HBĐT) - Mỗi độ xuân về, khi hoa đào, hoa mơ nở rộ cũng là lúc người Dao Tiền xóm Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) tạm gác công việc hàng ngày để chuẩn bị vui Tết, đón xuân. Năm nay, người dân xóm Phủ đón Tết cổ truyền sớm và to hơn mọi năm, từ người già đến trẻ nhỏ đều chuẩn bị cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để đi chơi Tết.

 

Ông Bàn Văn Xuân, xóm Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) kiểm tra mẻ rượu hoẵng mới ủ để chuẩn bị đón Tết cổ truyền 2017.

 

Xem lại mẻ rượu hoẵng đang ủ, mùi thơm ngọt dịu của gạo nếp nương được ủ loại men tự nhiên do chính người dân trong xóm làm ra, ông Bàn Văn Xuân vui vẻ cho biết: Ngoài chuẩn bị lợn, gà, gạo nếp gói bánh ống, năm nay gia đình tôi ủ thêm 3 mẻ rượu hoẵng để ăn Tết cổ truyền. Với người Dao Tiền, rượu hoẵng  không thể thiếu trong những ngày Tết. Để làm ra món rượu hoẵng thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn. Sau khi thu hoạch xong vụ nếp nương, bà con sẽ chọn gạo để nấu ủ với men tự nhiên và được đậy bằng lá chuối rừng trong vòng 3 ngày, nước rượu chảy ra, tiếp tục ủ thêm 7 ngày nữa. Sau đó lọc lấy rượu trong để vào vại sành đậy kín và vùi than nóng khoảng 1 tiếng đến khi rượu sôi lăn tăn nhấc ra để nguội dùng dần. Để rượu ngon phải ủ từ đầu tháng 11 âm lịch khi thời tiết hơi se lạnh, vì nếu ủ trong thời tiết quá lạnh, rượu sẽ bị ngọt và không có hương thơm đặc trưng. 

 

Một năm người Dao Tiền tổ chức ăn 5 Tết là Tết Khai xuân vào tháng 1, Tết Thanh minh vào tháng 2, Tết Rằm tháng 5, Tết Rằm tháng 7 và cuối năm. Những ngày này, các hộ chỉ làm mâm cơm cúng tổ tiên, tùy vào từng Tết người dân sắp mâm cúng riêng. Thầy mo Triệu Văn Hội cho biết: Khác với người Dao Quần chẹt bắt đầu ăn Tết từ đầu tháng chạp và kéo dài cả tháng, người Dao Tiền đón Tết cổ truyền giống như người Kinh và nhiều dân tộc khác. Người Dao Tiền quan niệm, Tết là dịp để cả nhà nghỉ ngơi, sum họp sau cả năm lao động vất vả và cúng báo tổ tiên mọi thành quả lao động, chuyện vui, buồn xảy ra trong năm. Bởi vậy, ngay từ tháng 8 âm lịch, bà con bắt đầu nuôi lợn, gà và để dành những thúng thóc nếp ngon nhất cho ngày Tết. Đến 29 Tết các gia đình người Dao Tiền gác lại mọi công việc để quét dọn, trang hoàng nhà cửa cho sạch đẹp và vo gạo, chuẩn bị lá dong để gói bánh ống - loại bánh truyền thống của người Dao Tiền. Sang đến ngày 30 Tết tất cả mọi  công việc đã được hoàn tất, bánh ống cũng được vớt, lúc này các hộ chuẩn bị bữa cơm tất niên để cúng tổ tiên (lễ tạ ơn), trong mâm cơm không thể thiếu một con lợn (gà) luộc, một đĩa chuột khô, một đĩa xôi, bánh ống, một chai rượu, 1 bát nước, 4 bát cơm, 4 chén rượu, giấy mo, cái káo và hoa quả. Chủ nhà làm lễ cúng (nếu chủ nhà không biết cúng thì mời thầy mo đến cúng) để báo cáo thành quả lao động, học tập của cả một năm, cám ơn “thần trời, thần đất” đã ban mưa thuận, gió hòa để mùa màng tươi tốt, dân bản được mạnh khỏe, no ấm và xua đi những điều rủi ro, không may mắn trong năm cũ và cầu xin sức khỏe, may mắn cho mọi người, cầu xin mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, trâu, bò, lợn gà phát triển tốt trong năm mới.

 

Bà Bàn Thị Minh cho biết: Chuẩn bị đón giao thừa, các thành viên trong gia đình mặc những bộ quần áo mới nhất để đón chào năm mới với mong muốn mọi điều an lành, may mắn và khoẻ mạnh. Sau đó cả gia đình ngồi quây quần bên bếp lửa, đúng 24 giờ khi thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới đến, chủ nhà cầm ống nứa có 2 đầu hơ vào bếp lửa để cho nóng già cầm đập xuống tạo ra tiếng nổ to, tiếp đến là những thành viên khác trong gia đình lần lượt làm như vậy. Theo quan niệm của người Dao Tiền làm như vậy để xua đuổi cái xấu, cái ác, vận hạn của năm cũ và cũng là tạo ra âm thanh vui tai trong ngày đầu năm để đón chào năm mới nhiều may mắn, phúc lộc. Ngày mồng một Tết, người Dao Tiền thường mời một người trong bản, có thể là anh em, họ hàng đến xông đất, xông nhà. Người khách được mời phải là người hiền lành, đức tính tốt, cần cù trong lao động, sản xuất, hợp với tuổi của gia chủ và đặc biệt phải là nam giới. Sau khi vị khách mời vào nhà, gia chủ làm cơm thết đãi, cám ơn đã sang xông đất, xông nhà cho gia đình và chủ, khách cùng nâng chén rượu chúc nhau sang năm mới nhiều sức khỏe, gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu.

 

Tết đến, xuân sang cũng là dịp để mọi người được nghỉ ngơi, diện những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để cùng nhau đi chúc Tết anh em, họ hàng và quây quần bên mâm cơm ngày Tết, nâng chén rượu cùng những lời chúc tốt lành đầu năm. Người Dao Tiền ăn Tết đến hết ngày khổ (là ngày không đi làm), tùy theo năm mà ngày khổ rơi vào các ngày 5, 7, 8, 9, 10. Kết thúc Tết, các hộ lại sắp một mâm cơm để báo cáo với tổ tiên ngày Tết đã hết, mời tổ tiên cùng ăn với con cháu bữa cơm cuối để rồi trở về với cõi trời và phù hộ cho con cháu một năm mới nhiều sức khỏe, may mắn.

 

 

                                                                         Đỗ Hà

 

 

 

Các tin khác


Hiệu quả từ các hoạt động Dự án VIE071

Sau 3 năm triển khai (2021 - 2024), dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi (NCT) tại Việt Nam” (VIE071) đã hoàn thành mục tiêu thành lập 30 câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) trên địa bàn tỉnh. Mô hình sau khi đưa vào hoạt động đã, đang tăng cường sự tham gia của NCT trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe, tăng nhu nhập… trong cộng đồng xã hội. Từ đó nhanh chóng thích ứng với xu hướng già hóa dân số, đồng thời giúp NCT sống vui - khỏe - hạnh phúc.

Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục