Chiều 27/4, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững và Lễ công bố Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022.
Lễ công bố Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022.
Những năm gần đây, thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những rủi ro, bất ổn về kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics vốn được coi là "xương sống” của chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ.
Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics để vừa khắc phục được những vấn đề nảy sinh trong đợt dịch bệnh vừa qua, vừa có thể tận dụng được lợi thế hiện nay của cách mạng số và thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cuộc cách mạng này vừa đem lại những thách thức và cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển đổi phương pháp tổ chức sản xuất truyền thống. Đây cũng là dịp để tất cả doanh nghiệp cùng khám phá, nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước
Để góp phần định hướng về chuyển đổi số nhằm phát triển việc tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hoá trong nước và các ngành dịch vụ khác nhằm phát triển bền vững; Bộ Công thương tổ chức Hội thảo ‘‘Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững’’.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
Là một trong những ngành then chốt, được ví như "mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh "số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.
Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ là "Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics”. Là một trong những ngành then chốt, được ví như "mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh "số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.
Vừa qua, trước áp lực của dịch bệnh Covid-19 cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế số và thương mại điện tử, các doanh nghiệp logistics đã phần nào nhận thức được vấn đề đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm.
"Trong bối cảnh khôi phục và phát triển dịch vụ logistics sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hiện nay, một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tạo động lực để triển khai quyết liệt hơn nữa chuyển đổi số trong ngành" - ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, hội ngành hàng và doanh nghiệp cùng với các chuyên gia, viện nghiên cứu cũng dành nhiều thời gian trao đổi, rà soát, đánh giá và đưa ra những nhận định về tình hình chuyển đổi số ngành logistics hiện nay.
Từ hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp và những kinh nghiệm được rút ra, các đại biểu sẽ tích cực trao đổi, chia sẻ về công nghệ và tự động hoá trong logistics, gắn logistics với thương mại điện tử trong thời đại số. Từ đó, đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics thông qua định hướng về chuyển đổi số nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hoá. Đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng để Bộ Công thương cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.
TheoNhanDan