(HBĐT) -Trên 4 vùng Mường (Bi - Vang - Thàng - Động), những người lưu giữ và biết xem bộ lịch cổ xưa của người Mường (lịch Đoi) chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Một trong số ít người đang nắm giữ "bảo bối” này là ông Bùi Văn Lựng, nghệ nhân mo Mường ở xóm Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc).
Nghệ nhân Bùi Văn Lựng, xóm Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) giới thiệu về lịch Đoi của người Mường.
Trong câu chuyện mở đầu về lịch Đoi của nghệ nhân Lựng, bây giờ, các gia đình thường sử dụng lịch Tây để biết ngày, tháng, nhưng người vùng Mường Bi vẫn giữ cách tính ngày, tháng dựa vào lịch Đoi. Mang bộ lịch Đoi cất kỹ từ cánh tủ ra, ông Lựng giảng giải về nguồn gốc bảo bối này. Nghe các cụ xưa truyền lại thì lịch Đoi có từ thuở đất còn bạc lạc, đá thì mới đẻ, con dân Mường Bi nhìn trăng đoán nắng, nhìn sao đoán gió, qua hàng trăm đời người mới làm ra được. Cũng kể từ khi đó, người Mường Bi đi cày đi cuốc, bắt tôm, đánh cá, dựng vợ gả chồng, ngày lành tháng tốt… cứ theo lịch Đoi mà làm. Lịch được làm từ 12 thẻ tre dài chừng 20 cm, rộng 2 cm, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Mỗi thẻ tre được khắc 30 khấc tượng trưng cho 30 ngày.
Nói về bộ lịch, nghệ nhân Lựng chia sẻ: Cách tính ngày độc đáo của người Mường Bi, đó là dựa vào việc nhìn sao đoi. Mỗi tháng trong năm được tính đúng 30 ngày, không hơn, không kém. Nhìn vào khấc trong từng thẻ tre biểu thị cho 1 ngày. Trên thẻ, người Mường khắc các ký hiệu vạch, nhìn vào đó mà tính, đoán được ngày. Ngày tốt là ngày không có gạch, không có chấm (lỗ). Nếu thấy ký hiệu hình đuôi cá nghĩa là ngày cá đi, thuận lợi cho việc đi lưới, đi chài. Trên thẻ thấy chấm sao là ngày sao đoi, tức là ngày kỵ, không nên làm gì. Ngày có vạch mũi tên là ngày mưa bão, thường tập trung vào tháng 10. Ngày có chấm lỗ gọi là ngày hao, tốt nhất không nên làm gì, kể cả trồng trọt cũng không nên. Việc tính toán các ngày tốt, xấu trong tháng còn được kết hợp với cách bấm đốt tay (bắt tự).
Cũng theo cách tính lịch Đoi, các ngày từ 1-10, người Mường gọi là ngày cây, từ ngày 11-20 gọi là ngày lồng và từ ngày 21-30 gọi là ngày cuối. Người Mường nói chung, người Mường Bi nói riêng thường tổ chức những việc hệ trọng vào những ngày đầu tháng (ngày cây), tránh những ngày kỵ (mồng 5, 14, 23). Tháng 4 là ngày cá đẻ trứng, vào tháng khắc hình đuôi cá, người dân dựa vào sự phán đoán này để đi cất vó ở suối, sông. Tháng 4 cũng là tháng bắt đầu của một năm theo cách tính lịch Đoi. Nếu người Việt đón Tết cổ truyền từ ngày mồng 1 thì theo lịch Đoi là ngày 30 tháng Chạp của người Mường.
Cũng theo nghệ nhân Lựng, mặc dù còn ít người hiểu được lịch Đoi nhưng ở từng khía cạnh, lịch Đoi - loại lịch pháp hội tụ tri thức dân gian này vẫn có trong mọi mặt đời sống của người Mường, giúp đoán định thời tiết, ngày tốt, xấu. Hiện nay, nhiều gia đình ở vùng Mường Bi khi cất nhà mới, tậu xe, mua trâu, bò vẫn dựa theo lịch Đoi. Trong việc đặt móng, cất nhà, cưới hỏi, các gia đình đều tìm đến thầy mo, người am hiểu về lịch Đoi nhờ xem lịch Đoi, bấm đốt tay để chọn ngày lành, tháng tốt…
Đáng mừng là hiện nay, trước thực trạng lịch Đoi có nguy cơ mai một, thất truyền, ngày càng ít người biết, Sở VH-TT&DL đang xây dựng hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL đưa lịch Đoi trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quá trình lập hồ sơ, những chủ thể nắm giữ bảo bối này như nghệ nhân Bùi Văn Lựng có vai trò quan trọng.
Bùi Minh
(HBĐT) - Ông Đỗ Văn Chiến, xóm Bu Chằm, xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình) là người tiên phong đưa những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao về trồng tại địa phương; mạnh dạn đầu tư máy móc chế biến nông sản. Không chỉ vậy, ông còn truyền nhiệt huyết, khát vọng làm giàu cho bà con. Năm 2021, ông được vinh danh là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc do T.Ư Hội Nông dân (HND) Việt Nam bình chọn.
(HBĐT) - Nêu gương trong lối sống, nêu gương trong cách nghĩ, nêu gương trong cách làm, đó là cách mà trong suốt nhiều năm qua, ông Lê Văn Dĩnh, tổ dân phố số 2, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) đã học và làm theo Bác Hồ. Với vai trò là Bí thư chi bộ, người đứng đầu tổ dân phố, ông đã nêu cao ý thức, trách nhiệm tự giác trên cả 3 nội dung: Học Bác, làm theo Bác và nêu gương Bác.
(HBĐT) - Những ngày đầu tháng 7, ở các tỉnh phía Nam, lượng bệnh nhân Covid-19 tăng chóng mặt. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, gần 70 cán bộ, y, bác sỹ của tỉnh Hòa Bình đã chi viện cho các tỉnh miền Nam. Nhận lời kêu gọi tham gia vào lực lượng chi viện cho TP Hồ Chí Minh, điều dưỡng Đàm Thu Hà, Khoa Ngoại thần kinh - Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) là một trong những người xung phong tình nguyện đăng ký lên đường.
(HBĐT) - Xen giữa màu xanh của vườn cây ăn quả có múi, ngô là cánh đồng măng tây trải dài ngút tầm mắt của HTX nông nghiệp sạch Anh Tuấn, phố Lâm Hóa 2, xã Vũ Bình (Lạc Sơn). Những búp măng tây đua nhau mọc là thành quả của những tháng ngày lao động cần cù, vất vả và tinh thần dám nghĩ, dám làm của anh Lương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Anh Tuấn.
(HBĐT) - Chị Vi Thị Hiền sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân tại mảnh đất xứ Nghệ. Năm 2001, chị xây dựng gia đình, về làm dâu tại xã Hữu Lợi (Yên Thủy). Những năm đầu, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn bởi kinh tế quanh năm chỉ trông chờ vào mảnh ruộng, nương ngô cằn cỗi và 1 con bò, 5 sào đất bố mẹ cho. Chị luôn trăn trở suy nghĩ phải làm thế nào để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài.
(HBĐT) - Cùng chung tay với các hoạt động chống dịch của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã 5 lần tổ chức xuất quân chi viện cho các tỉnh, thành phố. Mỗi đợt ra quân là một lần tập thể Bệnh viện Đa khoa tỉnh thêm tự hào về những người đồng nghiệp, bố mẹ thêm tự hào về những người con, người dân tự hào vì được chứng kiến những hành động đầy tình người. Và hình ảnh về một lớp thế hệ những y, bác sĩ thời chống dịch Covid-19 hiện lên trong mỗi người dân thân thương đúng như tên gọi "chiến sĩ áo trắng”.