Đầu tư hoàn thiện hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại
Thứ hai, 13/6/2022 | 8:48:18 Sáng
(HBĐT) - Hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đang được đầu tư theo hướng hiện đại. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích và chợ truyền thống với nhiều dịch vụ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và trao đổi hàng hóa của người dân.
Người dân mua sắm tại siêu thị Tuấn Khánh, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn).
Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh: Với mục tiêu phát triển thương mại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, thời gian qua, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh các giải pháp, kế hoạch phát triển hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết hợp giữa thương mại truyền thống với thương mại điện tử, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn, khu vực. Đồng thời, thực hiện nhiều chính sách để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại như: Ưu tiên quỹ đất, ưu đãi về thuế, tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng…
Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 3 trung tâm thương mại (TTTM) hạng III tại TP Hòa Bình, gồm: TTTM AP Plaza và Vincom Plaza (phường Đồng Tiến), TTTM Phú Thành Phát (phường Tân Thịnh). 7 siêu thị, gồm 1 siêu thị hạng I, 3 siêu thị hạng II, 3 siêu thị hạng III. Các siêu thị, TTTM góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá cả thị trường, đặc biệt là các mặt thiết yếu phục vụ Nhân dân. Những năm gần đây, TTTM, siêu thị là lựa chọn của số đông người dân TP Hòa Bình. Các siêu thị, TTTM đa dạng hàng hóa, từ thực phẩm tươi sống tới đồ gia dụng. Hàng hóa được niêm yết giá, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Một số TTTM, siêu thị kết hợp dịch vụ giải trí, ăn uống đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Không chỉ tại TP Hòa Bình mà tại một số huyện như Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Đà Bắc, các siêu thị với nhiều dịch vụ tiện ích được người dân khu vực nông thôn ưu tiên lựa chọn. Cuối năm 2021, siêu thị Tuấn Khánh, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) khai trương. Từ khi khai trương đến nay, siêu thị Tuấn Khánh trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy cho bà con các xã: Thượng Cốc, Xuất Hóa, Nhân Nghĩa, Tân Lập… Tại siêu thị bày bán đa dạng sản phẩm hàng hóa từ thực phẩm, bánh kẹo, nước ngọt, quần áo, đồ gia dụng… Trong đó, siêu thị chú trọng bán hàng Việt Nam, sản phẩm OCOP của huyện Lạc Sơn và của tỉnh nhằm nâng cao ý thức người dân hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tất cả sản phẩm được bày bán có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giá bán được niêm yết trên từng sản phẩm nên bà con dễ dàng lựa chọn.
Song song với phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hệ thống chợ truyền thống cũng được quan tâm đầu tư, phát triển. Đến nay, tỉnh có 95 chợ, trong đó 1 chợ hạng 1, 10 chợ hạng 2 và 84 chợ hạng 3. Đa số chợ trên địa bàn tỉnh được xây dựng kiên cố, bán kiên cố, hàng hóa chủ yếu là nông sản do người dân địa phương sản xuất và hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Các chợ truyền thống được quy hoạch xây dựng gần tuyến đường bộ kết nối với xã, khu dân cư đông, thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa. Số lượng, quy mô chợ cơ bản đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Tại các chợ, lực lượng chức năng tích cực tuyên truyền, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn tình trạng buôn bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hạ tầng thương mại được đầu tư đã góp phần tạo nên kênh phân phối thông suốt theo hướng hiện đại, văn minh, chuyên nghiệp. Các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… được áp dụng tạo niềm tin đối với người dân. Hệ thống hạ tầng thương mại có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại với các TTTM, siêu thị, điểm mua sắm tự chọn, tạo nên chuỗi hệ thống bán lẻ, góp phần tạo diện mạo mới cho các đô thị, thúc đẩy quá trình luân chuyển hàng hóa.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, bên cạnh những kết quả đạt được, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi phân bố không đều, tập trung chủ yếu tại TP Hòa Bình và các thị trấn. Việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại còn hạn chế… Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ; khuyến khích các loại hình kinh doanh hiện đại như TTTM, chuỗi cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại tại nông thôn như hệ thống chợ, nhất là chợ trung tâm cụm xã vùng nông thôn. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về khuyến khích, thu hút đầu tư trong lĩnh lực thương mại, dịch vụ…
(HBĐT) - Để đảm bảo mục tiêu phát triển KT - XH, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chủ trương tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là về giao thông, thủy lợi, khu, cụm công nghiệp và đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án trong và ngoài ngân sách. Theo đó, sớm hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án được xem là khâu mấu chốt.
(HBĐT) - Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là các dự án đầu tư ngoài NSNN. Cấp ủy, chính quyền tỉnh thường xuyên làm việc, đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư (DN,NĐT) để nắm bắt thực trạng.
(HBĐT) - Những năm qua, cùng với sự phát triển KT-XH, vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai các dự án ngày càng nhiều với quy mô lớn. Công tác này đã được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của tổ chức, cá nhân khi bị thu hồi đất. Do đó, công tác GPMB luôn là "điểm nghẽn” lớn nhất, ảnh hưởng đến thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Ban Quản lý dự án xây dựng cơ bản (DAXDCB) huyện Lạc Thủy đang tích cực phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện đầu tư cho 28 dự án nhằm đảm bảo tiến độ thi công. Trong đó, tập trung vào 8 dự án trọng điểm từ nguồn ngân sách Nhà nước, góp phần nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng địa phương.
(HBĐT) - Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, huyện Lạc Sơn vẫn thu hút thêm 1 dự án mới đầu tư sản xuất, kinh doanh trong năm 2021. Một số nhà đầu tư lớn đang khảo sát và dự kiến đầu tư, như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Hồ Gươm, Tập đoàn TH True Milk, dự án nhà máy giày da Thiên Diệu tại xã Ân Nghĩa, dự án xử lý rác thải tại xã Yên Nghiệp… Đến nay, trên địa bàn huyện có 26 dự án được cấp phép đầu tư sản xuất, kinh doanh, gồm 2 dự án đầu tư nước ngoài, 24 dự án đầu tư trong nước.