình xóa đói - giảm nghèo.
(HBĐT) - Trước khi di rời về nơi ở mới, xóm Nghịt, xã Đoàn Kết (Đà Bắc) là nơi cư trú của bà con dân tộc Tày, biệt lập giữa núi rừng hoang vu. Cách trung tâm xã 9 km, chủ yếu là đường rừng, không thể đi xe máy nên xóm Nghịt thiếu thốn nhiều thứ: từ gạo, tiền đến cái chữ, chăm sóc y tế và ánh điện. Năm 2009, người dân trong xóm hết sức phấn khởi vì được các cấp quan tâm đưa đến nơi ở mới.
(HBĐT) - Nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển và nhiệt độ trung bình năm xoay quanh mức 200C, Mộc Châu (Sơn La) vẫn thường được ví như một Đà Lạt của Tây Bắc. Địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng là món quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho Mộc Châu với bốn mùa cây trái xanh tươi. Đầy lùi lại phía sau những ngày mùa đông rét mướt, nắng xuân đánh thức Mộc Châu bừng tỉnh trong từng nụ đào bung nở, trên mỗi nhành lan đua sắc tỏa hương. Đến với Mộc Châu những ngày đầu xuân sẽ được cảm nhận và chiêm ngưỡng chiếc áo đẹp nhất, rực rỡ nhất, sắc màu nhất của cao nguyên.
(HBĐT) - Đông sang, Xuân về sông Bôi đã trở nên hiền hoà, êm đềm, nhưng cứ vào thời điểm tháng 8, tháng 9 hàng năm dòng sông trải dài trên 125 km này lại trở nên hung dữ với những dòng nước đục ngầu, cuồn cuộn tung bọt trắng xoá. Tuy vậy, nó vẫn là người bạn chung tình của người dân Từ Hưng Thi, Phú Thành, Phú Lão, Lạc Long, Cố Nghĩa, Chi Nê, Khoan Dụ, Yên Bồng (Lạc Thuỷ) đến Thượng Tiến, Vĩnh Đồng, Hạ Bì, Trung Bì, Kim Bình, Nam Thượng, Cuối Hạ, Sào Báy, Nuông Dăm, Mỵ Hoà suốt bao đời nay.