Xác định phát triển KT-XH và thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên địa bàn là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng, giai đoạn 2019 - 2024, Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này và đạt những kết quả tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trên địa bàn từng bước được nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Từ các nguồn lực đầu tư hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi đã giúp nông dân xã Tây Phong (Cao Phong) yên tâm sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
Tính đến hết năm 2023, huyện Cao Phong có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Theo kế hoạch năm 2024, Thạch Yên là xã cuối cùng của huyện về đích NTM, phấn đấu thoát khỏi xã vùng đặc biệt khó khăn. Đồng chí Bùi Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Yên cho biết: Đến hết năm 2023, xã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng NTM, 4 tiêu chí đang tiếp tục thực hiện để hoàn thành là: thu nhập, nhà ở dân cư, cơ sở vật chất văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo. Xã tiếp tục huy động, lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, đảm bảo tiến độ, chất lượng, góp phần vào mục tiêu đưa Cao Phong trở thành huyện NTM theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS huyện Cao Phong lần thứ III, năm 2019, trong 5 năm qua, KT-XH của huyện không ngừng phát triển, các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Một trong những giải pháp để huyện thực hiện thành công nhiệm vụ này là phát huy hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình: 135, MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, MTQG xây dựng NTM... Các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS&MN được huyện vận dụng sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế địa phương. Những tiềm năng, thế mạnh của từng vùng được tận dụng khai thác tối đa để phát triển KT-XH; kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thật sự vững mạnh.
Với tổng kinh phí Trung ương cấp thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN 11.646 triệu đồng, huyện đã thực hiện sửa chữa, xây mới 94 công trình nước sinh hoạt tập trung, đường giao thông nông thôn, chợ dân sinh, nước sinh hoạt phân tán; thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản... Đặc biệt, từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện đã huy động được 386.340 triệu đồng để đầu tư thực hiện các công trình giao thông xã, xóm, các công trình thủy lợi, trường học... Qua đó góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ở các địa phương, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Cùng với đó, công tác bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa đồng bào DTTS được huyện chú trọng, người dân tích cực gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đến nay, huyện có 3 di tích xếp hạng quốc gia. Tại các thôn, xóm trong huyện, 100% có nhà sinh hoạt cộng đồng và đội văn hóa, văn nghệ, truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.
Ngoài ra, huyện Cao Phong chuyển đổi từ hỗ trợ trực tiếp cho người dân sang vừa đầu tư phát triển, vừa hỗ trợ trực tiếp nên đã có những chuyển biến tích cực. Địa bàn, đối tượng được hỗ trợ cũng có thay đổi, trong đó tập trung vào những xã về đích NTM, các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN nhằm tạo động lực cho người dân vươn lên phát triển kinh tế. Giai đoạn 2019 - 2023, nhờ thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ, vùng đồng bào DTTS trong huyện có nhiều thay đổi. KT-XH tiếp tục phát triển, một số lĩnh vực có sự bứt phá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 9,2%. Đến nay, huyện có 8/10 xã đạt chuẩn NTM; bình quân đạt 18,44 tiêu chí/xã; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 4,81%; thu nhập bình quân đầu người đạt 59 triệu đồng/năm (tăng 9,5 triệu đồng so với năm 2019). Bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi, đoàn kết các dân tộc được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Đồng chí Bùi Hoài Nhi, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Kết quả đạt được trong 5 năm qua là nhờ đồng bào các DTTS trong huyện tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh. Đội ngũ người có uy tín đã tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Huyện cũng nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH. Thời gian tới, huyện tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS theo đúng quy hoạch định hướng phát triển vùng của huyện và quan điểm Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Với quyết tâm đạt mục tiêu giảm nghèo và trở thành huyện NTM, Cao Phong phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng đồng bào DTTS bình quân 3% trở lên; thu nhập bình quân của người DTTS vùng nông thôn trên địa bàn huyện bằng 1/2 bình quân chung của cả nước...
Tuu Hằng
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình được giao tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 - 2024 là 2.168,096 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện năm 2022 - 2023 là 1.327,694 tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương).
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021- 2030 được cụ thể hóa bằng 10 dự án, trong đó dự án 1 tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2024, huyện Đà Bắc được phân bổ trên 297 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Đến nay huyện đã giải ngân trên 130 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ 2 tiểu dự án là: đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH huyện; triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022- 2025 của Chính phủ.
Theo Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Hòa Bình lần thứ IV, năm 2024: Đến hết ngày 28/6, 10 huyện, thành phố trong tỉnh đã hoàn thành tổ chức đại hội cấp huyện, bám sát hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc về thời gian tổ chức đại hội và chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong đó, Kim Bôi là huyện đầu tiên trong tỉnh tổ chức đại hội (ngày 16 - 17/5/2024).
Tỉnh Hòa Bình hiện có trên 1.270 người có uy tín (NCUT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Họ là già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn, bản, cán bộ nghỉ hưu, chức sắc tôn giáo, thầy mo, thầy cúng, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người sản xuất giỏi... "nói dân tin, bảo dân nghe”. Nhiều năm qua, NCUT luôn là lực lượng nòng cốt, "cầu nối” đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với ĐBDTTS.
Những năm qua, huyện Yên Thủy quan tâm huy động nhiều nguồn lực triển khai các chương trình, dự án, chính sách dân tộc nhằm cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.