(HBĐT) - Với lợi thế cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hoá, kề cận và nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, tỉnh đứng đang đứng trước những cơ hội rất lớn để bứt phá, vươn lên mạnh mẽ.
Theo Quy hoạch vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hòa Bình là một trong các tỉnh cửa ngõ chuyển tiếp giữa vùng Thủ đô với vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong đó xác định: Hòa Bình đóng vai trò là vùng sinh thái, bảo vệ môi trường, đảm trách những chức năng về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng như cấp điện, cấp nước, điều tiết lũ, bảo vệ nguồn nước; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; phát triển các trung tâm du lịch - đô thị dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng (hồ Hòa Bình, Mai Châu, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Kim Bôi...). Đó là cơ hội trở thành nơi bố trí các trung tâm logistics và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, phân bố các cơ sở công nghiệp vệ tinh, tham gia vào chu trình sản xuất công nghiệp hiện đại tại các khu công nghiệp. Cơ hội để phát triển và cung cấp các dịch vụ, sản phẩm cho thị trường tiêu dùng vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cũng như dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chất lượng cao của các đô thị trong vùng kinh tế trọng điểm như đào tạo, y tế, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm... Đó là cơ hội thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như đô thị, du lịch, sinh thái, trở thành ngôi nhà thứ 2 của Thủ đô Hà Nội… Theo các chuyên gia, Hòa Bình có tiềm năng rất lớn về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với các đặc sản có tiếng.
Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế của tỉnh đạt mức trung bình của cả nước: Thu ngân sách 10.000 tỷ đồng, thu hút 1 tỷ USD vốn đầu tư; thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Tỉnh đã ban hành chương trình hành động, đề án, kế hoạch thực hiện NQĐH Đảng bộ tỉnh, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về quy hoạch, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông... để tập trung chỉ đạo thực hiện. Qua hơn 1 năm thực hiện NQĐH Đảng bộ tỉnh đã có những chuyển động tích cực, những nút thắt, cản trở sự phát triển đang từng bước được tháo gỡ. Nhiều dự án chiến lược quan trọng về hạ tầng được khởi động như: Đường liên kết vùng Kim Bôi nối với cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; đường thị trấn Xuân Mai đi thị trấn Lương Sơn; cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu (Sơn La); đường Quang Tiến - Thịnh Minh; dự án kết nối hạ tầng giao thông thuỷ lợi tỉnh Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia… tạo sức hút đối với các nhà đầu tư (NĐT). Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã làm việc với các NĐT tiềm năng chiến lược, nắm bắt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho các NĐT nghiên cứu, triển khai các dự án theo quy hoạch, đặc biệt đã xây dựng các chỉ thị tăng cường giải phóng mặt bằng, tiêu chí lựa chọn NĐT, cùng với công tác chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm gắn với trách nhiệm người đứng đầu và cơ chế kiểm tra đôn đốc. Sau Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII đã ghi nhận một làn sóng đầu tư vào các lĩnh vực đô thị, du lịch sinh thái là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Nhiều dự án trọng điểm trong và ngoài ngân sách đã được lên kế hoạch và dự kiến khởi công trong năm 2022.
Tuy nhiên, môi trường đầu tư của tỉnh vẫn chưa thực sự hấp dẫn, cải cách hành chính có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, giải phóng mặt bằng ở một số dự án còn chậm tiến độ... Dù có những thuận lợi cơ bản, song tỉnh đang đứng trước áp lực thu hút đầu tư khi các tỉnh trong khu vực cũng quyết liệt chỉ đạo, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các dự án, NĐT có tiềm lực.
Với mục tiêu không bỏ lỡ các cơ hội phát triển, tỉnh tập trung chỉ đạo cấp ủy các cấp, cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy vai trò người đứng đầu thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư… hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp chất lượng cao, đô thị, du lịch sinh thái. Đồng thời chỉ đạo sát sao, thu hồi các dự án chậm triển khai, chưa triển khai. Hòa Bình cũng có những chính sách tốt để thu hút các NĐT chiến lược nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút các NĐT đến nghiên cứu, đầu tư vào tỉnh. Trong công tác chỉ đạo lấy sản phẩm cụ thể để đánh giá năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu.
Định hướng đúng đắn, mục tiêu cụ thể, rõ ràng, cán bộ và Nhân dân, nhất là các cấp lãnh đạo đều mong muốn khát khao phát triển, có trách nhiệm trước sự đổi mới của quê hương, cùng đồng lòng, nỗ lực giải quyết những vướng mắc cản trở sự phát triển, nhất là trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá chiến lược để không bỏ qua những cơ hội phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Lê Chung