(HBĐT) - 26 năm qua, bà Đỗ Thị Hữu, thôn Đồng Nhất - nay là thôn Đồng Thắng, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) luôn thầm lặng tới từng hộ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số. Bằng việc làm của mình, bà Hữu đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân trong việc nâng cao chất lượng dân số.
Bà Đỗ Thị Hữu (ngoài cùng bên phải), thôn Đồng Thắng, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) tham gia tuyên truyền tới người dân về các giải pháp nâng cao chất lượng dân số.
Nhiệt tình, tâm huyết với công việc
Năm 1993, bà Đỗ Thị Hữu bắt đầu làm cộng tác viên (CTV) dân số tại thôn Đồng Nhất (cũ). Thời gian đầu làm CTV bà Hữu gặp nhiều khó khăn. Người dân trong thôn thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Tình trạng sinh con thứ 3 diễn ra triền miên; phụ nữ mang thai không tới các cơ sở y tế khám thai định kỳ... Trước thực trạng đó, ban ngày, bà Hữu làm việc đồng áng của gia đình, buổi tối, bà đạp xe đến các hộ để tuyên truyền kiến thức về DS-KHHGĐ cho người dân... Không chỉ có vậy, trên chiếc xe đạp cũ của mình, bà chở chị em tới trạm y tế xã, Trung tâm Y tế huyện để đặt vòng, khám thai. Kinh phí cho CTV dân số lúc đó chỉ 5.000 đồng/tháng nhưng bà chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc.
Tuy nhiên, theo bà Hữu, khó khăn nhất là nhiều người dân không hiểu tính chất công việc của một CTV dân số nên đã có những lời nói thiếu chừng mực. "Có những lần tôi đến gặp gỡ người dân tuyên truyền gia đình họ không tiếp, có nhiều lời nói xúc phạm thậm chí còn có hành động thiếu lịch sự. Những lúc đó, tôi chỉ muốn bỏ cuộc nhưng niềm mong muốn người dân có ý thức chăm sóc sức khỏe sinh sản đã thôi thúc tôi tiếp tục đến tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Tuyên truyền 1 lần không được thì tuyên truyền lần 2, lần 3, tới khi nào người dân hiểu thì thôi. Ngoài ra, tôi phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng gia đình để có biện pháp tuyên truyền phù hợp” - bà Hữu chia sẻ.
Mỗi giai đoạn, các chính sách, mục tiêu dân số thay đổi. Vì vậy, để có kiến thức, trình độ chuyên môn phục vụ công việc, bà Hữu không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng truyền thông dân số. Bà tự tìm hiểu kiến thức qua sách, báo, phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyên về môn, quan trọng là có cách làm phù hợp với tình hình của thôn. Ngoài tuyên truyền về chính sách dân số, bà còn tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, hệ luỵ của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, quyền trẻ em, các chính sách về bình đẳng giới… Bên cạnh đó, bà tích cực phối hợp với Ban công tác mặt trận, Chi hội phụ nữ xóm lồng ghép tuyên truyền công tác dân số vào các cuộc họp…
Chất lượng dân số ở thôn Đồng Nhất (cũ) được nâng cao
Nhờ tích cực, kiên trì công tác tuyên truyền, đến năm 2001, nhận thức của người dân thôn Đồng Nhất (cũ) đã có sự chuyển biến tích cực về việc thực hiện, chấp hành các chủ trương, chính sách về DS-KHHGĐ. Tình trạng sinh con thứ 3 trong thôn được kiềm chế. Thôn không có trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không có bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Các chỉ tiêu về sử dụng biện pháp tránh thai, khám thai… thôn đều đạt 100% kế hoạch.
Chị N.T.T, thôn Đồng Thắng chia sẻ: Do sự hiểu biết của tôi và chồng còn hạn chế nên không ý thức được việc đi khám thai định kỳ. Bà Hữu nắm bắt được tình hình tôi có thai nhưng không đi khám thai nên đã nhiều lần tới vận động tôi đi khám thai theo lịch của bác sỹ. Lúc đầu, chồng tôi không cho tôi đi, sau một thời gian nghe bà Hữu giải thích về mối nguy hiểm của việc không đi khám thai định kỳ chồng tôi đã hiểu và cho tôi đi khám thai, lúc đó thai nhi đã được 5 tháng. Nhờ đi khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm, thực hiện theo tư vấn của bác sỹ nên con trai tôi sinh ra được khỏe mạnh”.
Đồng chí Vũ Việt Tùng, Trưởng phòng DS-KHHGĐ huyện Lạc Thủy cho biết: Với lòng nhiệt huyết trong công việc, bà Hữu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được người dân trong thôn tôn trọng, yêu mến. Thôn Đồng Nhất (cũ) nằm trong top đầu là thôn thực hiện tốt các chính sách dân số của huyện. Đặc biệt, bà Hữu luôn sáng tạo, đổi mới, tìm ra các biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Tháng 1 vừa qua, bà Hữu nghỉ làm CTV dân số. Tuy nhiên, bà vẫn tích cực tham gia cùng lực lượng CTV dân số xã Đồng Tâm để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới.
Thu Thủy
(HBĐT) - Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SX-KD) giỏi là một trong những phong trào lớn được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả. Những năm gần đây, sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào đã góp phần cổ vũ tinh thần, nghị lực vượt khó của nông dân ở các vùng nông thôn trong tỉnh, giúp nhau vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.
(HBĐT) - Bắt đầu làm công tác DS-KHHGĐ tại xã Dân Hạ từ năm 2008, những ngày đầu công tác, chị Vui gặp không ít khó khăn. Phần vì nhiều hộ trong xã là người dân tộc thiểu số, nhận thức về công tác DS-KHHGĐ còn nhiều hạn chế. Phần vì nhiều hộ vẫn còn tâm lý thích sinh nhiều con, nặng tư tưởng "trọng nam, khinh nữ”. Thực tế địa phương khiến chị Vui luôn trăn trở phải làm thế nào để người dân thay đổi nhận thức, thực hiện nghiêm các chính sách DS-KHHGĐ, góp phần thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của địa phương.
(HBĐT - Không chỉ tận tâm, trách nhiệm và xây dựng thành công mô hình tiết kiệm tại chi, tổ hội, chị Hà Thị Hậu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Tam Hòa, xã Tân Sơn (Mai Châu) còn là tấm gương tiêu biểu về nghị lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc và hỗ trợ chị em, hội viên cùng phát triển.
(HBĐT) - Trong quá trình công tác và phấn đấu, nhất là trên cương vị Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Đà Bắc, Thượng tá Hà Huy Chiến đã không ngừng cố gắng rèn huyện, phấn đấu tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương (QP-QSĐP).
(HBĐT) - Thoạt nhìn không thể nghĩ người thanh niên có nước da trắng trẻo, vóc dáng khá thư sinh lại là ông chủ của những vạt ruộng trồng bí đỏ, ngô ngọt, dưa chuột Nhật, chanh leo làm hàng hóa. Trò chuyện mới biết đó là một nông dân thực thụ, không ngại khó, ngại khổ, chân lấm, tay bùn để hiện thực hóa ước mơ làm giàu từ đất. Anh là Bùi Thanh Sơn, Giám đốc HTX nông nghiệp xanh Kim Bôi.
(HBĐT) - Hiến máu tình nguyện là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện lòng nhân ái, trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng, nhất là đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo. Với tâm niệm "Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", anh Nguyễn Tiến Long, Bí thư Đoàn Thanh niên trường mầm non Hoa Hồng, xã Thống Nhất (TP Hòa Bình) luôn nhiệt tình trong phong trào hiến máu tình nguyện. Anh đã 14 lần tham gia hiến máu.