Trưởng bản, đảng viên Giàng A Páo bên chi trường mầm non Pà Khôm.
(HBĐT) - Nhân dịp Tết cổ truyền của người Mông, chúng tôi cùng anh Khà A Đàng, cán bộ Văn phòng UBND xã Hang Kia (Mai Châu) đến bản Pà Khôm vui hội. Cách trụ sở UBND xã chừng hơn 3 km đường đất nhưng Pà Khôm ngày Tết đông vui, rộn ràng. Trưởng bản Giàng A Páo tất bật chuẩn bị âm li, loa đài cho buổi giao lưu văn nghệ đón xuân. Ông Páo vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về phong tục đón Tết của người Mông, những đổi thay nơi bản nhỏ. Ông cho biết: Tết năm nay bản có niềm vui lớn nhất là xây được chi trường mầm non khang trang, sạch đẹp.
Nói rồi, ông dẫn chúng tôi đến ngôi trường được xây kiên cố nằm ngay giữa bản. Đó là dãy nhà gồm 5 phòng, lát gạch sáng bóng còn tươi màu sơn. Phía trước là khuôn viên với khá nhiều đồ chơi như bập bênh, cầu trượt... Thấy chúng tôi tấm tắc khen, Khà A Đàng bật mí ngay rằng, ngôi trường này được xây dựng trên chính nền đất gia đình đảng viên, Trưởng bản Páo. Có gì to tát đâu. Vì con em trong bản mình cả! ông Páo cười đáp lại chúng tôi.
Ông Páo Kể: Nghe cán bộ xã nói, bản Pà Khôm được Nhà nước đầu tư tiền xây lớp học mầm non. Tiền về rồi mà không có chỗ đất hợp lý để xây. Cán bộ xã tìm mãi nhưng vẫn chưa ưng vì chỗ thì ở xa quá, chỗ lại dốc quá. Tôi mới hỏi cần đất như thế nào? Cái khu đất giữa bản rộng chừng 400 m2 tôi đang định xây nhà cho thằng Lứ có được không, đủ rộng không? Làm nhà cho con trai quan trọng thật nhưng có thể làm ở chỗ nương ngô cuối bản. Làm lớp học cho con cháu trong bản mình được đi học thuận tiện tốt hơn. Anh cán bộ xã mừng lắm! Vậy là xong. Sau buổi trò chuyện đó không lâu, công trình xây dựng chi trường mầm non Pà Khôm đã được khởi công và khánh thành đúng vào dịp năm học mới tháng 9/2012. Hôm khánh thành, cả bản đến dự, vui như hội.
“Đóng góp của trưởng bản Páo không chỉ được dân trong bản mà cả xã khen ngợi. ông mua khu đất đó từ năm 2000 và đã bỏ ra hơn 20 triệu đồng mua xi măng, đá, cát, thuê thợ tôn tạo nền, chuẩn bị làm nhà con trai ra ở riêng. Bản Pà Khôm có 49 hộ, 40 cháu đang học mẫu giáo. Khi chưa có trường, các cháu phải học ghép với chi trường tiểu học. Tất cả các lứa tuổi cùng vào một lớp, chật lắm. Nhà nước cho tiền xây lớp học nhưng ở xã vùng cao như Hang Kia nhiều đất nhưng là đồi núi cao, đất bằng phẳng và ở trung tâm bản rất ít. ông Páo đã tự nguyện hiến đất mà không đòi hỏi tiền đền bù. ông đã vinh dự được nhận giấy khen tại hội nghị biểu dương những cá nhân tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh toàn huyện Mai Châu” - Anh Khà A Đàng phấn khởi giới thiệu với chúng tôi.
Thấy chúng tôi đến xem chi trường, một chị trong bản bế con đến góp chuyện: Phấn khởi nhất có lẽ là cánh chị em bởi trước đây khi phải học ghép với chi trường tiểu học, một số chị không muốn cho con đến lớp mà thức con dậy từ lúc ông mặt trời chưa mọc và địu con lên nương đến lúc mặt trời lặn mới về. Cùng bố, mẹ ăn qua quýt trên nương cho qua bữa rồi bọn trẻ chân đất, đầu trần nghịch đất, đá cho qua ngày. Khỏi phải nói hết sự vất vả. Từ khi có chi trường hoàn toàn khác, đúng như một giấc mơ. Các chị sáng chỉ cần đưa con đến lớp. Trưa, cô giáo nấu cơm cho ăn bán trú. Chiều, trên đường đi làm nương về đón con. Thấy các cháu sạch sẽ, gọn gàng, ngoan ngoãn, được chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ lại được làm quen với cái chữ thì vui lắm. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn ông Páo lắm! Hôm khai giảng năm học mới, ông Páo còn phát biểu rằng: Cái đất rất quý, nó cho bắp ngô, hạt lúa, cho cái đất dựng nhà. Nhưng cái chữ cho con cháu người Mông bản Pà Khôm còn quý hơn. Tất cả vì tương lai của bọn trẻ.
“Chúng tôi luôn nói với dân bản rằng, Đảng, Nhà nước đã cho dân mình tiền để xây dựng trường học và nhiều công trình khác. Đồng bào cũng nên cùng đóng góp để có thêm trường lớp đẹp; đường sá, công trình cấp nước tốt cho cuộc sống, bản làng ngày càng ấm no, phát triển. Có những con người như ông Páo mà một xã khó khăn như Hang Kia cũng đã cùng với toàn huyện, toàn tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Theo gương đảng viên Páo, một số gia đình người Mông cũng đã tự nguyện hiến đất mở rộng trường học, đóng góp xây dựng đường bê tông” - Bí thư Đảng uỷ xã Khà A Lau chia sẻ.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Hỏi cả thị trấn Đà Bắc hầu như ai cũng biết Trung “nhím” hay Trung “rắn”. Đó là những biệt danh mà người dân ở đây đặt và gọi anh dân quân Dương Quốc Trung ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc).
(HBĐT) - Một trong những tập thể và cá nhân điển hình về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phường Tân Thịnh và T.P Hòa Bình biểu dương có tên kỹ sư Nguyễn Thị Tâm, chủ doanh nghiệp Phương Huyền có trụ sở tại tổ 18 (phường Tân Thịnh) đã hiến đất để xây dựng Nhà văn hóa cho tổ dân phố.
(HBĐT) - “Mình 15 tuổi mới được đi học lớp 1 (năm 19984) nên khi có con cái, càng thấy rằng: đời mình đã vậy, đời các con phải được học chữ đến nơi, đến chốn. Không thì khổ lắm. Hiện nay, mình làm cán bộ xã rồi cũng cần phải quan tâm, động viên và góp sức vào sự nghiệp giáo dục xã...”. Đó là lời tâm tình của anh Sùng A Sía, xóm Pà Háng Lớn, xã Pà Cò (Mai Châu).
(HBĐT) - Sau hơn 6 năm trong quân đội, CCB Nguyễn Văn Viện (sinh năm 1962) ở xóm Suối Tép, xã Đồng Tâm (Lạc Thuỷ) trở về quê hương rồi lập gia đình. Lúc đầu lập nghiệp, 2 vợ chồng chỉ có 2 bàn tay trắng. Quyết tâm vượt nghèo khó, ông cùng vợ chăm lo làm kinh tế từ diện tích đất ông cha để lại.
(HBĐT) - Tại buổi giao lưu điển hình “Phụ nữ Thừa Thiên Huế tự tin – tự trọng – trung hậu – đảm đang” do Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 17/10/2012, tôi đã gặp chị Bùi Thị Xím, giáo viên khiếm thị đang giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục – Hướng nghiệp trẻ em mù tỉnh Thừa Thiên Huế. Ấn tượng trong tôi lần đầu gặp chị là khuôn mặt xinh tươi trong tà áo dài với đôi kính đen. Trong buổi giao lưu trò chuyện, chị đã kể về hoàn cảnh và sự nỗ lực vươn lên của chị mà không ai không xúc động, nghẹn ngào...
(HBĐT) - Đó là danh hiệu mà UBND huyện Kỳ Sơn tặng cho ông Đinh Ý Quỳnh, xóm Bẵn, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) về những đóng góp của ông cho sự phát triển KT-XH địa phương trong giai đoạn 2007- 2012 .