Công trình nhà bán trú và các công trình phụ trợ tại Trường TH&THCS Yên Hòa (Đà Bắc) là sự hỗ trợ thiết thực đối với giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Đây là chương trình an sinh xã hội được triển khai với sự phối hợp của 3 cơ quan: Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban MTTQ tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình nhằm chung tay hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Đại diện Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình cho biết, không chỉ hỗ trợ vùng khó huyện Đà Bắc, dịp khai giảng năm nay, Agribank chi nhánh tỉnh còn triển khai các chương trình tặng máy tính, xe đạp, học bổng, sách giáo khoa… tại cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng. Từ lâu, việc đồng hành hỗ trợ sự nghiệp GD&ĐT, nhất là trong dịp đầu năm học mới đã trở thành hoạt động truyền thống của Agribank nói chung và Agribank chi nhánh tỉnh Hoà Bình nói riêng.
Cùng chung tay hỗ trợ giáo dục vùng khó huyện Đà Bắc dịp này còn có nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, với những hoạt động thiết thực như tặng máy tính, học bổng, hỗ trợ tiền mặt… Những việc làm ý nghĩa và nhân văn được triển khai với mong muốn hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt, cùng đảm bảo quyền học tập cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Đến nay,Đà Bắc là huyện duy nhất trong tỉnh vẫn trong danh sách huyện nghèo của cả nước theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Nơi đây có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 89,72% dân số, đời sống người dân và các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên hạn chế về nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Đối với toàn tỉnh, ghi nhận những năm qua các địa phương đã ưu tiên huy động, lồng ghép nguồn lực đầu tư tháo gỡ khó khăn cho giáo dục vùng đồng bào DTTS&MN. Các chủ trương, chính sách đối với đồng bào vùng dân tộc được cụ thể hóa phù hợp tình hình thực tế và tổ chức triển khai kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển GD&ĐT. Điển hình như quan tâm thực hiện các chính sách cho người học và nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vùng DTTS&MN; rà soát, hoàn thiện việc sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục gắn với nâng cao chất lượng đối với giáo dục dân tộc vùng DTTS&MN; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; tiếp tục thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên ở trường chuyên biệt, vùng điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn...
Ngoài chính sách của Nhà nước có tính ổn định, địa phương còn tích cực lồng ghép các chương trình, đề án, dự án, nguồn lực để đầu tư, phát triển giáo dục vùng khó, ưu tiên hỗ trợ "vùng lõm” với đối tượng là các trường học, học sinh vùng DTTS&MN. Trong nỗ lực chung, tỉnh tổ chức thực hiện Dự án 5 "Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030. Với nguồn lực được hỗ trợ, tỉnh tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú; triển khai chương trình xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS… Mục tiêu đề ra đối với lĩnh vực GD&ĐT là đến năm 2025, tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi và học sinh trong độ tuổi tiểu học đến trường duy trì ổn định 100%, học trung học cơ sở đạt 98% trở lên; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 95% trở lên… Từ đó, góp phần tích cực nâng cao chất lượng GD&ĐT tại các vùng đồng bào DTTS&MN nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Khánh An