Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế đồng thuận cao với Báo cáo giám sát của Quốc hội về an toàn thực phẩm (ATTP) và cho biết Bộ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến và sẽ tìm giải pháp đột phá, sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện các ý kiến, kiến nghị của Báo cáo giám sát và của đại biểu Quốc hội.
Đưa ra các giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, việc phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, việc thực thi các văn bản pháp luật, nhân lực và tài chính kết hợp với tái cấu trúc của nền kinh tế gắn với ATTP.
Bộ trưởng cho biết văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta khá đồng bộ, đầy đủ nhưng vấn đề cơ bản là khâu thực thi, kiểm tra và xử phạt vi phạm. Sau nhiều hội nghị trực tuyến, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP do Phó Thủ tướng chủ trì, phối hợp với các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Công an, TT&TT, KH&CN, TN&MT với chính quyền các địa phương và sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thì vai trò của người đứng đầu các cấp được nâng lên.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, vừa qua, hàng loạt vụ ngộ độc và tử vong do rượu nhưng chưa truy tố được vì chưa có căn cứ pháp lý. Vì vậy, Bộ Y tế cũng kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định 38 về thi hành Luật ATTP, sửa đổi nghị định về xử phạt vi phạm hành chính vì quy định còn quá nhẹ, chưa nghiêm minh; kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật ATTP, bổ sung vào Bộ luật Hình sự các quy định xử lý vi phạm hình sự về ATTP.
Bổ sung quy địnhxử lý nghiêm vi phạmATTP
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cử tri bức xúc là truy xuất nguồn gốc thực phẩm, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đây là vấn đề rất khó khăn do chúng ta có rất nhiều chợ cóc, chợ nông thôn nên việc truy xuất hoá đơn, nguồn gốc rất khó khăn.
Khi đề cập việc chúng ta có văn bản pháp luật khá đầy đủ, đồng bộ nhưng các vụ ngộ độc và vi phạm ATTP ngày càng xảy ra nhiều, Bộ trưởng cho rằng đây là thực tiễn do sản xuất, do hội nhập, do ý thức người dân...
"Chúng ta nói nhiều đến trách nhiệm quản lý Nhà nước các cấp. Nhưng còn trách nhiệm khác của doanh nghiệp, người sản xuất đã coi thường sức khoẻ của người dân và chưa thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật ATTP. Ở diễn đàn này chúng ta cũng kêu gọi lương tri của người sản xuất không vì lợi nhuận mà làm trái lương tâm, trái quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Tiến nói.
Hiện nay, các quy định về xử phạt còn nhẹ và khi mà mức phạt trung bình chỉ 200.000 đồng/vụ thì chưa đủ răn đe. Việc ngộ độc thực phẩm dẫn đến chết người nhưng chưa truy tố được vì chưa có căn cứ, vì thế Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội bổ sung các quy định xử lý nghiêm khắc vi phạm ATTP vào Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, cũng cần thấy rõ thêm trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp xã trong lĩnh vực bảo đảm ATTP. Vì sự việc (như nấu rượu lậu, làm ruốc bẩn) đều xảy ra ở địa bàn xã phường, do đó, chính quyền cơ sở cần nắm bắt vấn đề này.
Nhân lực và nguồn lực cho công tác bảo đảm ATTP hiện cũng rất khó khăn do chúng ta không tăng biên chế và tài chính thì khó giải quyết được mâu thuẫn trong quản lý về ATTP hiện nay. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng cần xã hội hoá nguồn nhân lực, mời các lực lượng cán bộ bán chuyên trách ở xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ này để cùng với các lực lượng khác ở địa phương nhằm tăng cường lực lượng bảo đảm ATTP trên địa bàn cơ sở.
Theo Chinh phu.vn