Cán bộ và nhân dân xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình tìm hiểu kiến thức pháp luật thông qua tủ sách pháp luật được trang bị tại địa phương.
Đà Bắc là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế về nhận thức và hiểu biết pháp luật. Chính vì vậy, trong những năm vừa qua, Đà Bắc vẫn ghi nhận tình trạng tảo hôn, sinh con ngoài ý muốn, bạo lực gia đình... gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Trước tình hình đó, từ năm 2021, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp với Phòng Tư pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan, đơn vị đã phối hợp tổ chức tuyên truyền đến người dân các chính sách dân tộc, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai…; triển khai xây dựng tủ sách pháp luật, mô hình tự quản về an ninh, trật tự ở thôn, bản và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Đồng chí Đinh Thị Năm, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đà Bắc cho biết: Nhận thấy thiếu hiểu biết pháp luật về hôn nhân, gia đình là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái diễn nạn tảo hôn trên địa bàn một số xã vùng sâu, vùng xa. Do vậy, từ nguồn vốn tiểu dự án 2, dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã rà soát và xác định 7 địa bàn có tỷ lệ tảo hôn cao để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng với các lớp tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức, huyện đã thành lập các tổ xung kích tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Ngoài pháp luật về hôn nhân, gia đình, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân. Theo đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, qua hơn 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản pháp luật mới thông qua; các dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội; chú trọng thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo Tôn giáo.
Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với ngành Tư pháp đã tổ chức hàng chục hội nghị tập huấn, phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng với đó, tiếp tục duy trì, làm giàu tủ sách pháp luật tại các xã đặc biệt khó khăn. Tại đây, công chức Tư pháp - Hộ tịch tham mưu UBND cấp xã theo dõi, chỉ đạo việc rà soát sách, tài liệu có nội dung quy định pháp luật hết hiệu lực; luân chuyển, trao đổi sách, tài liệu pháp luật tại điểm bưu điện - văn hóa xã hoặc trung tâm học tập cộng đồng với tủ sách tự quản ở cộng đồng và thực hiện các giải pháp khác nâng cao hiệu quả khai thác sách, tài liệu pháp luật trên địa bàn.
Với những biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả của các cấp, ngành thời gian qua đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức pháp luật. Qua đó giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, an ninh nông thôn được giữ vững.
Đinh Hòa