(HBĐT) - Nằm bên quốc lộ 6, là địa bàn cửa ngõ thành phố nhưng đến nay, người dân xã Trung Minh (TP Hòa Bình) vẫn chưa được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt. Nguồn nước chủ yếu là nước giếng, nước mưa và nước tự chảy. Có nguồn nước sạch để phục vụ đời sống là mong chờ của người dân nơi đây.


Nước giếng khoan là một trong những nguồn nước chính phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân xã Trung Minh (TP Hòa Bình) chưa đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch.


Cùng cán bộ thuỷ lợi xã, chúng tôi đến xóm Miều. Trên con đường vào xóm, những đường ống dẫn nước kéo dài luồn lách nằm ngay bên mép đường, vắt vẻo trên cành cây dẫn nước từ khe suối vào nhà. Đây được đánh giá là nguồn nước hợp vệ sinh, tuy nhiên cũng không cung cấp được nhiều cho hộ sử dụng. Tại gia đình anh Nguyễn Văn Hướng cùng lúc có hai nguồn cấp nước là nước tự chảy và giếng khoan. Tuy nhiên, gia đình chỉ sử dụng được nước tự chảy, còn nước giếng khoan bị ô nhiễm không dùng được.

 Chị Nguyễn Thị Chức, xóm Miều, xã Trung Minh chia sẻ: Nguồn nước giếng ở đây hầu như không sử dụng được vì có mùi nên bà con chủ yếu dùng nước tự chảy lấy từ khe suối và nước mưa. Nhưng nguồn nước tự chảy cũng không có nhiều, các hộ phải chia nhau lấy theo giờ nếu không sẽ không đủ nước dùng.

 Cũng trong tình cảnh tương tự, người dân xóm Tân Lập 2 phải dẫn nước từ khe suối qua cánh đồng tập trung về một điểm, từ đó toả đi các hướng đưa nước về từng hộ. Trên các trục đường xóm là hệ thống đường ống dẫn nước ken dày. Theo người dân trong xóm, do đường dẫn xa, nguồn nước ít nên về đến nhiều hộ gia đình nước chỉ chảy như "đuôi chuột”. Vào những ngày mưa, đường ống bị tắc, việc khắc phục, sửa chữa hết sức khó khăn. Ngoài nước tự chảy, nhiều gia đình dùng nước giếng khoan, giếng đào xây bể chứa nước mưa. Tuy nhiên, nguồn nước giếng khoan vàng đục, không sử dụng được trong nấu ăn, đun nước uống. Múc từ giếng lên xô nước vàng đục. Bà Nguyễn Thị Phúc, xóm Tân Lập 2 chia sẻ: Để sử dụng nguồn nước giếng, gia đình tôi phải làm hệ thống lọc thủ công lọc qua các lớp cát, sỏi, dưới cùng là than củi. Dù vậy cũng chỉ sử dụng để tắm giặt, còn nấu ăn, đun nước uống phải dùng nước mưa.

 Để đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ đời sống, sinh hoạt, một số hộ đầu tư máy lọc nước nhưng đa phần tự làm hệ thống lọc nước thủ công, tuy biết chưa đảm bảo chất lượng nước sạch nhưng vẫn phải sử dụng vì không có nguồn nước nào khác. Theo mực nước sông Đà, mùa mưa nước sông đầy, nước giếng cũng đầy nên bà con đủ nước dùng. Tuy nhiên, về mùa cạn nước giếng cạn, khe suối cạn, nhu cầu về nước hết sức khó khăn. Theo ông Thiều Quyết Thắng, trưởng xóm Tân Lập 2, xã Trung Minh, những năm qua, nhiều đoàn kiểm tra về xóm đều khuyến cáo bà con không nên sử dụng nguồn nước do bị nhiễm asen. Nhân dân trên địa bàn rất trăn trở, lo lắng về chất lượng nước dùng đối với sức khoẻ, mong mỏi được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư hệ thống cấp nước sạch.

 Đồng chí Đinh Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2015, xã được hai dự án của Trung tâm nước sạch và Phòng Dân tộc thành phố đầu tư hệ thống cấp nước gồm bể lắng đầu nguồn, đường ống dẫn nước về hộ gia đình cho các xóm: Chu, Ngọc, Miều. Tại xóm Miều, do hệ thống nằm trong khu vực dự án sân golf nên khi dự án triển khai đã làm hư hỏng toàn bộ hệ thống bể chứa, đường ống dẫn nước. Tuy nhiên, hệ thống cấp nước này cũng sử dụng nguồn nước tự chảy để lắng chưa qua xử lý đảm bảo chất lượng nước sạch theo tiêu chuẩn. Toàn xã có trên 1.600 hộ với hơn 6.000 nhân khẩu, trong đó 1/3 hộ dân sử dụng nguồn nước tự chảy, còn lại là dùng nước giếng và nước mưa trong sinh hoạt, trước thực trạng nguồn nước không đảm bảo an toàn là vấn đề bà con quan tâm, lo lắng.

 Được quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch là mong muốn của người dân xã Trung Minh, tạo điều kiện để người dân được sử dụng nguồn nước đạt tiêu chuẩn phục vụ sinh hoạt góp phần đảm bảo an toàn sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 


                                                                                           Hà Thu

Các tin khác


Mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy

(HBĐT) - Sáng 21/6, TP Hòa Bình tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2017.

Mở nẻo về tươi sáng cho những mảnh đời lầm lỡ

(HBĐT) - Từ nguồn vốn vay được hỗ trợ theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều mảnh đời lầm lỡ tìm được nẻo về tươi sáng...

Cách chức cục trưởng Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường


Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) đã có quyết định cách chức cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường đối với ông Lương Duy Hanh.

Huyện Cao Phong xã hội hóa công tác chăm sóc người có công với cách mạng

(HBĐT) - Cùng cán bộ Phòng LĐ -TB&XH huyện Cao Phong, chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Quyết Tiến, xóm Chẹo Ngoài 1, xã Nam Phong.

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn ở huyện có tỷ lệ BHYT toàn dân thấp nhất tỉnh

(HBĐT) - Theo thống kê của BHXH huyện Kỳ Sơn, tính đến hết tháng 4/2017, trên địa bàn huyện có 22.885 thẻ BHYT /32.997 người dân = 69,25% dân số. Huyện Kỳ Sơn là địa phương có tỷ lệ BHYT toàn dân thấp nhất tỉnh. Năm 2017, huyện phấn đấu 90% dân số có thẻ BHYT đảm bảo cho việc khám, chữa bệnh. Hiện nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đang tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Khám, cấp thuốc miễn phí cho hơn 200 đối tượng chính sách tại huyện Tân Lạc

(HBĐT) - Ngày 18/6, tại UBND xã Lỗ Sơn (Tân Lạc), Ban thư ký UB Hội LHTN Việt Nam tỉnh, BTV Tỉnh Đoàn phối hợp tổ chức "Ngày hội thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng năm 2017” trong khuôn khổ hành trình "Theo bước chân những người Anh hùng” nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh- Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2017).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục