(HBĐT) - Alo! Bác có nhà không? Em sang xin chén nước chè?
- Ừ! Chú về quê hả? Chú sang đi! Nhưng không phải sang nhà mà đến đoạn suối ngày xưa anh em mình ngụp lặn sau mỗi buổi chiều chăn trâu nhé.
- Úi chao! Bác làm gì ở đó vậy?
- Thì chú cứ đến khắc biết. Sẵn bàn chè đây rồi. Nhanh nhé kẻo nắng.
- Vâng bác! Em đến luôn!
- Tuân lệnh bác em đã có mặt!
- Ừ! Chú đi gì mà nhanh thế?
- Xe máy bác ạ. Vừa hay gặp thằng cháu Tú con bà Tình đi lấy hàng nó chở ra đây luôn. Bác định làm gì mà san ủi tung tóe chỗ này vậy?
- À! Tôi định dựng cái chòi để đêm đến ra đây trông bầy gà, ngan ấy chú.
- Em có thấy con gà hay ngan, ngỗng nào đâu?
- À! sắp nuôi. Phải chuẩn bị chuồng trại, rồi chỗ ở để trông nom chứ. Chỗ kia đất bãi bồi phẳng, lại không gần khu dân cư, bỏ không cũng phí. Tôi định rào bằng lưới thép để mua mấy trăm con gà, ngan về nuôi. Dãy bên trái sẽ làm cái chuồng cỡ mươi mét lợp bằng lá cọ, quây bạt hoặc bao tải cho chúng vào trú mưa, nắng. Ngày thả ra ngoài cho chúng chạy, bới kiềm mồi như kiểu nuôi tự nhiên. Còn chỗ này dựng cái chòi nho nhỏ để tôi vừa chăm sóc gà, vừa nghỉ ngơi, thư giãn. Chú thấy thế nào?
- Ý tưởng hay đấy bác! Có điều sẽ khó thực thi.
- Có gì khó chú? Đất bãi bồi toàn cây rù rì, cỏ lá gừng, thi thoảng có khóm sậy bấy lâu nay có ai đụng đến đâu. Coi như mình khai hoang để phát triển kinh tế. Chỗ này lại tách biệt với khu dân cư nên không sợ ai la ó vì chất thải gây ô nhiễm môi trường.
- Bác chắc chứ, em thì không thấy chắc chỗ nào cả.
- Vậy chú thấy chỗ nào bất cập nói xem nào?
- Em phân tích cụ thể, bác chịu khó nghe nhé. Nghe kế hoạch chăn nuôi của bác em nghĩ là bác chưa xin phép chính quyền xã. Mà theo quy định của Luật Đất đai thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và Nhà nước thực hiện quyền định đoạt quyết định mục đích sử dụng đất, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất… Như vậy bác không thể tự ý khai phá đất tự nhiên phục vụ cho mục đích cá nhân của mình khi chưa được chính quyền, cơ quan chức năng cấp phép… cho dù đây là bãi bồi ven suối.
Hơn nữa bác định xây dựng thành bãi nuôi nhốt gia cầm lại càng khó vì việc xả thải ở ngay ven suối sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Còn chỗ bác đang san ủi định dựng cái chòi để ở kia em e là sẽ vi phạm quy định về an toàn công trình thủy lợi. Em nói bác đừng quở! Có khi tí nữa bà trưởng xóm ra hỏi thăm bác đấy!
- Nghiêm trọng thế à chú?
- Vâng bác! Những việc này pháp luật quy định cả đấy ạ.
Em đọc luật cho bác nghe luôn này: Tại điểm a, khoản 7, Điều 24, Nghị định số 03/2022/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ việc xử lý vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi. Cụ thể: Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: (a) Tự ý dỡ bỏ hoặc lấp công trình thủy lợi; (b) Xây dựng nhà ở, cầu, kè, nơi sản xuất và các công trình kiên cố khác không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; (c) Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; (d) Lập bến bãi, tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Mà chỗ bác đang san ủi đó sẽ ảnh hưởng tới con mương dẫn nước tưới tiêu cho cánh đồng Đùng. Khi đã vi phạm thì không chỉ nộp phạt là xong, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể yêu cầu người vi phạm tháo dỡ công trình xây dựng trái phép và khôi phục lại nguyên trạng ban đầu của đất nữa đấy bác. Theo em bác tạm dừng lại đã. Lên xã xin cấp phép, nếu được ta mới làm kẻo "lợi bất cập hại” bác ạ!
- Cảm ơn chú tư vấn! Tôi đã thông rồi!
Lam Nguyệt (CTV)