(HBĐT) - Nuôi lươn cho giá trị kinh tế cao, chế biến nhiều món ăn đặc sản nhưng là giống khó nuôi ở miền Bắc. Nhờ sự kiên trì, mày mò học hỏi, anh Bùi Văn Công ở xóm Miền Liên Kết, xã Đoàn Kết (Yên Thủy) đã nuôi thành công. Anh làm giàu cho mình và chuyển giao kỹ thuật cho 19 hộ nuôi lươn ở địa phương và các tỉnh. Năm 2022, anh cùng các hộ nuôi đã xuất ra thị trường hơn 80 tấn lươn thương phẩm. Anh có dự định xây dựng xưởng chế biến lươn đông lạnh, súp lươn và miến lươn ăn liền. Lươn hứa hẹn là con làm giàu cho người nông dân.
Mô hình nuôi lươn của anh Bùi Văn Công (bên phải), xã Đoàn Kết (Yên Thủy) tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động.
Duyên nợ với lươn
Đưa chúng tôi đi thăm trại lươn, anh Bùi Văn Công kể về cuộc đời mình với bao thăng trầm mưu sinh. Anh cho biết: Tôi trải qua nhiều nghề kiếm sống, từ đi làm gỗ, buôn bán rồi chăn nuôi lợn, gà, bò… nhưng đều thất bại. Chăn nuôi gặp nhiều rủi ro bởi dịch bệnh, giá cám đầu vào tăng đột biến, giá lợn, gà, bò rẻ. Qua những lần đó để lại cho tôi kinh nghiệm và nợ. Niềm hy vọng cuối cùng là đồi bưởi, khi tôi trồng cây giá bán 35.000 đồng/quả, đến lúc vườn cho thu hoạch thì 10.000 đồng/3 quả mà không có người mua. Thất bại nối tiếp thất bại khiến tôi rơi vào cảnh nợ nần.
Tháng 3/2019, anh Công định vay tiếp tiền đầu tư nuôi bò nhưng lại thôi. Một lần xem trên mạng thấy mô hình nuôi lươn thành công, như ở Vĩnh Long, Hậu Giang, TP Hồ Chí Minh. Xem xong, anh quyết định "mục sở thị" lặn lội theo địa chỉ trên mạng vào thăm quan, học hỏi kinh nghiệm. Cách họ làm cũng đơn giản, quy trình khép kín, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Sau khi đi thăm quan, anh quyết định về xây dựng chuồng trại để nuôi. Qua mạng xã hội biết ở Thái Bình có bán giống, anh về tận nơi mua. Lần đầu chưa biết, anh xây dựng bể vuông và hình chữ nhật nên lươn nuôi bị chày vảy đầu dẫn đến bị nấm. Lứa đầu thất bại, anh sửa lại bể và xây thêm bể tròn.
Một trong những cái khó của người nuôi lươn ở miền Bắc là mùa đông. Thời tiết rét là khắc tinh của giống lươn. Chúng không chỉ ngủ đông không lớn mà phát sinh nhiều bệnh. Anh nghĩ giống lươn cũng như nhiều giống khác cần kín đáo, ấm áp là được. Thay vì để chuồng trại thông thốc gió lùa, mùa đông anh quây bạt làm tăng nhiệt độ trong chuồng. Anh còn nghiên cứu đưa ra "thực đơn” hợp lý về dinh dưỡng cho lươn vào mùa đông. Chúng có thể ăn vào ngày đông lạnh giá và phát triển tốt. Trải qua nhiều lần thất bại, anh đưa ra được quy trình chuẩn nuôi lươn vào mùa đông. Một trong những yếu tố để nuôi lươn thành công cần nguồn nước ổn định, có độ PH phù hợp để lươn sinh trưởng tốt.
Từ chăn nuôi đến bàn ăn
Nhìn vào đàn lươn, anh Bùi Văn Công chia sẻ: Tôi chăn nuôi nhiều con vật nhưng lươn mà nuôi thành công thì không một con nào lãi bằng. Một cái bể đầu tư khoảng hơn 2 triệu đồng, nuôi được hơn 3.000 con. Mỗi con giống khoảng 6.000 đồng, một bể lươn giống khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiều con nhưng lươn ăn rất ít. Ngày cho ăn 2 lần. Một vạn con ăn hết khoảng 3 kg thức ăn một bữa. Sau 1 năm, lươn được khoảng 3 lạng/con. Giá từ 100.000 đến trên 200.000 đồng/kg. Cái hay của con lươn là nếu năm nay giá rẻ hoặc chưa bán được thì nuôi tiếp. Lươn càng to càng có giá. Thức ăn chủ yếu là giun quế nên giá thành rẻ, người nuôi chủ động được. Như vậy, sau 1 năm nuôi, một bể lươn cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Từ thành công trong nuôi lươn, anh Công đã chuyển giao công nghệ cho 19 cơ sở trong và ngoài tỉnh. Ngoài cung cấp giống, anh còn đứng ra thu mua cho các hộ theo giá "cứng” 100.000 đồng/kg. Khi giá thị trường xuống thấp anh vẫn đảm bảo mua giá đó, giá lên cao anh thu mua theo giá thị trường. Do vậy, hợp tác với anh mọi người yên tâm sản xuất.
Tại trại của gia đình anh ngoài hơn 10 bể nuôi lươn thương phẩm thì từ năm ngoái, anh nhận chuyển giao công nghệ nuôi lươn đẻ. Mấy năm đầu anh Công phải bỏ tiền mua giống với giá cao. Vốn là người ham học hỏi, anh mạnh dạn khăn gói vào miền Nam nhận chuyển giao công nghệ nhân giống lươn với kinh phí gần 200 triệu đồng. Khi sản xuất được giống, lợi nhuận càng cao. Hiện, anh Công còn là "bà đỡ" mát tay cho 500 con lươn sinh sản. 20 ngày chúng đẻ 1 lần, mỗi lần 700 trứng. Trứng được gom lại khử khuẩn, đưa vào lò ấp. Mỗi lứa ấp số lượng con thu được khoảng 40 - 50%. Nuôi phôi khoảng 3 tháng, xuất bán với giá từ 5.000 - 6.000 đồng/con. Vị chi mỗi con lươn mẹ 1 năm cho ra đời khoảng 4.000 con lươn con, tương đương 23 triệu đồng. Mỗi năm anh cung cấp ra thị trường vài chục vạn con giống.
Về đầu ra cho lươn thương phẩm, anh Công chia sẻ: Hiện nay, lươn thương phẩm bán chủ yếu cho đầu mối ở tỉnh Nghệ An và Vĩnh Long. Tôi cũng học xong công nghệ làm lươn đông lạnh. Sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh.
Chia tay chúng tôi, anh mời: Đầu tháng 5 tới mời các anh về thăm quan và thưởng thức sản phẩm súp lươn, miến lươn đóng gói. Đây sẽ là hướng đi giúp sản phẩm không phụ thuộc vào thị trường tự do.
Kỳ vọng với mô hình nuôi lươn của anh Bùi Văn Công sẽ tạo việc làm và thu nhập cao cho nhiều người dân vùng đất Yên Thủy.
Việt Lâm
(HBĐT) - Bảo Hiệu là xã vùng 135 của huyện Yên Thủy. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, nhưng trên mảnh đất nghèo này có một người thanh niên dám nghĩ, dám làm, vượt lên hoàn cảnh để phát triển kinh tế gia đình.
(HBĐT) - Tháng 11/2020, bác sỹ Nguyễn Hoàng Diệu nhận quyết định bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh trong bối cảnh khá đặc biệt. Dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp, cùng với đó là những "ngổn ngang” tại bệnh viện như cơ sở vật chất xuống cấp; uy tín, hình ảnh bệnh viện bị ảnh hưởng từ sự cố y khoa năm 2017; một số bác sỹ có tay nghề chuyển công tác; tâm tư cán bộ, nhân viên y tế xáo trộn…
(HBĐT) - Không chỉ là tấm gương phụ nữ tiêu biểu vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, chị Đào Thị Tuyết, sinh năm 1980, hội viên chi hội phụ nữ thôn Đồng Nội, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) còn có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào Hội Phụ nữ tại địa phương. Hàng năm, chị Tuyết đều được chi hội phụ nữ bình bầu là cá nhân tiêu biểu xuất sắc; năm 2022 được Hội LHPN huyện khen thưởng.
(HBĐT) - "Năng nổ, nhiệt tình, hòa đồng với mọi người, hết lòng vì công việc, thể hiện tốt vai trò Chủ tịch Công đoàn cơ sở doanh nghiệp", đó là nhận xét của công nhân lao động về chị Đỗ Thị Huệ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Thanh Hà Hòa Bình (Lạc Thủy).
(HBĐT) - Nằm ở phía Tây của huyện Mai Châu, xã Mai Hịch có 7 xóm, 944 hộ với trên 4.000 nhân khẩu, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 85%. An ninh, trật tự (ANTT) trên địa bàn cơ bản ổn định, song nổi lên một số vấn đề phức tạp tác động đến nhiệm vụ đảm bảo ANTT. Tình trạng tranh chấp đất rừng, mâu mắc nội bộ, trộm cắp tài sản, tệ nạn ma túy... gây ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Học tập và làm theo lời Bác dạy bằng những việc làm cụ thể, Thượng úy Vì Văn Nam, Phó Trưởng Công an xã đã làm chuyển biến rõ nét an ninh cơ sở, được Nhân dân tin yêu, quý mến.
(HBĐT) - Giàng A La, Bí thư Chi đoàn xóm Pà Khôm, xã Hang Kia (Mai Châu) là tấm gương tiêu biểu phát triển kinh tế của xã.