(HBĐT) - Vụ bưởi năm nay, gia đình ông Nghiệp vui lắm, cây nào cũng sai quả, giá bán lại cao hơn năm ngoái, đầu ra cũng ổn định. Sản phẩm không chỉ giao cho tư thương tại vườn mà các con ông đã ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá và chuyển hàng cho khách trong huyện, tỉnh, các tỉnh bạn qua đường xe khách. Ông dự tính trừ chi phí 2 ha bưởi, 0,5 ha cam, gia đình tích lũy được hơn 100 triệu đồng. Ở vùng đất thuần nông, vườn tạp còn nhiều như xã Văn Sơn (Lạc Sơn) thì đó là khoản thu nhập đáng kể.
Ông Bùi Văn Nghiệp, hội viên người cao tuổi xóm Mận Bùi, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) thu hoạch bưởi niên vụ 2019.
Vốn là cán bộ Phòng Thủy lợi huyện Lạc Sơn, sau khi về hưu, 8 năm liền, ông Bùi Văn Nghiệp tham gia làm Bí thư chi bộ xóm Mận (nay là xóm Mận Bùi, xã Văn Sơn). Từ năm 2013 - 2016, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi (NCT) xã. Quá trình tham gia hoạt động xã hội và sinh sống tại địa phương, thực trạng đất không thiếu, nguồn lao động dồi dào nhưng đời sống, thu nhập của gia đình ông nói riêng và của dân cư trên địa bàn nói chung thiếu ổn định khiến ông luôn băn khoăn, trăn trở. Từ tâm tư đó, năm 2013, ông Nghiệp đã mạnh dạn đi đầu trong phong trào cải tạo vườn tạp.
Ông Nghiệp chia sẻ: Gia đình tôi có gần 2,5 ha đất vườn tạp, từ năm 2013 trở về trước, diện tích đất này đủ các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ và cả cây dại tự mọc, hầu như không mang lại hiệu quả về kinh tế. Từ thực tế đó, tôi đã bàn với vợ, con đầu tư thí điểm cải tạo 0,5 ha vườn gần nhà để trồng cam, bưởi. Ban đầu cũng còn nhiều bỡ ngỡ nên không tránh khỏi lúng túng. Vì trên địa bàn xã chưa có ai trồng cây ăn quả có múi nên tôi đã mầy mò tìm hiểu qua sách, báo, tài liệu và trực tiếp ra huyện Tân Lạc, Cao Phong, về tận Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm. Sau 3 năm chăm chút, lứa cam, bưởi đầu tiên của gia đình tôi đã cho thu hoạch. Qua đó, tôi rút ra kinh nghiệm bưởi là cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đồng đất quê mình.
Ngày 26/4/2016, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về cải tạo vườn tạp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 càng thôi thúc ông và các thành viên trong gia đình mạnh dạn hơn trong mở rộng diện tích cây ăn quả có múi. Vậy là từ năm 2016, gần 2 ha đất vườn tạp còn lại của gia đình ông đã được cải tạo để trồng bưởi đỏ Tân Lạc. Theo đó, hàng năm, vườn bưởi của gia đình ông giải quyết việc làm theo thời vụ cho 15 - 20 lao động địa phương với thu nhập 200.000 đồng/ngày.
Đất không phụ công người, năm 2019, lứa bưởi thứ 2 của gia đình ông cho thu hoạch, cây nhiều nhất cũng có tới 200 quả với giá bán bình quân tại vườn 10.000 đồng/quả.
Đến thăm vườn bưởi nhà ông, ai nấy đều trầm trồ thích thú, nhất là những hội viên NCT trên địa bàn, họ không chỉ được thưởng thức hương vị mát ngọt của những múi bưởi hồng, róc vỏ, căng mọng mà còn được ông Nghiệp chia sẻ kinh nghiệm về lựa chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… Tấm gương đi đầu, gương mẫu trong phong trào cải tạo vườn tạp của ông Bùi Văn Nghiệp đã tạo sự lan tỏa trong dân cư và hội viên NCT trên địa bàn. Giờ đây, đến xã Văn Sơn, mọi người không chỉ biết đến vười cây ăn quả có múi của gia đình ông Nghiệp mà còn có vườn bưởi trĩu quả với diện tích hơn 4.000 m2 của gia đình ông Bùi Văn Trọng ở xóm Mận Bùi, vườn hơn 1 ha của gia đình ông Bùi Văn Tăn ở xóm Lội…
Nhờ đi đầu trong phong trào cải tạo vườn tạp, nhiều năm liền ông Bùi Văn Nghiệp được tôn vinh là cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua "Tuổi cao –gương sáng” của Hội NCT xã Văn Sơn.
Bùi Đức
(HBĐT) - 26 năm qua, bà Đỗ Thị Hữu, thôn Đồng Nhất - nay là thôn Đồng Thắng, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) luôn thầm lặng tới từng hộ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số. Bằng việc làm của mình, bà Hữu đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân trong việc nâng cao chất lượng dân số.
(HBĐT) - Bùi Ngọc Diệp, Phó Bí thư Đoàn xã Quy Hậu (Tân Lạc) là 1 trong 17 tình nguyện viên có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện, được tuyên dương tình nguyện viên tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện tại chương trình "Chủ nhật đỏ” và "Ngày hội xuân Hòa Bình” năm 2020. Tại chương trình, Diệp tiếp tục tham gia hiến máu và khẳng định: "Sẽ tiếp tục hiến máu không chỉ trong các chương trình ra quân và con số 16 lần hiến máu sẽ được cộng thêm trong những năm tiếp theo”.
(HBĐT) - Khác với nhiều năm về trước, bản Dao xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) nay đã có nhiều đổi thay. Để có được xóm Sưng phát triển không thể không kể đến vai trò tiên phong, gương mẫu của già làng Lý Hồng Minh - một điển hình thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ở huyện Đà Bắc.
(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên ở miền quê có nghề truyền thống làm trống nổi tiếng khắp cả nước - làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam), anh Nguyễn Văn Minh cùng vợ con rời quê đến lập nghiệp ở khu I, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) và vẫn giữ nghề truyền thống.
(HBĐT) - Từ năm 2004 - 2018, bà Nguyễn Thị Hánh (60 tuổi) là trưởng xóm Tân Hương 1, xã Thanh Hối (Tân Lạc). Tháng 3/2019, 2 xóm Tân Hương 1 và Tân Hương 2 sáp nhập thành một, nhân dân tiếp tục bầu bà Hánh làm trưởng xóm. Được cộng đồng dân cư quý mến, tin tưởng vừa là vinh dự, vừa là động lực để bà Hánh tiếp tục cố gắng, không quản ngại "việc làng, việc nước".
(HBĐT) - Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SX-KD) giỏi là một trong những phong trào lớn được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả. Những năm gần đây, sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào đã góp phần cổ vũ tinh thần, nghị lực vượt khó của nông dân ở các vùng nông thôn trong tỉnh, giúp nhau vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.