(HBĐT) - “Anh đến Kỳ Sơn sớm xuân này/ Sương giăng quanh núi, mưa nhẹ bay / Dòng người nô nức đi trẩy hội / Nghe tiếng cồng chiêng vui ngất ngây”… Những câu thơ mở đầu bài thơ “Xuân hội Kỳ Sơn” của tác giả Phạm Mạnh Hùng như lời mời gọi đưa chúng tôi hoà vào dòng người về với hội xuân Kỳ Sơn.

 

Thiếu nữ Mường duyên dáng trong trang phục dân tộc thể hiện các tiết mục hát ru - dân ca Mường tại hội xuân.

 

Đã thành thông lệ, ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm, huyện Kỳ Sơn lại tưng bừng tổ chức hội xuân VH -TT toàn huyện. Anh Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng VH -TT huyện cho biết: Hội thường được tổ chức 2 ngày 1 đêm với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ truyền thống, trò chơi dân gian, thể thao, ẩm thực dân tộc. Những năm trước đây hội được tổ chức theo hình thức luân phiên giữa các xã, thị trấn, từ năm 2016, hội xuân được tổ chức tại nhà   văn hoá trung tâm huyện. Hội xuân thu hút đông đảo bà con nhân dân tham dự, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi trong những ngày đầu xuân.

 

Ngay từ sáng sớm, trẻ nhỏ đã tíu tít thúc giục ông bà, cha mẹ nhanh nhanh chuẩn bị để ra đám hội. Chị em phụ nữ sắm sửa váy áo, giúp nhau mặc những bộ trang phục truyền thống. Khắp mọi nẻo đường dẫn về điểm tổ chức hội, từng tốp người ríu rít, niềm vui hiện rõ trên từng ánh mắt, nụ cười. Không khí hội xuân thêm náo nhiệt bởi những tiếng cổ vũ, reo hò bỗng chốc lại ồ lên của đám đông trẩy hội. ấy là khi cuộc đấu tay đôi đẩy gậy vào hồi gay cấn, trận kéo co quyết liệt bất phân thắng bại, đội đi cà kheo hối hả về đích… và những tràng pháo tay vang lên giòn giã khi phần thi kết thúc. “Rộn rã đông vui hội kéo co / Dây nam, dây nữ vang giọng hò / Phú Minh cố lên cùng Hợp Thịnh / Sức xuân chiến thắng tiếng vọng xa / Bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo / Thi gói bánh ốc, bánh tréo kheo / Hội làng vui chơi, làng ca hát / Tình xuân chẳng quản vượt mấy đèo”. Lời thơ trong bài “Hội xuân Kỳ Sơn” đã khắc hoạ nên một góc hội xuân đầy sôi động.

 

Gặp ông Đinh Văn Phúc, một cao niên người dân tộc Mường ở xã Mông Hoá, ông hồ hởi: Nhiều năm rồi tôi đều tham dự hội xuân, mỗi năm hội được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi. Có năm là liên hoan nghệ thuật quần chúng, có năm thi hát ru, hát dân ca, trình tấu chiêng hay trình diễn trang phục dân tộc. Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian có kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, bện thừng trâu, ẩm thực dân tộc có gói bánh ốc, bánh chéo kheo… đời sống kinh tế ngày một phát triển, cuộc sống đủ đầy hơn trước, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao đi lên, bà con tham dự hội xuân cũng vui tươi, phấn khởi hơn.

 

Đến với hội xuân, mỗi người đều gác lại những lo toan thường nhật, quên đi những vất vả trong lao động để hoà mình với cuộc vui, thoả sức reo hò, cổ vũ hay đắm mình tận hưởng âm điệu ngọt ngào của câu hát ru, hát đối, những bản hoà tấu nhạc cụ dân tộc. Từ trẻ nhỏ đến người già, nam, nữ thanh niên đi dự hội xuân đều chung một tâm trạng háo hức. Chị Nguyễn Thị Loan, người dân tộc Mường ở xã Dân Hạ chia sẻ: Tôi có một cô con gái, năm nào hai mẹ con cũng cùng nhau đi dự hội xuân. Ngày mở hội, hai mẹ con  chọn mặc những bộ váy Mường đẹp nhất, mới nhất. Tham dự hội không chỉ vui mà còn có ý nghĩa thiết thực vì trong ngày hội diễn ra nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc, cuộc sống, sinh hoạt đời thường của người dân được tái hiện sinh động. Người xem, người chơi có dịp hiểu thêm những giá trị văn hoá truyền thống để cùng gìn giữ, phát huy, lưu truyền cho các thế hệ sau.

 

Những ngày mở hội, bà con trong bản, ngoài Mường từ 10 xã, thị trấn trong toàn huyện được gặp gỡ, giao lưu, tham gia các hoạt động vui chơi cộng đồng. Ngày hội đã mang lại không khí tươi vui, phấn chấn trong những ngày đầu xuân để mỗi người thêm hăng say trong lao động, sản xuất, công tác, học tập, bước vào một năm mới có nhiều thành công. Vì lẽ đó mà với nhiều người, hội xuân là món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi khi Tết đến, xuân về.

 

                                                        

                                                                       Thu Hà

 

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh

Đi hái "lộc" rừng mùa Tết

(HBĐT) - 20 ngày nữa là khắp các bản, làng trong tỉnh đón Tết cổ truyền, thời điểm này, những bó lá dong rừng đang được bà con ở xóm Cạn 1 và Cạn 2, xã Xuân Phong (Cao Phong) tập kết về “bảo quản” tại suối Cái. Một công việc thời vụ với bao niềm vui, cả những nỗi vất vả đã góp phần tạo nên một nét chấm phá thú vị trong bức tranh rộn ràng của ngày Tết.

Độc đáo Tết đồng bào Dao Tiền xóm Phủ

HBĐT) - Mỗi độ xuân về, khi hoa đào, hoa mơ nở rộ cũng là lúc người Dao Tiền xóm Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) tạm gác công việc hàng ngày để chuẩn bị vui Tết, đón xuân. Năm nay, người dân xóm Phủ đón Tết cổ truyền sớm và to hơn mọi năm, từ người già đến trẻ nhỏ đều chuẩn bị cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để đi chơi Tết.

Mừng tuổi ngày Tết - nét đẹp văn hóa truyền thống

(HBĐT) - Mừng tuổi ngày Tết hay còn gọi lì xì từ lâu đã trở thành nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người phương Đông nói chung và của các miền quê của đất nước Việt Nam nói riêng mỗi khi Tết đến, xuân về. Trong những ngày đầu năm, trẻ con được nhận tiền mừng tuổi với ước mong trẻ hay ăn, chóng lớn, ngoan ngoãn, học giỏi. Người già được con cháu lì xì để mừng thọ, chúc sức khỏe. Mọi người mừng tuổi nhau chúc cho 1 năm mới đủ đầy, an khang, thịnh vượng…

Lặng lẽ đêm về

(HBĐT) - Phố lên đèn cũng là lúc mỗi người sau một ngày làm việc mệt mỏi đều muốn trở về bên gia đình nhưng lại có những con người vẫn hàng ngày cần mẫn, âm thầm và lặng lẽ làm công việc làm sạch đô thị như một guồng quay không ngừng nghỉ. Nếu ví bụi bẩn, rác thải, cái khắc nghiệt của thời tiết như cát ở sa mạc thì họ - những công nhân vệ sinh môi trường đô thị chính là “hoa xương rồng trên cát”.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra việc đảm bảo ATTP Tết

(HBĐT) - Ngày 24/1 (tức 27 Tết), đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra đột xuất việc đảm bảo ATTP tại một số điểm chợ truyền thống và cơ sở cung ứng thực phẩm có sức tiêu thụ mạnh dịp Tết của thành phố Hoà Bình.

Kỳ Sơn xây dựng Quỹ vì người nghèo trên 262,7 triệu đồng

(HBĐT) - Năm 2016, huyện Kỳ Sơn tích cực vận động các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, cá nhân và các nhà hảo tâm trên địa bàn huyện ủng hộ xây dựng Quỹ Vì người nghèo được trên 262,7 triệu đồng. Trong đó, nguồn quỹ cấp huyện trên 130,4 triệu đồng, quỹ cấp xã trên 132,3 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục