Hộ dân ở xóm Biệng, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng rau cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Xã có tuyến đường tỉnh 440 đi qua và đường huyện có điểm đầu nối từ đường tỉnh 440 đến huyện Lạc Sơn. Đây là lợi thế lớn cho việc giao thương hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của người dân trong xã với các xã lân cận, cũng như các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển ở trong và ngoài tỉnh. Hiện, xã Quyết Chiến có 366 hộ với 1.730 nhân khẩu sinh sống ở 5 xóm, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Thời gian qua, xã Quyết Chiến chú trọng triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế. Anh Bùi Văn Hoàng, xóm Biệng chia sẻ: Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa một vụ sang trồng su su lấy ngọn. Thời gian gần đây, gia đình tôi đã chuyển đổi 2.500 m2 đất trồng su su sang trồng củ cải trắng Hàn Quốc. Loại cây trồng mới này đem lại kết quả bước đầu khá lạc quan, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, từ đó có nguồn thu nhập ổn định.
Không chỉ gia đình anh Hoàng mà nhiều hộ ở xã Quyết Chiến đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau cung cấp cho thị trường Hà Nội và các thành phố lớn. Cũng từ trồng rau, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo vươn lên làm giàu. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 18,3%. Hộ đạt gia đình văn hóa có 322/366 hộ, chiếm 87,16%. Xã có 5/5 xóm được công nhận làng văn hóa.
Đồng chí Đinh Công Khoa, Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến cho biết: Trên địa bàn xã đang triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Chương trình được triển khai bao trùm trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, có tác động rất lớn thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau hơn 2 năm thực hiện, chương trình đã tạo được niềm tin, sự ủng hộ trong đồng bào dân tộc thiểu số, sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể. Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã từng bước khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là góp phần đắc lực nâng cao đời sống của người dân; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cũng nhờ đó được giữ vững và ổn định.
Việt Lâm