Cùng với cả nước, trẻ em tỉnh ta được hưởng sự chăm lo của toàn xã hội ngày càng nhiều hơn, chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên hiện nay, trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn đứng trước những vấn đề bức xúc như: Trẻ em bị bạo lực, xâm hại, ngược đãi, tai nạn, thương tích, lang thang, lao động sớm… rất cần sự quan tâm, chăm lo của cả cộng đồng.
Trăn trở nhiều vấn đề bất ổn đối với trẻ em
Hiện nay, trẻ em vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề bất ổn, ảnh hưởng đến đời sống hồn nhiên, trong trẻo của tuổi thơ. Vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo thống kê, trong năm 2014, trên địa bàn toàn tỉnh, có 12 trẻ em bị xâm hại, năm 2015 có 16 trẻ em và năm 2016 có 33 trẻ em, trong đó, trẻ em bị hiếp dâm là 23 trẻ, giao cấu với trẻ em 5 trẻ, dâm ô trẻ em 5 trẻ. Tuy nhiên, con số này chỉ là những vụ việc được phát hiện, báo cáo, còn nhiều vụ chưa được phát hiện, tố giác. Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt là những em bé tuổi mầm non như trường hợp ở xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi. Có vụ hiếp dâm 2 trẻ liên tiếp như ở xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc. Một số vụ hiếp dâm mang tính loạn luân như cha đẻ hiếp con gái ruột ở Tân Vinh, huyện Lương Sơn hay ở Kim Bình, huyện Kim Bôi… Qua đó có thể thấy rõ đối tượng xâm hại tình dục đa phần là người quen, họ hàng, hàng xóm, thậm chí là người thân trong gia đình. Việc xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí có thể dẫn tới trẻ tử vong hoặc trẻ tự tử như trường hợp ở xã Giáp Đắt, huyện Đà Bắc.
Lãnh đạo Sở Lđ-TB & XH tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường THCS xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn).
Cũng theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh có 15 trẻ tử vong do đuối nước. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ đuối nước làm 6 trẻ tử vong…Những con số trên mặc dù chưa được thống kê đầy đủ nhưng đây thực sự trở thành những vấn đề bức xúc của xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự sống và phát triển của trẻ em.
Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật và trẻ em có nguy cơ cao cũng ngày càng có xu hướng gia tăng. Tỉnh ta vẫn còn 28.119 trẻ em đang sống trong các gia đình nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi cơ bản của mình. Nhóm đối tượng trẻ em này có nguy cơ cao phải bỏ học, lang thang kiếm sống, nguy cơ bị xâm hại, buôn bán, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở một số địa phương còn cao. Toàn tỉnh có gần 2.000 trẻ em khuyết tật, tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần được quan tâm giúp đỡ…
Làm gì để trẻ em được phát triển toàn diện?
"Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”- đây là câu nói thấy rõ được vai trò quyết định của công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ từ mầm xanh trở thành tương lai của đất nước. Mỗi trẻ em đều có quyền được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Quyền trẻ em nhằm đảm bảo cho trẻ em không chỉ là người tiếp nhận thụ động lòng nhân từ của người lớn mà các em là những thành viên tham gia tích cực vào quá trình phát triển.
Cán bộ các ban, ngành trên địa bàn TP Hòa Bình ủng hộ quỹ Bảo trợ trẻ em.
Tại điều 53 của Luật Trẻ em quy định cụ thể trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Quy định về chăm sóc thay thế nhằm đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Luật cũng quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Cấm tước đoạt quyền sống của trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em. Để cơ chế giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em được khả thi và hiệu quả, Luật Trẻ em cũng quy định rõ nhiệm vụ của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Đồng chí Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Hội đồng Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết: Để Luật trẻ em đi vào cuộc sống, Tháng hành động Vì trẻ em năm nay có chủ đề "Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 12/5/2017 về tổ chức triển khai Tháng hành động vì trẻ em tỉnh năm 2017. Trong đó đã nêu những nội dung chủ yếu và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành của tỉnh , UBND các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động cụ thể để triển khai hiệu quả Tháng hành động. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Trung Dũng, không chỉ dừng lại trong Tháng hành động mà công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em cần được quan tâm thực hiện thường xuyên. Mỗi cấp, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch và có những hoạt động cụ thể để chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật. Tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại, bức xúc trong thực tế đối với công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tại địa phương. Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên và nhi đồng là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, chú trọng tăng cường sự tham gia của trẻ em vào hoạt động của xã hội. Từ đó tạo điều kiện cho trẻ em được phát triển bình đẳng và toàn diện.
Tạo sân chơi an toàn cho trẻ em vùng nông thôn Hiện nay, xã Phú Thành có gần 2.000 trẻ em sống trên địa bàn 11 thôn. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em đã đạt được nhiều kết quả. Trong dịp hè này, xã có nhiều hoạt động cho trẻ em như: "Phong trào thứ bảy, chủ nhật xanh” tạo điều kiện cho các em quét dọn đường làng, ngõ xóm. Tổ chức cho các em sinh hoạt hè vào thứ bảy hàng tuần với các hoạt động tập thể, trò chơi dân gian, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi, phong phú thu hút đông đảo trẻ em tham gia… Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là trên địa bàn xã chưa có sân chơi cho trẻ. Các em mong muốn được các cấp, ngành quan tâm đầu tư sân chơi an toàn để các em tránh xa nhưng trò chơi nguy hiểm như trèo cây, tắm sông, suối.. có nguy cơ gây ra tai nạn thương tích cao. Bùi Như Hà Bí thư Đoàn xã Phú Thành (Lạc Thủy)
|
Trẻ em được tham gia nhiều vào các hoạt động của gia đình, nhà trường và xã hội Được sinh ra trên địa bàn thành phố Hòa Bình, chúng cháu luôn nhận được sự chăm lo của các cấp, các ngành. Điều khiến chúng cháu cảm thấy thú vị và thích thú là ngày càng được tham gia vào các hoạt động của cộng đồng, xã hội. Cụ thể như được tham gia các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi, sự kiện; hoạt động của Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; các câu lạc bộ…Chúng cháu cũng được cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và quy định về giáo dục có liên quan đến học sinh…Qua đây chúng cháu thêm tự tin, có kỹ năng giao tiếp tốt hơn. Thời gian tới, chúng cháu mong tiếp tục được tạo điều kiện tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của gia đình, nhà trường và xã hội để tự tin hơn, khẳng định tài năng và tiếng nói của mình. Cháu mong sẽ có nhiều hoạt động xã hội, ngoại khóa hơn nữa để trẻ em được tham gia và nói về tiếng nói, nguyện vọng của mình. Tô Hoài Thảo Linh Học sinh lớp 7, trường THCS Sông Đà (TP Hòa Bình)
|
Mong muốn được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng - chống bạo lực, xâm hại
Hiện nay, chúng cháu nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhà trường và gia đình. Tuy vậy, qua sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng, cháu thấy có rất nhiều vụ bạo lực, xâm hại đối với trẻ em. Chúng cháu rất mong muốn các ngành chức năng xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Mặc dù hiện nay, trong chương trình học ở nhà trường đã có những kiến thức về giới tính, phòng - chống xâm hại trẻ em nhưng chúng cháu mong muốn người lớn cởi mở hơn trong việc chia sẻ kiến thức trong lĩnh vực này. Đặc biệt là trang bị những kỹ năng cần thiết để phòng- chống bạo lực, xâm hại để trẻ em tự bảo vệ mình. Nguyễn Thị Phương Thảo Học sinh lớp 7A1, trường THCS Hợp Thịnh (Kỳ Sơn)
|
(HBĐT) - Theo thông tin từ UBND xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi, vào lúc hơn 5 giờ chiều nay 15/6, trên địa bàn xóm Mỵ tiếp tục có 1 con trâu chết không rõ nguyên nhân.
(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn khẳng định: Những năm qua, công tác giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em luôn được các cấp, ngành trên địa bàn quan tâm, chăm lo, giúp các em có môi trường học tập, vui chơi lành mạnh.