(HBĐT) - Việc thành lập xưởng may gia công không chỉ đem lại cho gia đình chị Đinh Thị Phương Thao, thôn Tiên Lữ, xã An Bình (Lạc Thủy) nguồn thu nhập ổn định, mà còn góp phần giải quyết hiệu quả "bài toán” lao động tại địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ theo mô hình "ly nông bất ly hương”.
Chị Đinh Thị Phương Thao, chủ cơ sở may Cương Thao, xã An Bình (Lạc Thủy) kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Trước đây chị Thao đi làm công nhân ở công ty điện tử Samsung (Bắc Ninh). Mặc dù thu nhập ổn định từ 9 - 12 triệu đồng/tháng nhưng xa gia đình khiến chị luôn trăn trở, suy nghĩ phải tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế ở địa phương. Năm 2019, chị quen biết và nên duyên với anh Lê Ngọc Cương. Gia đình anh Cương ở làng nghề may mặc Tam Hiệp, Phúc Thọ (Hà Nội). Với nghề truyền thống gia đình và có người nhà bán hàng trong TP Hồ Chí Minh, cuối năm 2019, hai vợ chồng chị bàn nhau về quê mở 1 xưởng may gia công. Nhận thấy nghề may gia công phát triển, ngoài đem lại hiệu quả kinh tế còn tạo việc làm cho nhiều người, chị đăng thông tin tuyển nhân công. Được người nhà trong TP Hồ Chí Minh làm cầu nối, chị Thao ký được hợp đồng gia công quần áo với cơ sở Hương Giang. Lúc đầu khó khăn, chưa tuyển được lao động, anh Cương nhận cắt thuê gia công. Tháng 3/2020, xưởng may chính thức hoạt động với 6 lao động. Để mở rộng sản xuất, chị vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng nhà xưởng với diện tích 3.000 m2 và mua máy móc (máy cắt, máy vắt xổ, máy dập nút, bàn là hơi…) để thành lập xưởng may gia công Cương Thao. Xưởng may được chia làm 9 tổ thực hiện 3 công đoạn cắt, may và hoàn thiện đóng gói sản phẩm. Các tổ trưởng tự đào tạo lao động mới.
Hiện, xưởng may Cương Thao chuyên nhận gia công hàng pijama và mặt hàng chống nắng. Chị Thao cho biết, tất cả sản phẩm trước khi xuất đi đều được kiểm tra kỹ lưỡng, sản phẩm nào chưa đạt yêu cầu loại bỏ ngay, do đó xưởng tạo được niềm tin cho đối tác và có chỗ đứng trên thị trường may gia công. Trung bình mỗi tháng xưởng nhận gia công 20.000 sản phẩm, doanh thu đạt 700 - 800 triệu đồng, lợi nhuận đạt 50 - 70 triệu đồng. Xưởng tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động địa phương và các xã lân cận với mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Những lúc cao điểm như lễ, Tết, đơn hàng nhiều, cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho chị em bố trí thời gian làm việc đạt năng suất, hiệu quả cao nhất, đủ thời gian để được hưởng chế độ chuyên cần, thưởng tăng ca, năng suất.
Là người gắn bó với xưởng may từ những ngày đầu, nay là công nhân cứng, chị Đinh Thị Thoa, người xã Gia Tường, huyện Nho Quan (Ninh Bình) chia sẻ: Trước đây tôi đi làm thuê các nơi, làm công nhân trong các công ty trên địa bàn huyện phải đi từ sáng đến chiều tối nên gặp nhiều khó khăn trong chăm lo cho gia đình. Từ ngày có xưởng may cách nhà tôi chừng 4 km, tôi rất phấn khởi vì vừa có thu nhập, vừa chủ động được thời gian chăm sóc gia đình.
Không chỉ tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương và các xã lân cận, công nhân làm việc ở đây còn được hỗ trợ ăn trưa, xăng xe với mức 100 nghìn đồng/người/tháng và thực hiện đóng 3 loại bảo hiểm cho người lao động.
Chị Đinh Thị Phương Thao chia sẻ: Trong thời gian tới, tôi mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, không chỉ gia công hàng trong nước mà hướng tới gia công hàng xuất khẩu, tìm kiếm thêm nhiều mối hàng nhằm bảo đảm cho công nhân có việc làm thường xuyên. Đồng thời, tạo điều kiện để công nhân được hưởng đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động theo quy định của pháp luật. Đối với những lao động chưa có tay nghề, tôi sẵn sàng nhận đào tạo để tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương hơn nữa.
Đồng chí Quách Công Mười, Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: Chị Thao là một trong những tấm gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương, không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng mà còn giúp nhiều phụ nữ nông thôn có công việc với thu nhập ổn định; góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Đinh Thắng
(HBĐT) - Hưởng ứng phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do T.Ư Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN xã Tân Lập (Lạc Sơn) đã có nhiều việc làm, hoạt động thiết thực. Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương sáng, tiêu biểu như chị Bùi Thị Hằng, hội viên xóm Trại Sào.
(HBĐT) - Là bí thư kiêm trưởng xóm duy nhất của xã Thượng Cốc (Lạc Sơn), đồng chí Bùi Văn Hiệu (sinh năm 1981) đến nay đã có 5 năm làm trưởng xóm và 7 năm làm bí thư chi bộ. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, nỗ lực của đồng chí bí thư kiêm trưởng xóm năng nổ, nhiều năm liền chi bộ xóm Rậm Cọ được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xóm luôn dẫn đầu các phong trào thi đua của xã Thượng Cốc.
(HBĐT) - Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã ký quyết định khen thưởng đột xuất về thành tích xuất sắc cứu người bị đuối nước cho Đại úy Bùi Văn Tiều – Phó Trưởng Công an phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình. Ngoài ra, Hội đồng Thi đua, khen thưởng tỉnh Hòa Bình đã có kế hoạch nhân rộng điển hình tiên tiến cấp tỉnh đối với Đại úy Bùi Văn Tiều.
(HBĐT) - 18 năm công tác trong ngành Bảo hiểm, anh Lê Xuân Khải, Phó trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh luôn tâm huyết, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Với sự cố gắng, không ngừng vươn lên của bản thân, vừa qua, anh được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2020-2021.
(HBĐT) - Ở thị trấn huyện vùng cao Đà Bắc, nhiều học sinh và người dân trong vùng biết ông Hà Thế Chúc, Chủ tịch Hội Khuyến học (HKH) thị trấn Đà Bắc. Ông Chúc nguyên là cán bộ phục vụ trong quân đội, nghỉ hưu năm 1998. Về sinh hoạt tại địa phương, ông tích cực tham gia hoạt động của các đoàn thể, khu dân cư, trong đó có đóng góp quan trọng vào hoạt động khuyến học, khuyến tài (KH-KT).
(HBĐT)- Từ cây mọc hoang trên đồi không ai để ý, anh Nguyễn Ngọc Bắc ở thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), Giám đốc Công ty TNHH MTV Phương Bắc đã đưa cây về trồng ở vườn và biến thành hàng hóa. Sản phẩm được bán ở nhiều khu du lịch trong, ngoài tỉnh. Anh có dự định đưa sản phẩm xuất khẩu đi Nhật Bản.