(HBĐT) - Đã hoàn thành việc học tập ở trường nhưng hiện nay, nhiều sinh viên hệ cử tuyển vẫn thất nghiệp vì chưa được bố trí việc làm. Cung vượt quá cầu, để sắp xếp việc làm cho những sinh viên này thực sự trở thành bài toán khó..
Cử nhân đi phát tờ rơi, giao gas
Tháng 6/2014, cầm trên tay tấm bằng cử nhân loại khá ngành Quản lý đất đai, anh Bùi Văn Giang, xóm Bo, xã Gia Mô (Tân Lạc) vui mừng khôn xiết. Ngỡ rằng là sinh viên hệ cử tuyển, sau khi ra trường sẽ được bố trí việc làm, thế nhưng, sau nhiều lần nộp hồ sơ xét tuyển, Giang vẫn thất nghiệp. “Trước khi đi học, tôi kỳ vọng rất nhiều và cố gắng học tập để có thể hoàn thành tốt công việc sau khi ra trường. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm tốt nghiệp, tôi vẫn chưa được bố trí việc làm. Thời gian qua, tôi thực sự thấy mất niềm tin và lãng phí tiền bạc của bố mẹ, Nhà nước”, anh Giang trải lòng.
4 năm học đại học, khoảng thời gian mà những người bạn đồng trang lứa đã bắt đầu xây dựng cho mình hướng đi riêng. Còn Giang, ngoài tấm bằng đại học với biết bao sự kỳ vọng, anh chẳng có gì. Không thể trông đợi được nữa, anh Giang cất tấm bằng cử nhân và đi làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. “Tôi đi làm công nhân, lao động phổ thông, học sửa chữa máy tính, phụ xe. Hiện, tôi đang làm cộng tác viên cho Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Cao Phong). Nếu tiếp tục chờ đợi được bố trí việc làm thì mình sẽ thụt lùi hơn nữa so với các bạn”, anh Giang chia sẻ.
Anh Bùi Văn Lập, xóm Thung, xã Trung Hòa (Tân Lạc) tốt nghiệp đại học ngành Lâm sinh, hệ cử tuyển, trong thời gian chờ bố trí việc làm, anh đang đi giao gas ở Hà Nội.
Những ngày này, chỗ anh Giang làm cộng tác viên đang tích cực chuẩn bị cho một sự kiện văn hóa lớn. Hàng ngày, Giang cùng các nhân viên khác đi phát tờ rơi quảng cáo ở các huyện. “Rất mong được bố trí vào làm việc ở các cơ quan để đem kiến thức học được ở trường phục vụ xã hội và không lãng phí công sức của bản thân, gia đình, tiền của Nhà nước”, anh Giang bày tỏ.
Theo chia sẻ của anh Giang, không ít người bạn của anh cũng tốt nghiệp đại học hệ cử tuyển, do chưa được bố trí việc làm nên phải đi làm ăn xa nhà. Ví như trường hợp của anh Bùi Văn Lập, xã Trung Hòa (Tân Lạc) tốt nghiệp đại học, ngành lâm sinh, giờ đang đi giao gas ở Hà Nội. Anh Hà Văn Thức, xã Bắc Sơn (Tân Lạc) học kỹ thuật cầu đường, giờ phải đi làm ở tận Sơn La...
Học sư phạm, làm công chức xã...
Theo số liệu Sở Nội vụ cung cấp, từ năm 2005 – 2016, tổng số sinh viên cử tuyển của tỉnh có 407 người, trong đó, 203 sinh viên chưa tốt nghiệp; 204 sinh viên đã tốt nghiệp. Từ năm 2013 đến nay, có 137 người nộp hồ sơ xin được phân công công tác, 95 người đã được phân công, còn 44 người chưa được bố trí. Trong số các huyện, Mai Châu có số lượng người chưa được bố trí công tác nhiều nhất với 15 trường hợp. ở các huyện khác con số này là: Tân Lạc 4 người , Lạc Sơn 5 người, Yên Thủy 2 người, Lạc Thủy 6 người, Kim Bôi 3 người, Cao Phong 1 người, Đà Bắc 3 người và Lương Sơn 5 người.
Riêng với huyện Mai Châu, năm 2015, có 25 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học hệ cử tuyển nộp hồ sơ đề nghị xét tuyển vào vị trí việc làm. Trong đó, 20 người tốt nghiệp ngành sư phạm với trình độ cao đẳng; còn lại tốt nghiệp đại học với các ngành: kế toán, xây dựng cầu đường, kỹ thuật công trình xây dựng, quản lý công nghiệp và kỹ thuật điện. Đây hầu hết là những ngành mà cung đã vượt cầu hoặc địa phương không có nhu cầu tuyển dụng.
Đầu năm 2017, huyện Mai Châu đã bố trí được 3 trường hợp vào làm công chức cấp xã, trong đó 2 người tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. Cụ thể, anh Phàng A Lớ, sư phạm Toán – Kỹ thuật công nghiệp đến nhận và đảm nhiệm chức danh công chức Văn phòng – Thống kê xã Pà Cò; Sùng A Phương, sư phạm hóa – địa được bố trí làm công chức Văn phòng – thống kê của xã Thung Khe. Anh Vàng A Lau, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản lý công nghiệp đến nhận công tác và đảm nhiệm chức danh công chức Văn hóa – xã hội tại xã Hang Kia. Trước đó, năm 2016 cũng có trường hợp phải bố trí “trái nghề”…
Theo chia sẻ của đồng chí Khà Văn Thông, chuyên viên phòng Nội Vụ huyện Mai Châu, chưa nói đến chất lượng của sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển, việc bố trí trái ngành đã gây nhiều khó khăn cho các sinh viên. Đồng thời, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn ở các cơ quan tiếp nhận, đã có những phàn nàn từ cơ sở về chất lượng của những “công chức trái nghề” này.
Với những trường hợp còn lại, nếu tiếp tục bố trí trái ngành như hiện nay, ngoài dấu hỏi về mức độ đáp ứng yêu cầu chuyên môn thì vấn đề đặt ra là: Liệu có sự công bằng trong thi tuyển với các sinh viên chính quy “chất lượng cao” ?
Chọn cử tuyển hay chính quy “chất lượng cao”...
Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác Thanh niên của Sở Nội vụ cho biết: Nguyên nhân nhiều sinh viên hệ cử tuyển vẫn chưa bố trí việc làm là do chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển. Một số người mới nộp hồ sơ đề nghị tuyển dụng, còn đang trong thời gian phối hợp với các đơn vị để thực hiện. Về chất lượng đầu ra, nhiều sinh viên hệ cử tuyển không đáp ứng được nhu cầu công việc. Trong quá trình học tập ở trường, có những sinh viên phải thi lại nhiều lần, có 2 sinh viên học đến 9 năm mới ra được trường.
Trong 2 năm trở lại đây, việc cử tuyển đã có những sự thay đổi, đó là đăng ký theo nhu cầu của tỉnh. Theo đó, chỉ có ngành y, dược được cử tuyển và chắc chắn ra trường sẽ được bố trí việc làm. “Đối với những trường hợp chưa được bố trí, địa phương có con em cử đi phải thu hút về. Sắp tới, Lạc Sơn đã đồng ý tiếp nhận 3 người, Sở Y tế cũng tiếp nhận 3, còn các huyện khác phải thẩm định xong cơ cấu tuyển dụng mới có giải pháp”, đồng chí Nguyễn Văn Toàn cho biết thêm.
Ngoài sinh viên theo hệ cử tuyển, thực tế, những năm gần đây, ở các khu vực khó khăn, không ít gia đình đã cho con em mình thi tuyển vào học chính quy ở các trường cao đẳng, đại học. Hằng năm, chỉ tiêu tuyển dụng công chức, viên chức vào các cơ quan, đơn vị sự nghiệp đều dành một số suất ưu tiên cho đối tượng cử tuyển. Thế nhưng, với chủ trương tinh giản biên chế và lượng cung vượt quá cầu như hiện nay, thật khó để bố trí hết các trường hợp còn lại. Đó là chưa kể, nếu cứ bố trí trái ngành cho hệ cử tuyển, những sinh viên tốt nghiệp chính quy chuyên ngành vô tình sẽ mất đi cơ hội được tuyển dụng vào làm việc, gây thất thoát nguồn cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao.
Viết Đào
Chính sách cử tuyển vẫn cần thiết đối với các khu vực khó khăn Mặc dù hiện nay ở Mai Châu vẫn còn nhiều trường hợp sinh viên hệ cử tuyển ra trường chưa được bố trí việc làm. Tuy nhiên, đó là do trước đây, chính sách cử tuyển chưa phù hợp với nhu cầu thực tế nên gây khó khăn cho việc bố trí, sắp xếp công tác. Đối với các khu vực khó khăn, trình độ dân trí còn những hạn chế thì vẫn cần có chính sách cử tuyển để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển KT - XH. Thế nhưng, việc cử tuyển cần phải chọn lọc kỹ về đầu vào cũng như chất lượng đầu ra, không cử tuyển ồ ạt chỉ cử tuyển những ngành mà cơ sở đang có nhu cầu. Đối với những trường hợp chưa được bố trí việc làm, huyện rất khó khăn để phân công vị trí phù hợp vì chỉ tiêu biên chế ít, cùng với đó là những trường hợp thuộc các đề án khác về đào tạo nguồn nhân lực cũng cần phải bố trí công tác. Hà Thị Hân (Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Mai Châu) |
Cử tuyển dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương Trước đây, chính sách cử tuyển chưa phù hợp với nhu cầu thực tế nên dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, gây khó khăn cho việc sắp xếp việc làm cho các sinh viên khi ra trường. Với những sự thay đổi trong 2 năm trở lại đây, số lượng sinh viên cử tuyển đã giảm nhiều, ngành nghề cử tuyển chỉ còn 2 chuyên ngành y và dược. Đây là những ngành mà huyện còn thiếu nguồn nhân lực, do đó, việc sắp xếp việc làm cho các sinh viên học 2 ngành trên sau khi ra trường sẽ thuận lợi. Hiện nay, Cao Phong còn 1 trường hợp đã tốt nghiệp nhưng chưa được bố trí. Chúng tôi đã tìm được vị trí phù hợp với chuyên ngành mà sinh viên này đã theo học, sắp tới sẽ trình lên Sở Nội vụ để sắp xếp công tác. Đinh Văn Duẩn (Trưởng phòng Nội vụ huyện Cao Phong) |
Vẫn hy vọng và chờ đợi được bố trí việc làm Trước khi đi học, tôi cũng chưa tìm hiểu về ngành mình học xem nhu cầu thực tế ở địa phương như thế nào, vì suy nghĩ được cử đi học thì sẽ được sắp xếp việc làm sau khi ra trường. Tốt nghiệp, có tấm bằng trong tay, tôi làm hồ sơ, rồi viết đơn xét tuyển nhưng 4 năm rồi vẫn chưa được sắp xếp việc làm với nguyên nhân là ngành mà tôi học chưa có chỉ tiêu. Sau một thời gian ở nhà làm việc đồng áng, tôi quyết định lên Sơn La làm cho một công ty tư nhân. Trong thời gian đó, tôi hoàn thành tốt công việc của mình. Tuy nhiên, bản thân tôi vẫn muốn được về công tác tại địa phương để gần gia đình và phục vụ cho quê hương. Rất mong cơ quan chức năng quan tâm tạo điều kiện sớm bố trí công tác cho những sinh viên thuộc hệ cử tuyển như chúng tôi. Hà Văn Thiệu Xóm Hày Dưới, xã Bắc Sơn (Tân Lạc) |
(HBĐT) - Trong thời gian qua, chính quyền xã Tân Minh (Đà Bắc) đã triển khai nhiều giải pháp, tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo. Tuy nhiên, kết quả đạt được không cao. Năm 2015, hộ nghèo của xã 69% thì đến năm 2016, tỷ lệ này tăng lên 70,1%. Làm thế nào để giúp người dân thoát nghèo bền vững là trăn trở của chính quyền xã Tân Minh hiện nay.
(HBĐT) - Là xã vùng cao của huyện Mai Châu, tuy đã có nhiều nỗ lực trong hành trình xây dựng NTM nhưng đến nay, xã Tân Sơn mới đạt 6 tiêu chí. Bên cạnh các tiêu chí như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn… chưa thể hoàn thành do nguồn kinh phí phân bổ hạn chế thì các tiêu chí về môi trường, thu nhập đang là rào cản không nhỏ trong quá trình xây dựng NTM ở xã.
(HBĐT) - Theo giới thiệu của Phòng LĐ-TB&XH huyện Lương Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình ông Hoàng Quý Biên, thôn Cầu Sơn, xã Nhuận Trạch, một trong những hộ gia đình chính sách tiêu biểu của huyện. Thời kỳ quân ngũ, ông là lính trinh sát, chiến đấu chủ yếu bên nước bạn Lào, 2 lần bị thương đều trên chiến trường Lào.
(HBĐT) - Những ngày vừa qua, người dân xã Xuân Phong (Cao Phong) hoang mang với 3 vụ trộm cắp xảy ra trong 2 ngày trên địa bàn.
Trong khi nhiều bệnh nhân ung thư đang nằm chờ thuốc thì mới đây, một số bệnh viện TP. HCM đã phải tiêu hủy lượng lớn thuốc viện trợ.
(HBĐT) - Thực hiện phong trào đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm, từ năm 2012 đến nay, các cấp bộ Đoàn huyện Kỳ Sơn đã tăng cường tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm cho đoàn viên, thanh niên.