"Ông đồ” là cái tên trìu mến và gần gũi mọi người hay dùng để gọi chị Nông. Công việc chính của chị là ở Trung tâm tư vấn thiết kế mỹ thuật Art House, ngoài ra, chị vẽ tranh tường và dạy một lớp năng khiếu vẽ cho mọi lứa tuổi. Hàng ngày, tận dụng thời gian rảnh, chị vẽ thư pháp lên trái cây để kiếm thêm thu nhập. Chị là người đầu tiên đưa trào lưu vẽ thư pháp trên trái cây về thành phố Hòa Bình.
Mỗi sản phẩm được vẽ trong khoảng thời gian 15 - 20 phút tùy vào độ khó và cầu kỳ của họa tiết. Trung bình mỗi ngày chị Nông làm ra được 100 sản phẩm. Giá của mỗi loại quả sau khi đã hoàn thiện từ 150.000 - 200.000 đồng. Các đơn hàng phần lớn của khách ở Hà Nội, khách hàng trên địa bàn tỉnh hiện chưa nhiều, chủ yếu đặt hàng cho dịp Tết Nguyên đán. Mỗi sản phẩm đều được chị Nông trau chuốt, tỉ mỉ từ khâu chọn quả, chọn sơn vẽ, màu vẽ, đến công đoạn phủ kim tuyến lên các nét vẽ sao cho phù hợp và nổi bật. Những trái bưởi được chị trực tiếp đi cắt từ huyện Tân Lạc. Hiện nay, do nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, chị nhập thêm bưởi Tiến Vua ở tỉnh Tuyên Quang. Những loại hoa quả này khi bày lên mâm ngũ quả trông bắt mắt, độc, lạ.
Chị Nguyễn Thị Nông vẽ thư pháp chữ "Lộc" trên quả bưởi Tiến Vua theo đơn đặt hàng.
Để họa tiết sau khi vẽ khô nhanh hơn, một số nơi thường mang đi sấy, nhưng chị Nông chọn cách để khô tự nhiên. Mặc dù làm vậy phải chờ đợi lâu nhưng chất lượng đảm bảo hơn, quả sẽ không bị héo vỏ, không bị rám và lâu hỏng. Nguyên liệu để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh rất đơn giản, chỉ gồm trái cây, sơn acrylic không độc hại và một chút kim tuyến phủ bể mặt chữ thư pháp. Họa tiết được khách hàng ưa chuộng là cây hoa đào, hoa mai, chữ thư pháp "Phúc”, "Lộc”, "Thọ”… Màu sắc chủ đạo là màu đỏ - màu của bình an, may mắn, bên cạnh đó còn có màu vàng của hoa mai và sắc xanh của chồi non.
Theo chị Nông, các loại trái cây này đều an toàn thực phẩm, sau khi cúng gia tiên xong có thể sử dụng bình thường. Những năm trước, do bận và chưa có nhiều kinh nghiệm nên chị chỉ nhận số lượng vài trăm quả. Năm nay, số lượng đơn đặt hàng hơn 1.000 quả, dự tính giáp Tết, số lượng đơn hàng sẽ nhiều hơn. Do nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, trong thời gian tới chị Nông sẽ thử sức vẽ trên nhiều loại quả và sáng tạo ra nhiều họa tiết hơn nữa.
Anh Bùi Văn Thịnh (phường Hữu Nghị) chia sẻ: "Tôi được biết đến các sản phẩm của chị Nông qua lời kể của con trai mình, cháu đang học lớp vẽ của chị. Vợ chồng tôi đã đặt hàng 10 sản phẩm để biếu gia đình hai bên nội ngoại, họ hàng nhân dịp Tết Nguyên đán này. Đây là những món quà mới, lạ nhưng cũng rất gần gũi, phù hợp với mọi gia đình”.
Linh Nhật
(HBĐT) - Từ chỗ chỉ thêu thùa, may vá váy áo, giờ đây các sản phẩm thổ cẩm của chị Lò Thị Kíu được nhiều nơi biết đến. Sự đa dạng các sản phẩm thêu thủ công đã góp phần bảo tồn văn hoá truyền thống và trở thành nghề mang lại thu nhập ổn định cho hội viên phụ nữ.