(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại xóm Sổ, xóm đặc biệt khó khăn của xã vùng sâu, vùng xa Trung Thành (Đà Bắc), trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Xa Thị Huệ đạt tổng 29,75 điểm. Nhiều người thân, bạn bè ngỡ ngàng bởi điểm số quá cao, nhưng nếu biết được sự cố gắng, vượt khó của cô học trò nhỏ người dân tộc Tày, chắc hẳn không khỏi thán phục.
Em Xa Thị Huệ, xóm Sổ, xã Trung Thành (Đà Bắc) nỗ lực vượt khó, học giỏi.
Chúng tôi vượt quãng đường gần 70 km từ TP Hòa Bình để đến nhà Huệ, phần lớn là đường đèo dốc quanh co, đặc biệt đoạn từ trung tâm xã Trung Thành đến xóm Sổ rất khó khăn, lởm chởm đá, một bên là vực sâu. Xóm Sổ có 63 hộ dân, trong đó có 26 hộ nghèo, còn lại chủ yếu cận nghèo, nguồn thu nhập dựa vào chăn nuôi lợn, gà, trồng keo và làm thuê mướn. Cũng như bao gia đình trong xóm, hoàn cảnh gia đình Huệ cũng rất khó khăn, trong nhà không có đồ đạc gì đáng giá, thu nhập bấp bênh, nhất là thời gian gần đây ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa bao giờ bố mẹ Huệ có ý định cho Huệ nghỉ học, mà luôn động viên con cố gắng học tập, vươn lên. Mỗi lần bán lứa lợn, đàn gà, thu tiền bán keo, bố mẹ đều dành dụm, chắt bóp nuôi em ăn học. Bát cơm vơi đi một miếng thịt thì cô con gái nhỏ cũng có cơ hội học thêm được con chữ. Theo học tại trường THPT Yên Hòa (xã Yên Hòa) cách nhà gần 20 km, bố mẹ đã thuê phòng trọ gần trường cho Huệ để tạo điều kiện ăn học. Cảm nhận được những khó khăn của bố mẹ, Huệ luôn cố gắng học tập ở trường, về nhà học thêm 5 - 6 tiếng từ chiều tối đến đêm khuya, làm bài tập nâng cao để rèn luyện kỹ năng. Những ngày cuối tuần, em về giúp việc nhà để bố mẹ bớt khó khăn. Bố mẹ cũng thường xuyên động viên em yên tâm học hành, chắp cánh cho ước mơ trở thành cô giáo của con.
Cô Đinh Thị Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm của Huệ tại trường THPT Yên Hòa cho biết: "Huệ là học sinh chăm ngoan, hiền lành, khiêm tốn. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng rất có ý thức và nỗ lực trong học tập. Thành tích mỗi năm học của em đều đạt khá, giỏi, đạt giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý. Các thầy, cô giáo bộ môn cũng luôn tạo điều kiện, giải đáp những thắc mắc, giúp đỡ em trong học tập. Nỗ lực bền bỉ vượt khó học giỏi của Huệ đã trở thành tấm gương sáng cho học sinh trong trường”.
Ở xã nghèo Trung Thành cũng đã có nhiều em đỗ đại học, nhưng chưa từng có ai thi tốt nghiệp đạt điểm cao như vậy. Huệ đạt tổng số điểm 3 môn 29,75 điểm (có 2,75 điểm cộng), trong đó, môn Ngữ Văn 8,75 điểm, môn Lịch sử 9 và môn Địa lý 9,25 điểm. Thấy được sự nỗ lực của em trong quá trình học tập, người nhà, bạn bè và thầy, cô đều tin tưởng em sẽ đạt điểm cao, nhưng với tổng điểm 29,75 thực sự là bất ngờ, ngay cả đối với Huệ.
"Nhờ chăm chỉ học tập, rèn luyện qua nhiều dạng đề thi nên khi đi thi em không bị tâm lý căng thẳng, làm được những bài khó. Tự tin với môn Địa lý nhưng môn Văn đạt điểm cao khiến em bất ngờ” - Huệ chia sẻ. Với kết quả đạt được, Huệ chọn trường Đại học Hà Nội để theo học, viết tiếp những ước mơ.
Ghi nhận những nỗ lực vươn lên học giỏi và thành tích nổi bật của cô học trò nhỏ người dân tộc Tày, các cấp, ngành, Đảng ủy, chính quyền xã và trường THPT Yên Hòa đã đến chia sẻ niềm vui, trao tặng nhiều phần quà động viên em cố gắng, vượt qua những khó khăn trong những chặng đường sắp tới. Nỗ lực vươn lên học giỏi của cô học trò ở vùng quê nghèo là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, ý chí vượt qua số phận. Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm giúp đỡ Huệ, để con đường đến cổng trường đại học của em vơi bớt khó khăn.
Hoàng Anh
(HBĐT) - Không chỉ nhiệt tình, trách nhiệm trong mọi phong trào, hoạt động của Hội Phụ nữ tại địa phương, chị Bùi Thị Tường, sinh năm 1988, hội viên Chi hội Phụ nữ xóm Chầm, xã Thạch Yên (Cao Phong) còn được biết đến là một tấm gương trong phát triển kinh tế. Vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, gia đình chị có mức thu nhập ổn định từ 200 - 300 triệu đồng/năm.
(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất làng nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh xã Lâm Sơn (Lương Sơn), chàng thanh niên trẻ Nguyễn Bá Cường ở xóm Kẽm đã nung nấu ý tưởng khởi nghiệp với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo trên những khúc gỗ vô tri, vô giác. Từ đó quyết tâm giữ gìn và quảng bá, phát huy truyền thống làng nghề, đưa các sản phẩm gỗ lũa độc đáo đến tay khách hàng.
(HBĐT) - Ngày 28/9, anh Khuất Duy Hiếu, trú tại phố Bãi Nai, xã Mông Hoá (TP Hòa Bình) đi từ trung tâm thành phố về nhà, đến khu vực cầu Hoà Bình 3 thuộc phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) đánh rơi 1 chiếc ví da, trong đó có 11,3 triệu đồng và một số giấy tờ cá nhân.
(HBĐT) - Là một trong những cá nhân tiên phong thử sức với mô hình nuôi giun quế, đến nay, anh Bùi Văn Đáng, xóm Cỏ Giữa, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) đã có hơn 6 năm kinh nghiệm. Với niềm đam mê và mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, mô hình cho hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập ổn định.
(HBĐT) - Ông Đỗ Văn Chiến, xóm Bu Chằm, xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình) là người tiên phong đưa những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao về trồng tại địa phương; mạnh dạn đầu tư máy móc chế biến nông sản. Không chỉ vậy, ông còn truyền nhiệt huyết, khát vọng làm giàu cho bà con. Năm 2021, ông được vinh danh là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc do T.Ư Hội Nông dân (HND) Việt Nam bình chọn.
(HBĐT) - Nêu gương trong lối sống, nêu gương trong cách nghĩ, nêu gương trong cách làm, đó là cách mà trong suốt nhiều năm qua, ông Lê Văn Dĩnh, tổ dân phố số 2, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) đã học và làm theo Bác Hồ. Với vai trò là Bí thư chi bộ, người đứng đầu tổ dân phố, ông đã nêu cao ý thức, trách nhiệm tự giác trên cả 3 nội dung: Học Bác, làm theo Bác và nêu gương Bác.