(HBĐT) - Bưởi da xanh là giống bưởi đặc sản, có vị ngọt thanh, tép róc nước, múi to… Sau hơn 10 năm được trồng ở Hòa Bình, nhiều nông dân đã nản bởi cây rất khó chăm, kháng chịu sâu bệnh kém, cho thu chính chỉ được vài năm, cho quả một vụ như giống bưởi miền Bắc. Nhưng có một người đang nắm giữ bí quyết chăm sóc bưởi da xanh cho cây xanh tốt, ra hoa, quả quanh năm. Đó là ông Nguyễn Văn Thảo ở xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hòa Bình).



Vườn bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Thảo, xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) quanh năm có hoa, quả.

Ngã rẽ sang làm nông dân

Khu vườn của ông Thảo rộng hơn 4 ha nằm sâu trong xóm Mỵ với thế đất "tựa sơn đạp thủy”. Cả khu vườn và ngôi nhà sàn dựa lưng vào dãy núi và nhìn ra sông Đà. Từng hàng bưởi, hàng mít thẳng tắp, tươi tốt. Bưởi đang độ ra hoa, hương thơm ngào ngạt tỏa khắp xóm núi. Ông vốn là một người con của Thủ đô Hà Nội. Nhưng cái duyên đã đưa ông đến với Hòa Bình và gắn bó cơ nghiệp ở mảnh đất này. Cách đây gần chục năm, khi còn đang công tác ở Sở VH-TT&DL Hà Nội, ông muốn tìm mua một mảnh đất nghỉ ngơi những ngày cuối tuần. Qua bạn bè giới thiệu ông tìm được mảnh đất này, vốn là đất đồi hoang người địa phương để chăn trâu, bò. Hơn một năm đi lại sưu tầm cây về trồng, ông thấy càng thêm yêu đất, yêu cây. Rồi ông quyết định nghỉ hưu sớm lên Hòa Bình theo nghề "bới đất lật cỏ”.

Đi một vòng quanh khu vườn được trồng kín bưởi, mít Thái, dứa, dổi mới thấy hết được công sức và tiền bạc của ông đổ xuống mảnh đất này. Điều đặc biệt nhất trong khu vườn là hàng trăm cây bưởi da xanh cây nào cũng có hoa, quả to, quả nhỏ các lứa khác nhau. Ông chia sẻ: Trong vườn nhà tôi trồng 700 cây bưởi da xanh và mấy trăm cây bưởi đỏ, bưởi Diễn. Tôi kết nhất giống bưởi da xanh. Ở đất này, bưởi da xanh cho quả ăn đậm, róc tép. Sau gần chục năm nghiên cứu và tìm hiểu về giống bưởi da xanh, tôi đã thành công 2 năm nay khi "ép" bưởi da xanh ra quả trái vụ như ở miền Nam.

Không giữ bí quyết

Qua câu chuyện ông Thảo chia sẻ bí quyết: Trước khi trồng, tôi lên mạng tìm hiểu quá trình sinh trưởng, phát triển của cây bưởi da xanh. Ngoài ra, tìm số điện thoại của các ông "vua” bưởi da xanh ở miền Nam để liên hệ và học hỏi. "Các anh hai Nam Bộ chẳng giấu bí quyết gì. Họ chỉ cho tôi mọi thứ về cây bưởi. Nhờ vậy, tôi mới chăm được vườn bưởi da xanh như thế này” - ông Thảo cho biết. Ông Thảo còn kỳ công thử nghiệm "ép” bưởi da xanh ra quả trái vụ. Theo ông, trong 1 cây bưởi có thể điều chỉnh cành nào ra hoa trước, cành nào ra hoa sau. Cách làm rất đơn giản, trên cây bưởi da xanh bao giờ cũng có cành già và cành non. Nếu muốn cây ra trái vụ thì vặt trụi lá ở cành già. Sau đó phun siêu lân. Sau khoảng 1 tháng, trên các cành đã xử lý sẽ ra hoa.

Cách làm của ông Thảo "ép" bưởi da xanh ra quả trái vụ ở miền Bắc rất đơn giản mà hiệu quả. Cách này có thể áp dụng trên bất cứ một cây bưởi da xanh nào, nếu như cây đó đủ sức để ra hoa và đậu quả. Ông Thảo cho rằng, trên cây có nhiều loại quả, có thể thu vào các khoảng thời gian khác nhau, có thể điều chỉnh cây tránh ra quả rộ vào chính vụ bán không được giá. Bưởi da xanh trái vụ bao giờ giá cũng cao hơn. Ngoài việc xử lý cây ra quả trái vụ, ông Thảo cũng chăm cây rất cẩn thận. Khi bón phân cho cây nên chọn phân hữu cơ, không nên bón phân hóa học. Rễ của cây bưởi da xanh rất nhạy cảm, nếu được chăm sóc đủ dinh dưỡng sẽ phát triển tốt. Có như vậy mới xử lý ra hoa trái vụ được.

Thay đổi nếp nghĩ

Khi trồng được cây cho quả to, mã đẹp thì việc tiêu thụ lại là vấn đề. Ban đầu ông nghĩ: Việc trồng cây cho quả to, đẹp thì dễ nhưng lại khó bán bởi bưởi da xanh giá cao. Với những loại 3 - 4 kg/quả mang ra chợ bán hoặc tư thương thu mua cũng không thích. Mỗi quả như vậy giá hàng trăm nghìn đồng, rất ít người mua. Ông thay đổi "chiến thuật” không tỉa hoa mà để nhiều quả, chăm sóc quả từ 1,2 - 1,5 kg/quả bán lại rất chạy.

Anh Trần Văn Kiên ở xóm Mỵ, xã Yên Mông cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Trước đây, cả khu này chỉ để hoang chăn thả trâu, bò. Cũng có một số người trong xóm trồng cây nhưng trâu, bò đi qua cây cũng không lên được nên không trồng nữa. Từ ngày ông Thảo về đây trồng cây, làm bờ rào thép gai cẩn thận cho vườn cây xanh tốt. Thấy ông làm được, có thu nhập nên nhiều người trong xóm cải tạo vườn tạp trồng bưởi, trồng mít. Ông Thảo sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đến nhà hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con. Nhiều người học ông không chỉ kinh nghiệm, kỹ thuật mà còn ở sự chịu khó, tần tảo của người nông dân.

Hiện, vườn bưởi da xanh đã có khoảng 200 - 300 cây cho thu, sau khi trừ chi phí mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm. Trong tương lai, khi các loại cây đều cho thu hoạch hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng mỗi nămcho gia đình ông. Xóm Mỵ cũng đã phát triển hàng chục ha cây ăn quả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha, giúp người dân trong xóm thoát nghèo.


Việt Lâm


Các tin khác


Gặp thanh niên Mường Bi được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Cái tên Bùi Văn Tường giờ đây không còn xa lạ với nhiều thanh niên và người dân xã Thanh Hối (Tân Lạc). Lập nghiệp tại quê hương với mô hình "Vườn ươm giống cây trồng”, đến nay Bùi Văn Tường đã là Giám đốc của HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789, xóm Sung, xã Thanh Hối. Thành công từ khát vọng khởi nghiệp tại mảnh đất quê hương, ý chí và nghị lực của anh đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thế hệ trẻ tại địa phương.

Gặp gỡ những điển hình lao động sáng tạo

Tuy khác nhau về tuổi đời, tuổi nghề và trình độ học vấn… nhưng đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tỉnh nhà đều có điểm chung là tinh thần hăng say thi đua lao động sản xuất. Những ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời khẳng định CNVCLĐ là lực lượng tiên phong trong phát triển KT - XH địa phương.

Nữ đoàn viên công đoàn tâm huyết với nghề giáo

Giản dị, thân thiện và gần gũi… đó là cảm nhận đầu tiên khi trò chuyện với chị Bùi Thị Phương Thảo, giáo viên Trường liên cấp Dạ Hợp (TP Hòa Bình). Là giáo viên trẻ tràn đầy nhiệt huyết, chị Thảo được đồng nghiệp và học sinh yêu mến không chỉ bởi giỏi về chuyên môn mà còn là đoàn viên sôi nổi, nhiệt tình tham gia các hoạt động do tổ chức công đoàn phát động.

“Nuôi lợn đất” - mô hình ý nghĩa hỗ trợ hội viên khó khăn

Thời gian qua, mô hình "Nuôi lợn đất” được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Yên Trị (Yên Thủy) triển khai thực hiện hiệu quả, có tính lan tỏa. Mô hình không chỉ tạo được ý thức tiết kiệm, quản lý chi tiêu gia đình trong hội viên phụ nữ mà qua đó khơi dậy tinh thần "tương thân tương ái”, giúp chị em khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Huyện Mai Châu lan tỏa những tấm gương điển hình học tập và làm theo Bác

Thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, trên địa bàn huyện Mai Châu đã có nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu về học tập và làm theo Bác trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội, QP-AN ở địa phương.

Trưởng Công an xã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

"Hưởng ứng phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc” do Bộ Công an, Công an tỉnh phát động, từ năm 2012 đến đầu năm 2024, với vai trò là Đội trưởng Đội Tổng hợp, tôi đã tham mưu Đảng uỷ, lãnh đạo Công an huyện chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT). Tham mưu, phục vụ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an về công tác đảm bảo ANTT; các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định văn bản phục vụ chỉ đạo của Đảng uỷ, lãnh đạo Công an huyện, Huyện uỷ, UBND huyện. Tháng 2/2024, tôi được điều động, bổ nhiệm làm Trưởng Công an xã Bảo Hiệu” - Trung tá Bùi Văn Tuần, Trưởng Công an xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy chia sẻ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục