(HBĐT) - Mặc dù vẫn còn một số vướng mắc về cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn, nhưng UBND huyện Cao Phong đã tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Qua đó góp phần ổn định cuộc sống người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo kế hoạch năm 2023, xã Thạch Yên phấn đấu thoát khỏi xã vùng đặc biệt khó khăn. Hiện xã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), còn 4 tiêu chí phải phấn đấu là: tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, nhà ở dân cư và cơ sở vật chất văn hóa. Theo đồng chí Bùi Đức Chung, Chủ tịch UBND xã Thạch Yên, qua rà soát, đánh giá các tiêu chí xây dựng NTM, xã đã kiến nghị UBND huyện lồng ghép các nguồn lực CTMTQG để hỗ trợ xã hoàn thiện các tiêu chí. Cụ thể, từ nguồn vốn CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đã giúp nhiều hộ được đầu tư nâng cấp nhà ở, góp phần thực hiện tiêu chí nhà ở dân cư.
CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 huyện được giao 28.847 triệu đồng, đã phân bổ 28.847 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch vốn; tính đến giữa tháng 8 đã giải ngân 12.236 triệu đồng, đạt 42,4% kế hoạch. Nguồn vốn năm 2023 được giao 41.166 triệu đồng, đã phân bổ 40.766 triệu đồng, còn 400 triệu đồng vốn đầu tư chưa phân bổ do 2 công trình thuộc dự án 6 chưa đủ điều kiện phân bổ.
Trong 2 năm 2022 - 2023, triển khai CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, UBND huyện Cao Phong đã chỉ đạo cơ quan thường trực chương trình và các đơn vị làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện. Thường xuyên giao ban nghe báo cáo tiến độ thực hiện và giải ngân hàng tháng để có giải pháp chỉ đạo kịp thời. UBND huyện cũng giao các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, phòng, ban phụ trách các xã có triển khai thực hiện chương trình trực tiếp đi cơ sở nắm tình hình, kịp thời báo cáo UBND huyện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền.
Đồng chí Lê Xuân Hà, Trưởng phòng Dân tộc huyện Cao Phong cho biết: Là cơ quan thường trực cấp huyện về CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, phòng đã chủ động tham mưu, cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn từ Trung ương, tỉnh để kịp thời triển khai thực hiện. Tổ chức tập huấn, quán triệt các văn bản để có cơ sở triển khai thực hiện.
Năm 2023, với tổng kinh phí phân bổ tương đối lớn, trong khi việc giải ngân từ nguồn ngân sách năm 2022 chuyển sang năm 2023 vẫn là một áp lực. Tuy nhiên, xác định đây là chương trình có ý nghĩa rất lớn, góp phần ổn định đời sống vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Cao Phong quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương trong huyện đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả chương trình.
Theo đồng chí Bùi Hoài Nhi, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, huyện tiếp tục bám sát hướng dẫn của Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành để triển khai kịp thời công tác đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn. Tập trung rà soát các thủ tục, đối với những thủ tục đầu tư có thể thực hiện song song, cho thực hiện đồng thời vừa làm thủ tục vừa thực hiện thi công các công trình để có khối lượng giải ngân, sớm đưa công trình phục vụ đời sống Nhân dân. Huyện cũng đưa ra tiến độ cụ thể; cam kết giải ngân; tập trung các giải pháp khắc phục những vướng mắc, khó khăn, nhất là các thủ tục, hồ sơ thực hiện dự án đầu tư phát triển; tập trung triển khai các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, xử lý khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chương trình tại các cấp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đã được giao.
Đinh Hòa