Các thành viên tham gia dự án "Tăng cường quyền tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số" diễu hành tuyên truyền Luật Đất đai tại xã Chiềng Châu (Mai Châu).
Nhằm cải thiện việc tiếp cận thông tin liên quan đến quyền sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương, dự án "Tăng cường quyền tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số” (L4A) được Tổ chức Helvetas phối hợp Liên minh Đất đai LANDA/Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng nông thôn và HND tỉnh triển khai thực hiện tại 2 huyện Mai Châu, Đà Bắc. Chị Nguyễn Thị Lệ, xã Cao Sơn (Đà Bắc) cho biết: Tham gia vào dự án, chị cũng như các hội viên khác được tiếp thu các thông điệp về quyền tiếp cận đất đai, những tình huống phổ biến và kỹ năng hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở thông qua các chương trình tập huấn, truyền thông sân khấu hoá. Từ đó có thêm kiến thức để tham gia các tổ hoà giải ở cơ sở, giúp hội viên, nông dân, người dân địa phương hiểu đúng, đủ về pháp luật.
Ông Hoàng Hưng, Ban Kinh tế - xã hội, HND tỉnh, cán bộ đầu mối dự án tại Hòa Bình cho biết: Từ khi dự án được thực hiện tại 2 huyện, khả năng tiếp cận thông tin liên quan tới quyền đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện. Trong 3 năm (2020-2023) đã có hơn 36.000 người được nâng cao nhận thức về quyền đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai thông qua tổ hòa giải ở cơ sở. Hơn 630 hoà giải viên, trưởng xóm, người có uy tín, thành viên các đoàn thể địa phương được đào tạo, nâng cao nhận thức pháp luật về đất đai và kỹ năng hoà giải, tuyên truyền, đóng góp xây dựng chính sách đất đai.
Các cấp HND chú trọng tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật liên quan đến người dân, nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp... Để kiến thức pháp luật được truyền tải sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, HND tỉnh tổ chức tuyên truyền đa dạng với nhiều hình thức: sân khấu hóa, các cuộc thi, xây dựng mô hình điểm, sinh hoạt các câu lạc bộ... Ngoài ra, HND ở cơ sở tuyên truyền cho cán bộ, hội viên ký cam kết không vi phạm pháp luật; phát huy mạng xã hội trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Từ đầu năm đến nay, các cấp HND đã phối hợp tổ chức 225 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 15.756 lượt người tham gia; trợ giúp pháp lý cho trên 8.000 lượt hội viên. Toàn tỉnh có 55 câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật" với 989 thành viên. Các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, phòng chống tội phạm, chuyển giao KH-KT, kế hoạch hóa gia đình... Các thành viên trở thành những nhân tố tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành pháp luật và bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn được HND thực hiện thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở. Đến nay, toàn hội có 1.470 tổ hòa giải với trên 9.800 thành viên. 6 tháng đầu năm 2024, các cơ sở hội tích cực tham gia cùng MTTQ, các đoàn thể, chính quyền địa phương hòa giải thành công 139/170 vụ, đạt 81,8% vụ việc tham gia hòa giải. Các tổ hòa giải tham gia và hòa giải thành công 30/66 vụ tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình...
Đồng chí Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên luôn được các cấp hội quan tâm thực hiện. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của nông dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Số vụ việc cần hòa giải giảm 61 vụ so với cùng kỳ năm 2023, xây dựng đoàn kết khu dân cư, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
T.H