(HBĐT) - Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình và góp phần xây dựng quê hương, cựu chiến binh (CCB) Đinh Văn Kỳ, xóm Đá Đỏ, xã Tân Thành (Mai Châu) đã đầu tư phát triển mô hình nuôi cá, trồng rừng… Không phụ công người, sau nhiều năm cần cù lao động, thành quả thu được là một trang trại tổng hợp mỗi năm mang về nguồn thu nhập khoảng trên 400 triệu đồng.
Cựu chiến binh Đinh Văn Kỳ (bên trái), xã Tân Thành (Mai Châu) thu hoạch cá thương phẩm.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, ông Đinh Văn Kỳ trở về quê hương tập trung phát triển kinh tế gia đình. Dù đã bôn ba khắp nơi, bươn chải đủ nghề, thế nhưng cái nghèo vẫn cứ bủa vây người cựu binh. Sau nhiều năm tìm hiểu, nhận thấy nơi mình sinh sống có nhiều diện tích có thể làm được ao hồ rộng, phù hợp để phát triển nghề nuôi cá nên ông quyết định khởi nghiệp trên chính quê hương của mình.
Để hiện thực hóa ý tưởng, năm 2016, ông mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế tổng hợp quy mô gần 2 ha, đầu tư trồng rừng, nuôi cá thương phẩm gồm: chép, trắm, mè, trôi… Ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, thăm quan mô hình nuôi cá tại các xã trong huyện, tỉnh để học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi, phòng và xử lý bệnh ở cá để áp dụng cho mô hình của mình.
CCB Đinh Văn Kỳ chia sẻ: "Nuôi cá thương phẩm thành công quan trọng nhất là khâu chăm sóc, phòng dịch bệnh cho cá như bệnh trùng mỏ neo, bệnh nấm… Cùng với đó, thức ăn phải đảm bảo sạch, nguồn nước được thay định kỳ cá mới đạt năng suất, chất lượng”.
Nhờ áp dụng tốt các kiến thức cơ bản trong quá trình nuôi và chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, đàn cá sinh trưởng, phát triển tốt, đạt sản lượng cao. Năm 2019, ông bán được gần 4 tấn cá thương phẩm; năm 2020 bán được trên 5 tấn, đều là những giống cá được thị trường ưa chuộng nên giá bán khá cao. Ngoài ra, gia đình ông còn nuôi thêm khoảng 200 con vịt, gà, ngan để tăng thêm thu nhập và quay vòng vốn ngắn ngày đầu tư vào ao nuôi cá. Theo ông Kỳ, so với các loại vật nuôi khác, nuôi gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao hơn, chi phí đầu tư ít mà nhanh thu hồi vốn. Sau khi trừ chi phí, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông cho thu khoảng trên 400 triệu đồng/năm.
Không chỉ dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, CCB Đinh Văn Kỳ còn sôi nổi tham gia các hoạt động đoàn thể của địa phương; tích cực chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho hội viên CCB xóm, xã, giúp các hội viên phát triển kinh tế.
Đồng chí Đinh Hải Thảo, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Thành cho biết: "Đồng chí Đinh Văn Kỳ không chỉ làm giàu cho mình mà luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hội viên khác có nhu cầu, giúp nhiều hội viên thoát nghèo. Trước những kết quả đó, thời gian tới, Hội CCB xã sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện để đồng chí Đinh Văn Kỳ yên tâm, tiếp tục phát triển, mở rộng mô hình”.
Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, CCB Đinh Văn Kỳ trở thành tấm gương sáng trong phong trào "CCB làm kinh tế giỏi", là tấm gương điển hình cho việc dám nghĩ, dám làm, thực hiện ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Thu Hường
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Mai Châu)
(HBĐT) - Là một trong những cá nhân tiên phong thử sức với mô hình nuôi giun quế, đến nay, anh Bùi Văn Đáng, xóm Cỏ Giữa, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) đã có hơn 6 năm kinh nghiệm. Với niềm đam mê và mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, mô hình cho hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập ổn định.
(HBĐT) - Ông Đỗ Văn Chiến, xóm Bu Chằm, xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình) là người tiên phong đưa những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao về trồng tại địa phương; mạnh dạn đầu tư máy móc chế biến nông sản. Không chỉ vậy, ông còn truyền nhiệt huyết, khát vọng làm giàu cho bà con. Năm 2021, ông được vinh danh là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc do T.Ư Hội Nông dân (HND) Việt Nam bình chọn.
(HBĐT) - Nêu gương trong lối sống, nêu gương trong cách nghĩ, nêu gương trong cách làm, đó là cách mà trong suốt nhiều năm qua, ông Lê Văn Dĩnh, tổ dân phố số 2, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) đã học và làm theo Bác Hồ. Với vai trò là Bí thư chi bộ, người đứng đầu tổ dân phố, ông đã nêu cao ý thức, trách nhiệm tự giác trên cả 3 nội dung: Học Bác, làm theo Bác và nêu gương Bác.
(HBĐT) - Những ngày đầu tháng 7, ở các tỉnh phía Nam, lượng bệnh nhân Covid-19 tăng chóng mặt. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, gần 70 cán bộ, y, bác sỹ của tỉnh Hòa Bình đã chi viện cho các tỉnh miền Nam. Nhận lời kêu gọi tham gia vào lực lượng chi viện cho TP Hồ Chí Minh, điều dưỡng Đàm Thu Hà, Khoa Ngoại thần kinh - Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) là một trong những người xung phong tình nguyện đăng ký lên đường.
(HBĐT) - Xen giữa màu xanh của vườn cây ăn quả có múi, ngô là cánh đồng măng tây trải dài ngút tầm mắt của HTX nông nghiệp sạch Anh Tuấn, phố Lâm Hóa 2, xã Vũ Bình (Lạc Sơn). Những búp măng tây đua nhau mọc là thành quả của những tháng ngày lao động cần cù, vất vả và tinh thần dám nghĩ, dám làm của anh Lương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Anh Tuấn.
(HBĐT) - Chị Vi Thị Hiền sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân tại mảnh đất xứ Nghệ. Năm 2001, chị xây dựng gia đình, về làm dâu tại xã Hữu Lợi (Yên Thủy). Những năm đầu, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn bởi kinh tế quanh năm chỉ trông chờ vào mảnh ruộng, nương ngô cằn cỗi và 1 con bò, 5 sào đất bố mẹ cho. Chị luôn trăn trở suy nghĩ phải làm thế nào để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài.