Đào tạo nghề cho hội viên nông dân (HVND) vùng nông thôn, nhất là HVND người dân tộc thiểu số (DTTS) được các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Những năm qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm Hỗ trợ nông dân - HND tỉnh đã phối hợp HND các huyện, thành phố khảo sát, rà soát nhu cầu học nghề của hội viên để hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, giúp hội viên cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.


Để tạo điều kiện phát triển kinh tế, nông dân xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi được Phòng Dân tộc huyện hỗ trợ mua máy nông nghiệp để sản xuất.

Gia đình HVND Trịnh Quang Bình, thôn Nam Bãi, xã Nam Thượng (Kim Bôi) được người dân trong vùng biết đến là tấm gương người DTTS tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi (SXKDG). Với vườn cây ăn quả có múi trên 2ha, kết hợp nuôi ong lấy mật, bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập 700 - 800 triệu đồng. Ông Bình chia sẻ: Trước đây, do thiếu kinh nghiệm sản xuất nên cây trồng dễ bị sâu bệnh, dẫn đến năng suất, chất lượng không đạt như mong muốn. Qua cầu nối là HND xã, HND huyện, tôi được tham gia lớp đào tạo nghề trồng trọt, nuôi ong và các lớp chuyển giao KHKT. Tại đó, tôi được cán bộ chuyên môn tư vấn chọn cây, con giống phù hợp để sản xuất. Trong quá trình xây dựng mô hình, tôi được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng NN&PTNT do HND nhận ủy thác để đầu tư mua giống, vật tư nông nghiệp.

Ông Trịnh Quang Bình là một trong hàng nghìn HVND được đào tạo, dạy nghề, tư vấn và định hướng để phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Hàng năm, Ban Thường vụ HND tỉnh chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân trực tiếp tham mưu công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trung tâm đã phối hợp với HND các huyện, thành phố điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của HVND và đăng ký số lớp, ngành nghề đào tạo; tuyên truyền, tư vấn nghề nhằm nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm cho hội viên. Trên cơ sở đó, các cấp hội phối hợp, liên kết với các đơn vị tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. Sau mỗi khóa học, Trung tâm kiểm tra kiến thức, kỹ năng của từng học viên, đánh giá chất lượng đào tạo; rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng các lớp đào tạo nghề tiếp theo. Đồng thời kết nối, giới thiệu một số lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ đầu năm đến nay, HND tỉnh chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân hoàn thiện hồ sơ 20 lớp đào tạo nghề năm 2023 cho 700 học viên là lao động nông thôn. Cùng với đó, xác định hoạt động dạy nghề giúp HVND tiếp thu được kiến thức mới, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, Trung tâm đã tiến hành khảo sát nhu cầu và triển khai 6 lớp tập huấn chuyển giao KHKT; khảo sát và lập dự toán 11 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn năm 2024 .


Nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, nông dân xã Thu Phong (Cao Phong) có thêm kiến thức, điều kiện phát triển chăn nuôi bò sinh sản.

Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết: Các lớp đào tạo nghề được mở tại địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho học viên, nhất là HVND vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh những ngành nghề: kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rau an toàn, trồng cây có múi, nuôi ong lấy mật… Trung tâm mở rộng nhóm ngành phi nông nghiệp để phù hợp với nhu cầu của HVND như: nghề cơ khí, may công nghiệp, mây tre đan…

Trong quá trình đào tạo, nội dung học lý thuyết và thực hành được kết hợp song hành. Đối với các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, học viên được hướng dẫn thực hành ngay tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình tiêu biểu. Từ tham gia các lớp đào tạo nghề, HVND từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, chuyển dần từ phương thức canh tác truyền thống sang áp dụng tiến bộ KHKT, kiến thức, kỹ năng, phương pháp mới; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền, đổi thửa để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho HVND phát huy hiệu quả thiết thực, tạo đà giúp nông dân phát triển SXKD. Năm 2023, toàn tỉnh có 70.789 hộ đăng ký SXKDG, trong đó 40.132 hộ đạt danh hiệu SXKDG các cấp. Nhiều hộ SXKDG có quy mô sản xuất lớn, thu nhập hàng năm từ vài trăm triệu đồng tới hàng tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động DTTS địa phương.


Thu Hằng


Các tin khác


Thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự trong cộng đồng. Những năm qua, việc chăm lo xây dựng và phát huy vai trò của NCUT trong ĐBDTTS được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện.

Huyện Lạc Sơn: Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ học sinh vùng dân tộc thiểu số

Trên cơ sở các quyết định được UBND huyện phê duyệt, các ngành chức năng và các trường học trên địa bàn huyện Lạc Sơn đã phối hợp triển khai chính sách hỗ trợ dành cho học sinh mầm non, tiểu học và THCS kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng trong danh sách.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Lạc Thuỷ lần thứ IV, năm 2024

Ngày 13/6, huyện Lạc Thuỷ tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) lần thứ IV, năm 2024. 150 đại biểu đại diện cho hơn 25.000 đồng bào DTTS trên địa bàn huyện dự đại hội.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Lạc Sơn lần thứ IV – năm 2024

Trong 2 ngày 11 - 12/6, huyện Lạc Sơn tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) lần thứ IV – năm 2024. Các đồng chí: Bùi Tiến Lực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh... dự, chúc mừng đại hội.

Nghề thủ công mỹ nghệ giúp phụ nữ dân tộc thiểu số xã Phong Phú thoát nghèo

Cây cỏ tranh có ở khắp các vùng cao tỉnh Hoà Bình từ lâu. Cỏ tranh thường được đồng bào dân tộc Mường sử dụng để lợp nhà, làm thức ăn cho gia súc hoặc phơi khô để ủ ấm cho vật nuôi những ngày giá lạnh. Mấy năm trở lại đây, với đôi tay khéo léo, nhiều chị em người dân tộc thiểu số ở xã Phong Phú (Tân Lạc) đã biến loại cây này thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo để xuất khẩu. Từ đó, cải thiện sinh kế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Huyện Tân Lạc: Gỡ khó giải ngân vốn chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc

Trong nỗ lực thực hiện có hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), ngày 12/3/2024, UBND huyện Tân Lạc đã gửi Công văn số 304/UBND-VX về kết quả thực hiện nhiệm vụ chi đối với dự án, nội dung sử dụng nguồn vốn sự nghiệp năm 2022 - 2023 và danh mục công trình chuẩn bị đầu tư năm 2024 thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn huyện gửi Ban Dân tộc tỉnh tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Tại công văn trên, UBND huyện đề nghị điều chỉnh một số dự án không còn nhu cầu sang các nội dung khác theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục