Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Đặng Minh Phương gắn với sự nghiệp báo chí và văn thơ. Khi nghỉ hưu ông vẫn không ngơi nghỉ. Ở vào lứa tuổi 90, ông vẫn thông tuệ, minh mẫn lựa chọn và sáng tác. Ông anh như vậy, còn ông em Hà Đăng cũng "mười phân vẹn mười”, nhưng xem bề "chính luận”, "quản lý” thì có phần "chuyên hơn”.


Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã trao Giải Vinh danh Nhà báo tiêu biểu cho nhà báo Hà Đăng, tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng (Giải Búa liềm vàng), lần thứ tư (ngày 15/1/2020).

Bà con nhân dân làng Ninh Tịnh, xã Bình Kiến, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên rất lấy làm tự hào vì xã mình có một gia đình nhà báo cách mạng. Đó là gia đình cụ Đặng Mật có bảy người đều là nhà báo: Hai con trai, hai con dâu, hai vợ chồng cháu ngoại và một cháu nội. Cụ Mật lúc sinh thời là Lý trưởng dưới chế độ cũ nhưng chuyên làm việc thiện, sống nhân đức, được gọi là ông Xã Ba nhân hậu. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, cụ được cả làng bầu làm Trưởng thôn. Mấy người con trai con gái của cụ đều xung phong vào làm các công việc khi ta đã giành được chính quyền về tay nhân dân. Trong số 7 người con, cháu cụ thì có 2 Nhà báo lớn thành danh và nổi tiếng trong cả nước. Người thứ nhất là con trai thứ hai của cụ, ông Đặng Phò tức Đặng Minh Phương; người con trai thứ ba là Đặng Ha tức Hà Đăng.

Ông Đặng Minh Phương, năm nay đã 94 năm tuổi đời và 75 năm tuổi Đảng. Ông đi theo Cách mạng từ năm 17 tuổi và là "Chiến sĩ cách mạng, bị địch bắt tù đầy”. Ông là thanh niên xung kích cứu quốc đã tham gia giành chính quyền của xã, của huyện hồi Tháng Tám 1945, từng là Phó Bí thư Huyện Đoàn Thanh niên cứu quốc huyện Tuy Hòa. Ngày 26/5/1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ngày ấy, Ninh Thuận thuộc cực Nam Trung Bộ đang trong thời kỳ gây dựng phong trào, thiếu cán bộ, cho nên rất cần những "hạt giống đỏ”, vì thế cấp ủy có ý "gieo hạt giống đỏ” vào nơi khó khăn nhằm tôi luyện, thử thách người đảng viên cộng sản trẻ tuổi này. Nhưng trên đường đi, mới đến Nha Trang, ông Đặng Phò đã bị địch bắt. Trong người ông lúc đó có tấm thẻ căn cước "thợ cắt tóc”. Bị giam ở khám lớn Nha Trang 4 tháng, ông bị địch dọa nạt, đánh đập, nhưng không tìm ra được chứng cớ gì liên quan đến việc hoạt động cho Việt Minh của anh thợ cắt tóc có dáng người gầy cao mảnh khảnh này, cho nên buộc chúng phải thả ông. Đầu năm 1950, sau khi tốt nghiệp Trường trung học Bình dân Miền Nam Trung Bộ, ông được cấp trên điều động làm phóng viên Báo Cứu quốc Liên khu 5.

Sau Hiệp định Geneva, nước nhà tạm thời chia cắt làm hai miền Nam - Bắc. Ông từ Liên Khu 5 tập kết ra Bắc, được phân công về Báo Nhân Dân từ tháng 7/1955. Mười năm sau, tháng 7/1966, ông lại trở về miền Nam, phụ trách Báo Cờ Giải phóng, Cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Trung Trung Bộ cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, ông lại trở về Báo Nhân Dân. Cuộc đời cầm bút của ông biết mấy truân chuyên: Đến, đi, rồi lại đến… Đến năm 1993, ông nghỉ hưu.

Thời kỳ ông công tác ở Báo Nhân Dân quay đi rồi quay lại có thể chia làm hai giai đoạn, thời gian hơn 30 năm. Ông đã trải qua các cương vị công tác: thư ký ban, phóng viên, biên tập viên, phóng viên (hoặc đại diện) thường trú ở các địa phương: Nam Định, Hải Phòng, Khu Mỏ Hồng Quảng, Quảng Nam - Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… Cả cuộc đời hoạt động Cách mạng của ông gắn với sự nghiệp Báo chí và văn thơ. Làm Nhà báo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, ông đã viết hơn 2.000 bài báo, tiểu phẩm, văn thơ…

Khi nghỉ hưu ông vẫn không ngơi nghỉ. Ở vào lứa tuổi 90, ông vẫn thông tuệ, minh mẫn lựa chọn và sáng tác, in 14 đầu sách với dung lượng hàng chục nghìn trang viết. Nổi bật là các tác phẩm được các Nhà xuất bản có uy tín cho xuất bản là các tập sách: "Từ ánh lửa xanh”, "Vỏ quýt dày, móng tay nhọn”, "Tiếng chào lòng đất”, "Bước theo tiếng cười”, "Nhà báo - nhà văn, đôi nét”, "Cuốn từ điển biết đi”,… Đọc các bài báo, các cuốn sách của ông người ta thấy ông là một người đa tài, thông tuệ, có kiến thức uyên thâm, Đông Tây Kim Cổ. Đối với tôi, ông là một nhân cách lớn trong làng thơ, làng văn nhất là thơ trào phúng của Việt Nam. Nhiều nhà văn hóa, nhà phê bình, nhà văn, nhà báo… nổi tiếng của nước ta như Giáo sư Vũ Ngọc Khánh; nhà văn, nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha; nhà văn Chu Giang (Nguyễn Ngọc Lưu); nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa Phan Quang… trong một số bài viết của mình đánh giá rất cao các sản phẩm trí tuệ của ông Đặng Minh Phương.


 Nhà báo Đặng Minh Phương (thứ 2 từ phải sang) và nhà báo Hà Đăng (thứ 3 từ trái sang) tại buổi Họp mặt cán bộ hưu trí Báo Nhân Dân (ngày 6/3/2018).

Ông anh thì như vậy, còn ông em Hà Đăng thì cũng "mười phân vẹn mười”, nhưng xem bề "chính luận”, "quản lý” thì có phần "chuyên hơn”. Ông anh "Đặng Phò” thường nói với em: "Chú khỏe, anh mừng!” và đã tặng câu đối vốn là sản phẩm "cây nhà, lá vườn” của mình:

"Báo chí dấn thân, tinh thông sắc sảo
Ngoại giao chung sức, linh hoạt vững vàng!”

Trong một bài báo đăng trên tờ Nhân Dân số đặc biệt kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), ông Hà Đăng nói cơ duyên đã đưa ông đến với nghề báo. Năm 1947, ông tròn 18 tuổi, năm ấy ba cái vui cùng một lúc đến với ông: Được kết nạp vào Đảng, được cử làm Trưởng Ban Tuyên truyền xã, được báo Phấn Đấu (tờ báo tỉnh Phú Yên) đăng bài viết đầu tay của mình. Nào ngờ ba cái vui đó lại là báo hiệu gắn bó đời tôi với nghiệp tuyên truyền, nghề báo sau này.

Năm 1950, ông chính thức bước vào nghề báo với danh nghĩa Thư ký Tòa soạn Tạp chí Miền Nam, Cơ quan của Ban đại diện Văn hóa cứu quốc Miền Nam Trung Bộ. Năm 1951, là phóng viên báo Văn nghệ Liên khu 5. Năm 1952, là biên tập viên Báo Nhân Dân khu 5. Và năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông trở thành phóng viên Báo Nhân Dân, công tác ở Ban Nông thôn. Ở đây ông đã ghi được một dấu ấn đặc biệt quan trọng đối với một phóng viên trẻ mới tham gia đội ngũ "Những người làm Báo Nhân Dân”.

Trong một chuyến đi công tác rất vất vả, gian nan trên đất Quảng Bình, ông đã phát hiện viết được bài phóng sự Ba lần "đuổi kịp trung nông” đăng Báo Nhân Dân ngày 9/1/1961. Buổi sáng báo ra, buổi trưa giao ban xuất bản. Đồng chí Hoàng Tùng, Tổng Biên tập nói với ông Hà Đăng rằng, anh Vũ Kỳ, Thư ký của Bác gọi điện sang nói: Bác đã đọc bài báo rồi! Bài viết được đấy! Bác còn nói: Sẽ viết tiếp một bài cho Báo Nhân Dân về hợp tác xã này. Ngày 11/1/1961, Báo đăng bài của Bác "Một hợp tác xã gương mẫu”. Sau bài Ba lần "đuổi kịp trung nông”, nhất là bài "Một hợp tác xã gương mẫu” của Bác, nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, trong đó nổi bật nhất là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, lúc đó là Trưởng Ban Công tác Nông thôn của Đảng đã vào nghiên cứu mô hình Hợp tác xã Đại Phong.

Và không lâu sau đó toàn quốc xuất hiện Phong trào thi đua "Học tập và đuổi kịp Đại Phong” (gọi là Gió Đại Phong). Và các phong trào "Sóng Duyên Hải” (trong công nghiệp), "Ba nhất” (trong quân đội), thanh niên "Ba sẵn sàng”, phụ nữ "Ba đảm đang”... Cuối năm đó bài Phóng sự của ông Hà Đăng được trao giải A, giải Báo chí đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam.

Hơn bảy mươi năm đi theo Cách mạng mà nghiệp chính là làm báo, từ một phóng viên thường, được sự bồi dưỡng và dìu dắt của những người lớp trước của Báo Nhân Dân, ông Hà Đăng đã trải qua hầu hết các cương vị công tác quản lý của Báo Nhân Dân: Phó Trưởng Ban, Trưởng Ban, Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Biên tập, rồi Tổng Biên tập. Ông còn được giao các công tác khác nhau như: 3 năm học Trường Đảng Cao cấp của Liên Xô, 7 năm dự đàm phán Paris và tham gia mặt trận ngoại giao, 5 năm làm Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, 5 năm là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, 7 năm Trợ lý Tổng Bí thư… Mặc dù vậy, ông vẫn đam mê với nghề báo, coi nghề báo là tình yêu và lẽ sống của mình từ những ước mơ, khát vọng của tuổi xanh.

Hơn chín mươi tuổi, bạn đọc trong cả nước và nước ngoài vẫn thấy tác giả Hà Đăng xuất hiện thường xuyên, có nề nếp trên các số báo, nhân các sự kiện đặc biệt, nhất là Báo Nhân Dân. Trên Tạp chí Người Làm Báo số đặc biệt nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), ông viết một bài không phải là chính luận có tính chất "dạy dỗ” các thế hệ làm báo trẻ phải làm thế này, hoặc thế kia, mà thay vào đó, kể lại câu chuyện tìm "tứ vật” trên đất "Địa linh nhân kiệt”, tức là đất Kinh Bắc xưa và nay là Bắc Ninh.

Ông cho biết, cách đây 65 năm, hồi năm 1956, ông là phóng viên Báo Nhân Dân chuyên viết về nông nghiệp và nông thôn. Về Bắc Ninh, ông muốn tìm hiểu những nét tinh hoa của văn hóa Kinh Bắc, có người tự xưng là nhà văn hóa nói rằng, Bắc Ninh có "tứ vật” tức là bốn bảo vật không đâu có. Tìm hiểu kỹ mới té ngửa ra rằng, "tứ vật” là bốn cái đừng, nên tránh. Đó là: Vật giao Phù Lưu hữu (không kết bạn với con trai làng Phù Lưu); Vật thú Đình Bảng thê (không lấy vợ người Đình Bảng); Vật ẩm Đồng Kỵ thủy (không uống nước làng Đồng Kỵ); Vật thực Cẩm Giang kê (không ăn thịt gà làng Cẩm Giang). Kể lại câu chuyện vui nêu trên, ông muốn nói với mỗi nhà báo chúng ta, chữ và nghĩa quan trọng lắm. Nói "tứ vật” mà hiểu là bốn bảo vật thì đó là đại họa.


Nhà báo Hà Đăng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu (11/3/1951 - 11/3/2016).

Ông Hà Đăng kể rằng, Tổng kết cuộc thi Giải Búa liềm vàng lần thứ tư (Giải Báo chí toàn quốc viết về Xây dựng Đảng) ông được vinh danh là: Nhà báo tiêu biểu! Bằng chứng nhận do đồng chí Phạm Minh Chính, khi ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư trao. Có nhà báo hỏi cảm tưởng ông lúc đó. Ông xúc động trả lời:

Tâm hồn một mảnh sắt son,
Bảy mươi ba năm tuổi Đảng vẫn còn thanh xuân!

Cuộc đời và sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam đã theo sát và gắn bó với ông ngay cả trong giấc ngủ, bãng lãng giấc mơ hoa "Báo chí”:

Yêu nghề, yêu báo làm sao,
Bảy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình
Đêm nằm giấc ngủ lung linh,
Tưởng như gác bút, giật mình âu lo!

Ông cho rằng: Nhà báo có mấy cái sợ chính đáng: sợ viết dở, do thiếu tài năng; sợ bị treo bút vì phạm quy; sợ phải tự mình gác bút vì không còn năng lực để viết.

Cùng với ông Hà Đăng, vợ ông lúc sinh thời cũng là một nhà báo được nhiều bạn đọc rất nể trọng và thương yêu, nhất là bà con làng xóm quê nhà. Bà Nhật Ninh (tên khai sinh là Nguyễn Thị Ninh), sinh ngày 7/1/1945 và đã ra đi cách đây hơn 20 năm (năm 1999). Bà sinh ra tại xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống Cách mạng. Cha bà là cụ Nguyễn Khắc Minh tham gia hoạt động Cách mạng thời Đảng còn bí mật. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, cụ tiếp tục hoạt động ở chiến trường miền Nam. Năm 1955 bị giặc bắt và tù đày. Cụ đã anh dũng hy sinh trong tay giặc. Mẹ bà là cụ Phan Thị Nghêu, cũng là cán bộ kháng chiến cũ. Sau khi chồng hy sinh, cụ tập kết ra Bắc.

Năm 1955, bà Nhật Ninh vào học Trường miền Nam tại Hải Phòng. Học xong trung học phổ thông, bà vào học Khoa Sinh vật, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường năm 1968, bà về công tác ở Viện Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp. Năm 1972, Bà về công tác tại Báo Nhân Dân. Bà là biên tập viên và là phóng viên chuyên ngành về lĩnh vực khoa học. Năm 1982, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1983, Bộ Biên tập Báo Nhân Dân cử bà đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Năm 1988, bà được bổ nhiệm Phó Trưởng ban Khoa giáo, Báo Nhân Dân.

Trong những năm tháng công tác ở Báo Nhân Dân, bà Nhật Ninh tỏ ra là một nhà báo xông xáo, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao với những công việc được giao. Từ Bộ Nông nghiệp chuyển về làm phóng viên Báo Nhân Dân, môi trường hoàn toàn mới, bà không ngừng học hỏi và nhanh chóng nắm bắt yêu cầu công việc, trở thành một cây bút vững vàng. Là một phụ nữ làm báo, trong những năm chiến tranh ác liệt, chồng bà là ông Hà Đăng - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, đồng thời được Đảng và Nhà nước giao cho gánh vác một số công việc quan trọng khác, ông thường ít có thời gian ở nhà. Vì vậy mọi công việc gia đình từ lớn đến bé đều do bà đảm nhận.

Cùng với việc chăm lo cho hai đứa con khôn lớn, học hành chăm ngoan, bà vẫn không quên trách nhiệm của một Nhà báo. Bà đã tận tụy đi sát cơ sở, từ vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa nơi tận cùng của đất nước, đâu đâu cũng in dấu chân bà. Những bài phóng sự, điều tra của bà hồi đó thể hiện một tấm lòng thiết tha, những suy nghĩ, những trăn trở trước cuộc sống đầy khó khăn, cực nhọc bươn trải với cuộc sống của những người nghèo miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa…

Trong một chuyến đi công tác, bà không may bị bạo bệnh và đã ra đi tại thành phố Hồ Chí Minh. Khi hài cốt của bà được đưa về an táng tại quê nhà, cả làng đã đến đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng. Họ nói với nhau "Bà này có công với người nghèo tỉnh ta lắm đấy!”. Từ bài "Bệnh viện nghèo”, viết trên Báo Nhân Dân của bà mà ngành Y tế và Nhà nước đã tập trung sức đầu tư nâng cấp Bệnh viện đa khoa Phú Yên, tương xứng với vị trí của nó. Người dân cảm thấy được chăm sóc, khám chữa bệnh tốt hơn rất nhiều so với trước. Đáp lại tấm lòng của bà con, ông Hà Đăng nghẹn ngào trong nước mắt: "Suốt mười năm tôi là đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, có thể nói, Nhật Ninh đã hỗ trợ tích cực cho nhiệm vụ của tôi bằng cách đóng góp thiết thực vào việc xây dựng quê hương bằng những bài báo mà bà đã viết!”.

Còn lại mấy người trong "Gia đình nhà báo”, mỗi người đều có cảnh ngộ riêng. Bà Hoàng Chí Linh (vợ ông Đặng Minh Phương) năm nay cũng bước sang tuổi 83. Lúc còn trẻ cũng có ý định làm nghề báo, nhưng do yêu cầu của cơ quan phải đi học ngành y. Thế là cuộc đời bà là "Báo - Y”. Tất cả sức khỏe của các thể hệ làm Báo Nhân Dân từ 1955 đến năm 1993, đều có bàn tay bà chăm sóc. Hai đứa con gái, con rể của ông bà Đặng Minh Phương - Hoàng Chí Linh và con trai ông Hà Đăng cũng đang là nhà báo. Họ đang nỗ lực phấn đấu theo con đường mà các bậc cha, anh đã đi: Sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam!

Theo Nhandan.com.vn

Các tin khác


Anh Bùi Văn Yêm làm kinh tế giỏi

(HBĐT) - Về thôn Lội Mương, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) hỏi đến anh Bùi Văn Yêm ai cũng biết. Không chỉ là Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã nhiệt tình giúp đỡ mọi người, được bà con quý mến, anh còn là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu của xã dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu chính đáng tại quê hương.

Phong trào “Tuổi cao - gương sáng” ở xã Dũng Phong

(HBĐT) - Thực hiện phong trào thi đua "Tuổi cao - gương sáng”, Hội Người cao tuổi (NCT) xã Dũng Phong (Cao Phong) đã cụ thể hóa bằng nhiều hình thức sinh hoạt, nội dung phong phú, đa dạng. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động Hội, giúp NCT sống "vui, khỏe, có ích”, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Công an phường Tân Thịnh: Lan tỏa những việc làm tốt đẹp

(HBĐT) - Cùng với việc tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp giữ vững tình hình ANCT - TTATXH trên địa bàn, nhiều năm nay, Công an phường (CAP) Tân Thịnh (TP Hòa Bình) đã có nhiều việc làm cụ thể lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội.

Điều dưỡng trẻ tích cực tham gia nghiên cứu khoa học

(HBĐT) - Hầu hết họ là những điều dưỡng trẻ, thế hệ 8X, 9X đang công tác tại các cơ sở y tế được tập hợp trong "ngôi nhà chung" Hội Điều dưỡng tỉnh. Từ khi thành lập vào cuối năm 2017 đến nay, bên cạnh nhiệm vụ công tác chuyên môn, những hội viên của Hội đã tích cực tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Cán bộ Công an điển hình trong công tác dân vận

(HBĐT) - Nhiều năm gắn bó với cơ sở, với Nhân dân huyện Tân Lạc, Trung tá Phạm Vũ Hà Minh - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (Công an huyện Tân Lạc) cảm nhận cuộc sống khó khăn, vất vả của người dân. Chính vì vậy, sau khi Công an huyện Tân Lạc triển khai phong trào "Dân vận khéo”, anh đề xuất thí điểm mô hình "Điện sáng giao thông” do Đội Cảnh sát giao thông chủ trì. Chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện, mô hình đã mang dòng điện thắp sáng nhiều bản làng vùng cao.

Cựu chiến binh Bùi Văn Tý phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

(HBĐT) - Đến thôn Rú Mới, xã Hợp Phong (Cao Phong), hẳn ít ai không biết đến ông Bùi Văn Tý, người cựu chiến binh (CCB) gương mẫu với phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới. Những đóng góp của ông thể hiện phẩm chất sáng ngời của Bộ đội Cụ Hồ góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo nên diện mạo mới cho địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục