Đã gần 80 tuổi nhưng nhà nghiên cứu văn hóa, NSưT Bùi Chí Thanh vẫn miệt mài tìm hiểu để cho ra đời những tác phẩm nghiên cứu giá trị về văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường Hòa Bình.

Đã gần 80 tuổi nhưng nhà nghiên cứu văn hóa, NSưT Bùi Chí Thanh vẫn miệt mài tìm hiểu để cho ra đời những tác phẩm nghiên cứu giá trị về văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường Hòa Bình.

(HBĐT) - “Con chào ông Cồng Chiêng...” - Câu chào bất ngờ và tươi tắn của chị bán hàng cam không hề quen biết khiến ông lâng lâng xúc động. Cái “nghệ danh” ngồ ngộ ấy với ông như một tấm huân chương tinh thần cao quý đến mức ông đinh ninh mình có phấn đấu cả đời và hơn thế nữa cũng chưa xứng đáng được phong tặng. ấy vậy mà nay ông được bà con dân tộc Mường nơi đây gọi theo cách rất đỗi tự nhiên và thân thuộc - cứ như thể đó là tên cúng cơm của ông vậy.

 

Món quà vô giá

 

Câu chào mau miệng của chị bán cam chợ Thái Bình (TPHB) khiến NSưT Bùi Chí Thanh lâng lâng xúc động. Giọng ông vẫn run run khi kể lại tình huống thú vị này.

 

“Hỏi chuyện mới biết, chị ở xã Dũng Phong, huyện Cao Phong. Chị bảo sở dĩ “nhớ mặt chỉ tên” tôi là vì nhiều người dân trong làng cũng gọi tôi như thế sau những lần tôi vào đấy công tác, tìm hiểu văn hóa cồng chiêng... Rồi chị còn khăng khăng dúi vào tay tôi bịch cam của nhà trồng được...”. Với nhà nghiên cứu văn hóa, NSưT Bùi Chí Thanh - người đã hơn 40 năm say mê nghiền ngẫm những lớp lang vĩnh cửu của văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường Hòa Bình, cái   “nghệ danh” ngồ ngộ mà bà con  dân tộc Mường nơi đây tự phong cho ông giống như một sự ghi nhận khách quan, vô giá mà ông chưa bao giờ nghĩ tới. Gần 60 năm làm công tác văn hóa nghệ thuật, trong đó hơn 40 năm tập trung nghiên cứu văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường Hòa Bình, bàn chân ông đã đi mòn khắp các bản làng Bi - Vang - Thàng - Động, bàn tay ông đã nâng niu không biết bao nhiêu cái chiêng cũ - mới - sứt - lành, đôi tai ông đã sành tiếng như một nghệ nhân cồng chiêng đích thực nhưng chưa bao giờ ông thấy đủ. Văn hóa cồng chiêng vẫn mênh mông và sâu thẳm như đại dương, khiến ông có ngụp lặn cả đời cũng chưa khám phá được hết những giá trị đẹp đẽ bên trong nó. Chính vì vậy, ông vừa xúc động, vừa hạnh phúc vô cùng khi được bà con trìu mến gọi mình cái tên “ông Cồng Chiêng”. ông bảo, đó là món quà vô giá bởi những gì mình làm được còn quá nhỏ nhoi so với những gì cồng chiêng vốn có.

 

Nhỏ nhoi, ấy là cá nhân ông nghĩ vậy. Còn đối với những người tâm huyết với nền văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà, thành quả lao động của nhà nghiên cứu văn hóa, NSưT Bùi Chí Thanh được ví như một kho tàng phong phú, chứa đựng nhiều giá trị thiêng liêng, trường tồn, đẹp đẽ của văn hóa Hòa Bình nói chung và văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường Hòa Bình nói riêng. Những tác phẩm nghiên cứu của ông “ăm ắp tư liệu cuộc sống” (chữ của Tiến sỹ Quách Văn ạch), thể hiện tinh tế và sâu sắc “cái trí, cái tâm và đôi cánh tâm hồn của con người văn hóa Bùi Chí Thanh” (chữ của nhà thơ Lò Cao Nhum). Đặc biệt, đối với bà con dân tộc Mường sinh sống ở những nơi ông từng đến để dày công nghiên cứu, họ dần dần đã coi ông như một người thân. Nhiều người trong số họ không hề biết ông là NSưT, càng không biết đến những giải thưởng cao quý mà ông đã từng được trao. Họ chỉ biết và yêu mến thật lòng ông già đáng kính có mái tóc bạc trắng, đến với họ bằng tấm lòng chân tình, rất trân trọng văn hóa và đời sống tinh thần của họ. ông già đó, trời mưa thì mặc áo mưa, trời nắng thì chụp lên đầu cái mũ, không quản đường xa, chân mỏi để đến các bản làng sâu nhất, xa nhất, tìm hiểu đến tận cùng những giá trị văn hóa còn đậm đà bản sắc dân tộc. Mới đây, khi đạo diễn màn trình tấu cồng chiêng hoành tráng nhất từ trước đến nay trong Lễ hội văn hóa cồng chiêng lần thứ nhất tỉnh Hòa Bình năm 2011, ông già đó còn tất bật đi ủng, lội bùn, cả ngày dầm mưa cùng với bà con trong quá trình diễn tập. Mấy ngày liền, trời se lạnh mà lưng áo ông rịn đẫm mồ hôi. Nhìn ông lúc đó, bất cứ ai cũng sẽ đồng ý rằng ông xứng đáng được tôn vinh và cái tên “ông Cồng Chiêng” như một món quà tri ân độc đáo mà bà con dân tộc Mường nơi đây trân trọng dành cho người xứng đáng được đón nhận.

 

 “Không có cái đích cuối cùng cho người làm văn hóa”

 

Gần năm năm trước, NSưT Bùi Chí Thanh từng chia sẻ với tôi một nung nấu khôn nguôi trong cuộc đời làm văn hóa nghệ thuật của mình: “Tôi muốn đưa lên sân khấu dàn cồng chiêng khổng lồ với hơn 1.000 chiếc để tôn vinh thần thái bất diệt của âm nhạc cồng chiêng, tái tạo xứng tầm một không gian văn hóa linh thiêng của đất Mường Hòa Bình...”.

 

Khi đó, ông đã hơn 74 tuổi. Gần năm năm trôi qua. Tưởng như cùng với thời gian, tâm huyết của người nghệ sỹ già sẽ bất thành vì tuổi cao sức yếu. Trong những dịp đại lễ tổ chức tại tỉnh nhà trước đó, như kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh năm 2006, Ngày hội Văn hóa Mường toàn quốc lần thứ nhất năm 2007..., NSưT Bùi Chí Thanh đều được tin tưởng mời đạo diễn các màn đồng diễn cồng chiêng với dàn chiêng đồ sộ lên tới 500 người và 500 chiếc chiêng. Nhưng ông vẫn khao khát làm được hơn thế. Như một cách vượt qua cái bóng của mình trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Quan trọng hơn, đó là cách ông thể hiện tâm huyết, tình yêu và niềm thành kính vô biên đối với di sản có một không hai của dân tộc Mường Hòa Bình. 

 

Những ngày giữa mùa thu năm 2011. Người dân địa phương và cả nước được chứng kiến sự xuất hiện trầm hùng của dàn cồng chiêng 1.400 chiếc với 1.400 phụ nữ Mường duyên dáng khoác trên mình bộ trang phục truyền thống dân tộc. Mỗi chiếc chiêng là một nốt nhạc, hòa ngân trong những giai điệu cồng đặc sắc và độc đáo tạo nên một màn trình tấu tuyệt vời. Một không gian âm nhạc mở ra một không gian văn hóa. Một thứ âm thanh đã được thần thánh hóa trong lịch sử, nay được tái tạo vẹn nguyên giữa đời thường như để nối cõi thực với cõi ngàn xưa. Màn trình tấu đó được xác lập kỷ lục Việt Nam về màn trình tấu cồng chiêng có số người và số cồng chiêng lớn nhất.

 

 

 

Màn trình tấu cồng chiêng đồ sộ trong Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Hòa Bình do NSưT Bùi Chí Thanh đạo diễn đã khẳng định sức vóc và thần thái đặc biệt của văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường Hòa Bình.

 

Trong vai trò đạo diễn, NSưT Bùi Chí Thanh mãn nguyện cười: “May mắn là tôi còn sức để làm được”. Gần 80 tuổi, vẻ mãn nguyện của người nghệ sỹ già phảng phất những sợi tiếc nuối mong manh. Điều nung nấu đã thành hiện thực. ông có thể tĩnh tâm an dưỡng tuổi già. Tôi đinh ninh là vậy. Nhưng hóa ra tôi nhầm. Thấy lòng nao nao khi ông nói: “Không có cái đích cuối cùng cho người làm văn hóa. Càng về già, tôi càng say nghiệp. Còn bao nhiêu ấp ủ chưa thành, vì thế mà chỉ mong có sức khỏe...”.

 

Nghiệp làm văn hóa nghệ thuật “dính” vào NSưT Bùi Chí Thanh từ cuối năm 1953, khi ông trở thành diễn viên Đoàn văn công tiền phương đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó, cuộc đời ông nối dài bằng những chuyến đi. Qua đồi, qua suối, qua bao bản làng miền Tây Bắc khoáng đạt và cuối cùng chọn chốn dừng chân là “cái nôi văn hóa Hòa Bình”. Đến nay, ông đã nghiên cứu, biên soạn 10 cuốn sách, viết kịch bản hàng trăm vở kịch, biên đạo múa, đạo diễn nhiều phần trình diễn quan trọng trong các lễ hội lớn của tỉnh... ấn phẩm gần đây nhất là cuốn “Văn hóa âm nhạc cồng chiêng Mường Hòa Bình” vừa được phát hành cuối tháng 12/2011. Và tiếp theo nữa - như ông chia sẻ - Trong vài năm tới sẽ lần lượt là những ấp ủ đầy tâm huyết về việc bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng - âm nhạc cồng chiêng Mường Hòa Bình.

 

 “Năm 10 tuổi, tôi đã mê tiếng chiêng, tiếng cồng của các mế, các chị người Mường đến mức cứ muốn đi theo mãi từ quả đồi này sang quả đồi khác để thứ âm thanh huyền diệu đó có thể tràn ngập tâm hồn và trí tưởng tượng. Đến tận bây giờ, với cồng chiêng, tôi vẫn yêu, vẫn ngấm và vẫn nung nấu nhiều ý niệm chưa thành...” - NSưT Bùi Chí Thanh tâm sự.

 

Như vậy là ông đã đi một chặng đường rất dài để đến với cồng chiêng. Và âm thanh thiêng liêng đó của dân tộc lại tiếp tục dìu dẫn ông đi, qua bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu khát vọng tìm tòi... Để rồi khi ông đã bước qua tuổi “cổ lai hy”, đôi chân vẫn chưa mỏi, nhiệt huyết vẫn chưa mòn. Đến khi nào còn sức, người nghệ sỹ già ấy vẫn còn đi.

 

 

 

                                                                                    Thu Trang

 

 

 

Các tin khác

Anh Cần đang miệt mài chế tạo máy thái sắn để kịp giao cho  khách hàng đúng hẹn.
Thượng úy Nguyễn Tiến Biên và thiếu úy Bùi Đức Chiến đã trả lại hơn 13 triệu đồng cho người bị mất.
Với sự giúp đỡ của Cường, Hoàng đã vươn lên hòa nhập cộng đồng.  Ảnh: Cô giáo chủ nhiệm luôn dành sự quan tâm cho Hoàng và Cường.
Không có hình ảnh

Người phụ nữ tốt bụng

(HBĐT) - Là một công nhân, chị về nghỉ theo chế độ với đồng lương ít ỏi lại lo nuôi đứa con gái bị bệnh suy thận nặng và một cháu gái ngoại lên 6 tuổi. Chồng chị công tác bận lại ở xa, đứa con trai lớn trong lực lượng an ninh luôn đi công tác đột xuất. Gia cảnh nhà chị như vậy, chị mở hàng nước góp nhặt từng đồng thêm vào đồng lương “còm” của mình. Lúc rảnh rỗi, có mảnh đất họ chưa xây dựng, chị xin họ để đào đất, nhặt cỏ gieo trồng luống rau cải, dãy rau ngót thêm vào bữa ăn đạm bạc hàng ngày.

Anh Vùng làm giàu nhờ nuôi dê

(HBĐT) - Đến huyện Lạc Thuỷ, chúng tôi đã gặp anh Trịnh Ngọc Vùng - một trong những hộ làm kinh tế giỏi tại thôn Đồng Mới, xã Đồng Tâm.

Nữ Bí thư chi bộ gương mẫu làm theo tấm gương Bác Hồ

(HBĐT) - Năm nay, bà Lường Thị Quý, tiểu khu Liên Phương, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) đã được 30 năm tuổi Đảng. Bà luôn tận tụy hết lòng với Đảng, với nhiệm vụ được giao và rèn luyện phẩm chất đạo đức của mình với nếp sống giản dị, khiêm tốn, trung thực, được nhân dân tin tưởng. Với những nỗ lực cố gắng trong công tác và thành tích đã đạt được, bà được Tỉnh uỷ tặng bằng khen 3 năm thực hiện CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Ông Khánh làm giàu nhờ nuôi hươu

(HBĐT) - Về xóm Lộc Môn, xã Trung Sơn (Lương Sơn) hỏi đến nhà ông Nguyễn Ngọc Khánh ai cũng biết và khen gợi về nghị lực, ý chí vươn lên làm giàu trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Chuyện về một Bí thư Đảng ủy xã hiến đất xây trường

(HBĐT) - Với suy nghĩ để bọn trẻ trong xóm có chỗ học, chỗ vui chơi, ông Bùi Văn Hựng, xóm Đừng, xã Gia Mô (Tân Lạc) nguyên Bí thư Đảng ủy xã Gia Mô đã tự nguyện hiến gần hơn 760 m2 đất vườn cho xóm để xây dựng chi trường mầm non.

Bùi Văn Tám - chàng thanh niên làm kinh tế giỏi

(HBĐT) - Có dịp đến thăm mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của Bùi Văn Tám ở xóm Khoang, xã Sơn Thủy (Kim Bôi), chúng tôi ngỡ ngàng khi biết năm nay mới gần 30 tuổi, đã làm chủ một trang trại rộng trên 2,5 ha với thu nhập bình quân hàng năm xấp xỉ 400 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục