Khúc hát Tiến quân ca trên đỉnh Pha Luông.

Khúc hát Tiến quân ca trên đỉnh Pha Luông.

(HBĐT) - Nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển và nhiệt độ trung bình năm xoay quanh mức 200C, Mộc Châu (Sơn La) vẫn thường được ví như một Đà Lạt của Tây Bắc. Địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng là món quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho Mộc Châu với bốn mùa cây trái xanh tươi. Đầy lùi lại phía sau những ngày mùa đông rét mướt, nắng xuân đánh thức Mộc Châu bừng tỉnh trong từng nụ đào bung nở, trên mỗi nhành lan đua sắc tỏa hương. Đến với Mộc Châu những ngày đầu xuân sẽ được cảm nhận và chiêm ngưỡng chiếc áo đẹp nhất, rực rỡ nhất, sắc màu nhất của cao nguyên.

 

Thiên đường hoa Mộc Châu

 

Mùa đông, Mộc Châu thường là một trong những điểm có nhiệt độ thấp nhất của khu vực Tây Bắc, cây cối co mình lại trong giá rét. ấy vậy mà khi những tia nắng xuân ấm áp bắt đầu chiếu xuống, mưa xuân lất phất bay thì thật diệu kỳ là muôn cây đâm chồi, nảy lộc, nhú hoa nhanh thật nhanh. Chỉ mới đó xác xơ mà xuân sang, Mộc Châu bừng tỉnh để khoác lên mình chiếc áo rực rỡ, muôn màu.

 

Quốc lộ 6 thẳng tắp như đi xuyên qua bạt ngàn, tít tắp hoa đào, hoa mận. Vào vườn đào, càng thấy thú vị và hấp dẫn hơn khi được thật gần ngắm nghía những chồi xanh mơn mởn nhú lên từ cành cây khô, mốc; thật bất ngờ khi nơi đầu cành lại có lác đác những trái mận non đậu quả từ đợt hoa trước. Hiển hiện nơi đây nhựa sống Mộc Châu căng tròn, mơn mỏn trong từng cánh hoa, lộc non, trái đầu mùa.

 

Điểm đặc biệt gây ấn tượng khi đến Mộc Châu đó là sự hiện diện của những bông hoa đẹp ở khắp mọi nơi. Hoa trên núi đá, dưới thung lũng, trên cánh đồng, trong nhà lưới và đặc biệt là ngay tại mỗi gia đình. Thật xinh xắn và vui mắt khi dọc các dãy nhà hai bên đường, nhà ít cũng có 4 - 5 chậu hoa, nhà nhiều thì từ 10 - 20 chậu. Nào cúc bi, đồng tiền, hoa hồng, thược dược, phong lữ thảo, ngọc thảo, dạ yến thảo, dừa cạn... Tất cả làm nên một thảo nguyên hoa, thiên đường hoa hấp dẫn, mời gọi du khách.

 

Theo chia sẻ của những người bạn, bốn mùa du lịch Mộc Châu đều có những thú vị riêng nhưng mùa xuân đến, nơi đây  tuyệt vời hơn cả. Bởi đây là thời điểm có thể ngắm nhìn Mộc Châu trong chiếc áo rực rỡ nhất khi sang xuân, trời khô ráo, xanh cao vời vợi, mây trắng lững lờ trôi, từ đỉnh Pha  Luông có thể thu vào tầm mắt toàn bộ thảo nguyên Mộc Châu. Vậy nên sau khi đắm say với sắc hoa Mộc Châu, thưởng thức những món ăn đặc sản hấp dẫn của cao nguyên, chúng tôi nhắc nhau về ngủ sớm để sáng mai bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Pha Luông.

 

Chinh phục Pha Luông - nóc nhà của Mộc Châu

 

Những người bạn đồng hành với chúng tôi trong chuyến chinh phục Pha Luông là các sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Em Nguyễn Tuấn Hùng - sinh viên năm thứ 4, Khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: Năm 2014, em đã chinh phục đỉnh Pha Luông 1 lần, nhưng thực sự đó là một địa điểm đã từng đi qua mà em rất muốn quay lại. Lần này em rủ các bạn học cùng trường khám phá cùng. Pha Luông không phải là một đỉnh núi quá cao và khó chinh phục như Phan - Xi - Păng nhưng đây cũng là một thử thách thú vị, vừa sức với sinh viên.

 

Đoạn đường từ thị trấn Mộc Châu đến Pha Luông khoảng 32 km nhưng chủ yếu là đường đất dốc, quanh co. Do đó, khi chinh phục Pha Luông nên chọn mùa khô, tránh mùa mưa. Đường vào Pha Luông là những con đường đất đỏ nhỏ xíu trông xa như dải lụa nối tiếp các sườn đồi. Ngược leo dốc đứng, rồi lại cua tay áo..., cung đường vào Pha  Luông là cơ hội hấp dẫn cho giới trẻ thể hiện tay lái, khoe sức bền, sự dẻo dai. Khung cảnh hai bên đường, khi thì mỏm đá, lúc là sườn đồi ngô tạo nên sự thi vị rất riêng cho Pha Luông.

 

Sau khi dừng làm thủ tục và gửi xe tại Đồn biên phòng Pha Luông, đoàn chúng tôi bắt đầu lội bộ, xuyên rừng. Khi thì trèo lên các mỏm đá, lúc cúi rạp chui qua rừng tre nứa, có khi lại đung đưa bò ngược lên theo rễ cây rừng nhưng tự nhủ rằng cổng trời đang ở phía trước thế là chẳng ai bảo ai, tất cả lại cùng nỗ lực vượt qua.

 

Giữa bốn bề mây trắng bao phủ bồng bềnh, đỉnh Pha Luông đã ở ngay trước mắt chúng tôi. Thật là kỳ vĩ! Nơi đây như điểm tiếp giáp giữa đất và trời bởi cảm giác chỉ cần ngước lên thôi là bầu trời đang ở ngay trên đầu, cúi xuống nhìn về phía xa xa trọn trong tầm mắt là cao nguyên Mộc Châu với một màu xanh ngút mắt. Mây xung quanh như đùa giỡn, bao bọc và làm xua tan đi sự mệt nhọc của những du khách đã chinh phục thành công Pha  Luông.

 

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, đỉnh Pha Luông cho ta cảm giác chiến thắng, có thêm niềm tin vào sức mạnh bản thân vì đã vượt qua được một chặng đường gian khó. Hạnh phúc hơn khi bình tâm đứng nhìn mây trôi, tự hào ngắm nhìn đất nước, quê hương mình rộng bao la, giàu đẹp.

 

Trên đỉnh Pha Luông, khúc hát Tiến quân ca vang lên hùng tráng, hòa trong sắc áo cờ đỏ sao vàng tạo nên tình yêu đất nước thiêng liêng, tình yêu biên cương Tổ quốc sục sôi cuộn trào trong trái tim những người trẻ tuổi.

 

                                                                    

 

                                                                  Dương Liễu

 

 

 

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục