Được hưởng các chính sách hỗ trợ, nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông, xã Pà Cò (Mai Châu) có thu nhập ổn định từ trồng chè Shan tuyết.
Khi chính sách đi vào cuộc sống
Vốn là hộ nghèo nhưng từ khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, gia đình ông Hà Văn Cườm ở xóm Lọng, xã Vạn Mai từng bước vượt lên khó khăn. Ông Cườm chia sẻ: Trước đây hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn khi không có đất sản xuất, không có vốn đầu tư. Từ khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho vay hộ nghèo của huyện, gia đình tôi đã mua 1 cặp bò sinh sản. Từ đó kinh tế từng bước cải thiện, thoát nghèo.
Cũng như ông Cườm, nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn ở 2 xã vùng đồng bào dân tộc Mông ở Hang Kia, Pà Cò từ khi được thụ hưởng các chính sách đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi đã có nhiều cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Nổi bật như gia đình Sùng Y Múa ở xóm Hang Kia (xã Hang Kia) đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi và các chính sách phát triển du lịch của địa phương, xây dựng thành công mô hình homestay vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, vừa góp phần tạo việc làm cho một số lao động địa phương.
Đồng chí Hà Tuấn Hải, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mai Châu cho biết: Huyện có gần 90% dân số là ĐBDTTS Thái, Mường, Mông, Dao, Tày... Công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc luôn được xác định là nhiệm vụ ưu tiên, quan tâm triển khai. Để chăm lo, ổn định đời sống ĐBDTTS, huyện đã huy động các nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước để triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Cùng với đó, huyện ban hành, áp dụng các chính sách phù hợp điều kiện thực tế; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân phát huy nội lực; triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, nghị quyết, chính sách liên quan như hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ ĐBDTTS và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn...
Thực hiện CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, huyện đã phân bổ hàng chục tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp. Từ đó đầu tư xây dựng nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống ĐBDTTS như: hoàn thành giai đoạn I (2021 - 2023) khu tái định cư Táu Nà (xã Cun Pheo), khu tái định cư xóm Suối Nhúng (xã Sơn Thủy); hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho khoảng 1.000 hộ dân; xây dựng 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho khoảng 300 hộ tại 2 xã Thành Sơn, Sơn Thủy...
Chính sách hướng đến người dân
Toàn huyện Mai Châu có 10 xã vùng III, 7 xóm ở các xã vùng II thuộc diện đặc biệt khó khăn. Thời gian qua huyện đã triển khai đồng bộ, hiệu quả CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi. Thông qua các chính sách hỗ trợ sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, đời sống ĐBDTTS không ngừng được nâng lên, diện mạo nông thôn miền núi của huyện từng bước đổi thay.
Ngoài việc tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, từ nguồn vốn CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi, huyện đã hỗ trợ các hộ dân mua con giống, mở các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, cung cấp các loại giống lúa mới có chất lượng cao, hỗ trợ mô hình trồng cây dược liệu, trồng cây lanh, chăn nuôi lợn bản địa, gà đen... Cùng với đó, chú trọng triển khai các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn vùng ĐBDTTS và miền núi, tạo sự phát triển đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99,8% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 98,8% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 90% ĐBDTTS tham gia bảo hiểm y tế...
Theo đồng chí Hà Tuấn Hải, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mai Châu, các chương trình, chính sách hỗ trợ ĐBDTTS được huyện triển khai đa dạng, thiết thực, hướng đến người dân là đối tượng được thụ hưởng. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của ĐBDTTS được nâng lên rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 52 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS giảm từ 3 - 4%/năm (toàn huyện còn 17,14%). Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động là ĐBDTTS được quan tâm. Huyện đã mở nhiều lớp đào tạo nghề hướng dẫn du lịch, thêu thổ cẩm truyền thống, trồng nấm, chăn nuôi, sửa chữa máy nông nghiệp... Qua đó tạo điều kiện để người lao động có thêm việc làm, tăng nguồn thu nhập, góp phần phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS của huyện.
Mạnh Hùng