Trước đây, cũng như nhiều hộ mới ra ở riêng, vợ chồng anh Hồng được chia đất để sản xuất, chủ yếu là cấy lúa và trồng hoa màu. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, không có vốn đầu tư nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế bấp bênh, đời sống của gia đình không đảm bảo. Trước tình hình đó, anh Hồng luôn trăn trở làm thế nào để được bằng mọi người trong khu dân cư. Nhận thấy trên địa bàn phường có khoảng ao rộng khoảng 11 ha, anh đã đề xuất với chính quyền cơ sở xin nhận thầu ao. Được địa phương chấp nhận, anh Hồng bỏ vốn cải tạo và đầu tư nuôi cá. Anh Hồng tâm sự: May mắn cho gia đình tôi lúc đó là được địa phương tạo điều kiện giúp đỡ. Đặc biệt, khi bắt tay vào cải tạo ao, tôi đã tiếp cận được các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển sản xuất của địa phương như được tiếp cận các nguồn vốn vay, được đi thăm quan học hỏi kỹ thuật ở nhiều mô hình hay trên địa bàn tỉnh và cả ngoài tỉnh. Vì vậy, gia đình tôi càng thêm nỗ lực, quyết tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Từ hai bàn tay trắng, với sự quyết tâm và không ngừng học hỏi, gia đình anh Hồng đã chăm sóc, đầu tư tốt vào ao nuôi cá nên đã đạt được kết quả như mong muốn. Ngoài nuôi thả cá, tận dụng mặt nước, gia đình anh Hồng đầu tư nuôi thêm vịt, lợn thịt để tăng thu nhập. Hiện nay, nguồn thu từ ao cá và chăn nuôi, trung bình mỗi năm gia đình anh Hồng thu 150 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí và tạo việc làm cho 5 lao động tại địa phương.
Để đảm bảo uy tín, chất lượng công trình, anh Đinh Quốc Hồng thường xuyên trực tiếp chỉ đạo công nhân trên công trình.
Thành công bước đầu với mô hình trang trại đã giúp kinh tế gia đình anh Hồng từng bước ổn định. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp nên việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt do tình trạng ô nhiễm môi trường, ao cá của gia đình anh bị ảnh hưởng, đầu ra cho cá thương phẩm không thuận lợi, anh Hồng nghĩ đến việc chuyển đổi ngành nghề theo kịp với xu hướng hiện nay. Nhớ lại trước đây từng làm công nhân xây dựng, tích cóp kinh nghiệm và vốn liếng, năm 2015, anh Hồng quyết định mua máy móc xây dựng và thành lập tổ hợp xây dựng, chuyên nhận các công trình dân dụng phục vụ bà con địa phương. Anh Hồng chia sẻ: Tổ hợp xây dựng của tôi chủ yếu là lao động nông nhàn tại địa phương. Khi thành lập, tôi phải tự học nhiều về quản lý, máy móc. Bên cạnh đó, tôi cũng tìm những thợ giỏi về làm thợ cả và đào tạo anh em lao động.
Đến nay, qua 2 năm duy trì, với phương châm đề cao chữ tín, làm đúng sức mình, tổ hợp xây dựng đã duy trì được việc làm cho gần 20 tổ viên, mức thu nhập bình quân 60 triệu đồng/người/năm trở lên. Qua quá trình hoạt động, uy tín của tổ hợp xây dựng nâng lên, từ những công trình dân dụng nhỏ đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, tổ hợp tác của anh Hồng đã nhận được nhiều công trình lớn như công trình trụ sở cơ quan, nhà hàng, siêu thị nhỏ nên thu nhập bình quân của các tổ viên hàng năm đều tăng.Từ một tổ hợp xây dựng ban đầu, hiện anh đã hình thành 4 tổ hợp xây dựng với hơn 40 thành viên và phát triển đến các huyện lân cận như Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi… Vào lúc cao điểm, tổ hợp của anh có 60 - 70 lao động làm việc thường xuyên, thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, với tư cách là thành viên trong Ban công tác mặt trận tại khu dân cư, anh Hồng tích cực tham gia các hoạt động, phong trào tại cơ sở và chủ động giúp đỡ hộ nghèo. Chia sẻ về thành công từ mô hình trang trại đến tổ hợp xây dựng, anh Hồng cho biết, bản thân luôn chủ động nghiên cứu, tìm kiếm thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất trên báo, đài và các mô hình làm ăn mới có hiệu quả kinh tế cao. Chủ động áp dụng KH-KT, cách làm mới trong sản xuất và thường xuyên đi học tập, thăm quan mô hình, kinh nghiệm hay ở trong và ngoài địa phương để về áp dụng.
Với những nỗ lực đó, anh Đinh Quốc Hồng là một trong những hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo và được tặng thưởng nhiều danh hiệu về lao động sản xuất.
P.L